Điêu đứng vì người thân rơi vào 'bẫy lừa tiền'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không ít người đã phải “ôm cục nợ”, sống trong gánh nặng tài chính vì người thân lỡ sa chân vào những cái bẫy lừa tiền qua mạng.
Nhiều bẫy lừa tiền vẫn rình rập người trưởng thành trên mạng. (Ảnh minh họa)

Nhiều bẫy lừa tiền vẫn rình rập người trưởng thành trên mạng. (Ảnh minh họa)

Gia đình kiệt quệ

Hơn tháng nay, không khí gia đình anh Nguyễn Văn Nam (ngụ Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM) căng như dây đàn. Nguyên nhân là “bỗng nhiên” cả nhà “ôm một cục nợ” từ việc chị Lê Thu Hương, vợ anh Nam bị lừa đảo tài chính trên ứng dụng Telegram.

Đây là ứng dụng tương tự Message hay Zalo, được sử dụng để kết nối thông qua các tin nhắn bằng văn bản, ảnh, giọng nói… miễn phí, nhưng phổ biến ở nước ngoài hơn Việt Nam. Nhiều hình thức lừa đảo tài chính tinh vi gần đây đã xuất hiện trên ứng dụng này. Vợ anh Nam đã rơi vào một trong những cái bẫy ấy. Chị được một đồng nghiệp cũ rủ rê tạo tài khoản trên Telegram để tham gia một sàn giao dịch tài chính nhị phân. Theo người này quảng cáo, số lợi nhuận thu được dễ dàng và nhiều hơn bất cứ hình thức đầu tư nào.

Đang giữ gần 1 tỉ đồng hai vợ chồng dành dụm để mua chung cư, chị Hương mong muốn “tiền đẻ ra tiền” nên ban đầu tham gia với số tiền vài chục triệu. Sau đó, chị nhận được khoản lời gần 30% số tiền đã đầu tư. Quá mừng rỡ, chị tiếp tục đổ tiền vào từ một trăm triệu đến vài trăm triệu và vẫn thu về lợi nhuận tốt. Cho đến khi chị đổ toàn bộ vốn liếng vào định “chơi lần này nữa rồi thôi” thì người bạn kia ôm số tiền biến mất. Sau đó chị Hương mới biết được có hình thức lừa đảo thông qua các sàn giao dịch nhị phân, liên lạc qua Telegram và toàn bộ số tiền lợi nhuận cùng thông số giao dịch, hoá đơn lợi nhuận đều là nhóm người cùng chơi lập ra để lừa đảo chị và những người cả tin như chị.

Khi mất sạch tiền bạc, chị Hương mới thú nhận với chồng. Mất số tiền dành dụm cực khổ nhiều năm trời cho giấc mơ mua nhà, anh Nam vô cùng tức giận, mệt mỏi. Nhưng thấy vợ cũng đã suy sụp, hoảng loạn, anh không nỡ trách móc vợ nặng lời. Tuy nhiên, biến cố ấy khiến gia đình anh không còn bình yên, hạnh phúc như trước.

Trong khi đó, gia đình anh Phan Huy Việt (ngụ Trường Chinh, Tân Bình) thì đang khốn đốn trong những món nợ nần do bẫy vay tiền trên mạng mang đến. Ban đầu, việc kinh doanh bị nợ “gối đầu” do khách hàng chậm thanh toán, lại thấy có người quen gửi cho app vay tiền nhanh gọn, anh Việt quyết định vay để xoay vòng nợ, đinh ninh khách hàng trả trong thời gian ngắn sẽ nhanh chóng thanh toán khoản nợ trên app. Nhưng việc thu hồi nợ không suôn sẻ. Đến lúc anh Việt xoay được tiền trả nợ cho app thì số nợ đã tăng gần 4 lần, lãi mẹ đẻ lãi con khiến anh trả hoài không hết, lại bị tổ chức “tín dụng đen” hăm doạ. Cuối cùng, khi anh kể với vợ thì từ số vay 100 triệu ban đầu giờ anh đã nợ hơn 600 triệu đồng. Chị vợ phải vay mượn khắp nơi để cùng chồng giải quyết hậu quả.

Rắc rối đến từ thiếu sẻ chia

Thời gian gần đây, đã có không ít trường hợp như chị Hương, anh Việt, rơi vào những cái bẫy tài chính thông qua các ứng dụng như Telegram, Zalo, Facebook… Số tiền bị lừa đảo có khi là vài chục triệu, vài trăm triệu hoặc hàng tỉ đồng.

Có muôn vàn cạm bẫy trên mạng mà những người trưởng thành, đã lập gia đình vẫn có thể mắc phải. Đó là các sàn giao dịch tiền ảo, bẫy lừa đảo vay ngân hàng, “tín dụng đen”, quà tặng từ nước ngoài... Xuất phát từ sự cả tin, lòng tham, hoặc đơn giản là mong muốn nhanh có tiền tích luỹ, có thêm khoản tiền để đỡ đần bạn đời, nhiều người đã lọt vào bẫy lừa đảo trên mạng, để rồi không chỉ không củng cố được tài chính mà còn khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ, đẩy hôn nhân đến bờ vực thẳm.

Khi sự việc đổ bể, ngoài sự hoảng hốt khi mất tiền, đối mặt với số nợ, quan trọng hơn là trong mối quan hệ vợ chồng sẽ tồn tại vết nứt khó lòng hàn gắn được. Vết nứt ấy không chỉ đến từ gánh nặng nợ nần, nỗi đau bị lừa tiền mà còn là sự rạn vỡ của niềm tin. Có thể thấy ở đa phần trường hợp vay mượn hay bị lừa qua mạng, đều xuất phát từ sự “hám lợi” và thiếu chia sẻ của những người vợ, người chồng. Đem những khoản tiền vài chục, hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng theo người ngoài “đầu tư”, nhưng lại không có một lời bàn bạc, hỏi ý kiến của người đầu ấp tay gối với mình.

Sau những biến cố như thế, hậu quả để lại là gánh nặng nợ nần oằn lên vai những thành viên trong gia đình. Là nỗi ân hận của người gây ra lầm lỗi. Là nỗi buồn, thất vọng, ấm ức của người bạn đời bỗng nhiên “tai bay vạ gió”. Có những đôi vợ chồng, vì thương yêu, vì kiên định và bao dung, đã cùng nhau gánh vác, vượt qua sóng gió. Nhưng cũng có những cuộc hôn nhân đã tan vỡ sau những biến cố như thế. Đó là những bài học đắt giá về niềm tin, về sự sẻ chia trong hôn nhân và “biết đủ” để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.