Gói thầu “Thi công xây lắp và hạ tầng kỹ thuật” công trình nhà khách 147 Lý Chính Thắng, TP Hồ Chí Minh có tổng trị giá khoảng 170 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Trong hồ sơ mời thầu do ông Hoàng Ngọc Tùng, đại diện chủ đầu tư ký gửi các nhà thầu có quy định “100% máy nén biến tần loại New DC Twy Rountry”. Một số nhà thầu tham dự phản ảnh với quy định này thì chỉ hãng điều hoà không khí Toshiba mới có. Ông Hoàng Ngọc Tùng cho biết, trước phiên mở thầu hôm 25/9 tại TP Hồ Chí Minh, cũng có nhà thầu có đơn phản ánh về vấn đề hồ sơ mời thầu.
Tuy nhiên, ông Tùng bác bỏ thông tin cho rằng hồ sơ thầu đã “chốt” chỉ có hãng Toshiba đáp ứng được. “Không chỉ Toshiba mà các hãng khác cũng có thể đáp ứng. Những tiêu chuẩn kỹ thuật đó đưa ra là ở mức “tối thiểu”, không phải là quá cao…Theo tôi thì có thể có 5-6 hãng khác có thể đáp ứng” – ông Tùng cho biết.
Một trang giới thiệu sản phẩm điều hoà của hãng Toshiba thừa nhận “máy nén biến tần loại New DC TwinRotary” là “riêng có của Toshiba”. |
Để làm rõ hơn thông tin về các thông số liên quan tới đặc tính kỹ thuật của các thiết bị điều hoà không khí tại hồ sơ mời thầu, chúng tôi đã trưng cầu ý kiến của các chuyên gia là cán bộ kỹ thuật hai hãng điều hoà không khí lớn của Nhật Bản. Các chuyên gia này sau khi nghiên cứu, phân tích thông tin tại các trang 82-91 của Hồ sơ mời thầu đã khẳng định: Có rất nhiều chi tiết “chỉ có hãng điều hoà Toshiba mới đáp ứng được”. Tạimục 1.1.1 “Dàn nóng một chiều lạnh loại 1” ở trang 82, hồ sơ mời thầu đưa ra 14 thông số thì có tới 7 thông số “có vấn đề” cần phải được loại bỏ. Cụ thể:
Thứ nhất, ở thông số về “Loại máy nén”, hồ sơ mời thầu viết “100% máy nén biến tần loại New DC Twin Rotary”. Theo chuyên gia về điều hoà không khí yếu tố “100% máy nén biến tần”là thông số nhiều hãng có nhưng yếu tố “loại New DC Twin Rotary”là loại máy nén chỉ do Toshiba sản xuất. Gõ google cụm từ “máy nén biến tần loại New DC Twin Rotary” cho thấy ngay chỉ có Toshiba có loại máy này. Theo thông tin từ Công ty Cổ Phần Đức Khải có địa chỉ tại Phường 3, Quận 5, TP.Hồ Chí Minh thì phần lớn máy điều hòa đều có điều khiển công nghệ biến tần.Toshiba có cặp máy nén quay một chiều (DC Twin Rotary Compressor), biến tần (DC Hybrid Inverter) và dòng chất làm lạnh (R-410A HFC Refrigerant). Còn tại một tài liệu giới thiệu sản phẩm của chính hãng TOSHIBA, hãng này viết: “Điều hòa Trung tâm Toshiba sử dụng Máy nén Dual DC twin-rotary: Mỗi dàn nóng bao gồm hai máy nén DC twin-rotary kiểu mới cùng bộ truyền động dual-inverter – công nghệ đặc biệt chỉ có ở Toshiba”.
Vẫn theo các chuyên gia điều hoà không khí, công nghệ máy nén trên vẫn là công nghệ cũ, chưa phải công nghệ tiên tiến nhất. Việc quy định đóng khung hãng Toshiba vừa giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, vừa không tiếp cận được công nghệ tiên tiến. Theo các chuyên gia, hồ sơ mời thầu, ở thông số này chỉ cần viết “100% máy nén biến tần” là phù hợp.
Thứ hai, ở thông số, “số lượng máy nén và công suất”, hồ sơ mời thầu ghi: “3,6X3+3,6X3+3,6X3” cũng là một công thức chỉ hãng Toshiba có được vì chỉ hãng này có 3 máy nén với công suất như vậy trong khi đúng ra chỉ cần quy định tổng công suất máy nén là bao nhiêu bởi các hãng điều hoà có thể thiết kế số lượng máy nén khác nhau.
Thứ ba, về thông số “bước điều chỉnh tần số máy nén”, hồ sơ mời thầu quy định “nhỏ hơn hoặc bằng 0,1HZ” cũng là không cần thiết. Thứ tư, về lưu lượng quạt giải nhiệt, hồ sơ mời thầu quy định “13.000+13.000+13.000 m3/h”“trùng khớp” cấu hình của Toshiba trong khi chỉ cần quy định tổng thể lưu lượng quạt giải nhiệt là bao nhiêu m3/h. Thứ năm, quy định dòng khởi động mềm 1A cũng không phù hợp.
Thứ sáu, quy định về môi chất lạnh R410A cũng không phù hợp, chưa phải là chuẩn cao của công nghệ bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, về thông số “hệ số EER ở 100% tải”, hồ sơ mời thầu ghi: “nhỏ hơn hoặc bằng 3,28”, theo các chuyên gia con số 3,28 là mang tính “chỉ định”, lẽ ra chỉ cần quy định “nhỏ hơn hoặc bằng 3” là đủ. Hơn thế, cách dùng từ EER còn hiểu sai kỹ thuật, lẽ ra phải là thông số COP là con số nói về hiệu quả làm lạnh của thiết bị. Đó là chưa kể quy định này rất rườm rà, phi lý, ở Việt Nam hiện nay cũng chưa có máy móc chuyên dùng để đo đếm được thông số này. Cũng ở trang 82, phần độ dài đường ống, độ cao đường ống cũng chỉ hãng Toshiba đáp ứng, cần điều chỉnh xuông cho phù hợp vói kích thước tòa nhà, không cần thiết lấy quá lớn đề một số hãng đều đáp ứng.
Theo nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu ở Điều 34 nêu rõ: “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.Việc hồ sơ mời thầu viết quá kỹ và dựa trên thông số kỹ thuật điều hòa VRV của hãng Toshiba – Nhật Bản khiến các nhà thầu nghi ngờ và đặt nhiều dấu hỏi.
Trước nghi vấn này, ông Tùng cho biết các nội dung trong hồ sơ mời thầu là do đơn vị tư vấn lập. Trước ý kiến của các nhà thầu, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng dân dụng Hà Nội) giải trình. Qua giải trình, phía Công ty này vẫn cho rằng hồ sơ đáp ứng đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, không có sự “cài đặt” để thông thầu???
Gói thầu “Thi công xây lắp và hạ tầng kỹ thuật” công trình nhà khách 147 Lý Chính Thắng, TP Hồ Chí Minh là gói thầu lớn, tổng thầu lên tới 170 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tiêu một đồng từ ngân sách cũng cần được công khai, minh bạch để tránh thất thoát, lãng phí. Do vậy, trước dư luận về hồ sơ thầu có nhiều điểm bất thường như phản ảnh ở trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm“vào cuộc” xác minh, làm rõ.