Theo dự thảo, đối tượng được thụ hưởng chính sách là lao động (LĐ) nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 mà tỷ lệ hưởng lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thấp hơn so với người có cùng số năm đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017.
Vì sao cần điều chỉnh?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 thì: “Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người LĐ đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: a) LĐ nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; b) LĐ nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%”.
Theo quy định nêu trên thì số năm đóng BHXH để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% đối với LĐ nam là 31 năm vào năm 2018, 32 năm vào năm 2019, 33 năm vào năm 2020, 34 năm vào năm 2021, 35 năm từ năm 2022 trở đi; đối với LĐ nữ là 30 năm từ năm 2018 trở đi.
Việc quy định điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014 được đánh giá là bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm tốt hơn khả năng bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất, công bằng hơn so với Luật BHXH năm 2006…, nhưng đã làm phát sinh sự so sánh giữa LĐ nữ với LĐ nam, giữa LĐ nữ nghỉ sau với LĐ nữ nghỉ trước thời điểm ngày 01/01/2018, Cụ thể, do quy định công thức tính lương hưu của nam thay đổi dần trong vòng 5 năm còn của nữ thay đổi ngay trong năm 2018 nên dẫn đến một số LĐ nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (giảm từ 1% đến 10%). Từ đó tạo ra tâm lý so sánh giữa LĐ nữ và LĐ nam (giảm 1% đến 2%). Phải đến năm 2022, công thức tính lương hưu của nam và nữ mới thực sự tương đồng.
Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2018 - 2021, sẽ có khoảng 223,6 nghìn lao động nữ nghỉ hưu. Trong tổng số lao động nữ nghỉ hưu giai đoạn 2018 - 2021, có khoảng 91 nghìn người có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH (chiếm khoảng 41%). Những trường hợp này sẽ có lương hưu bị thiệt nhiều hơn một cách tương đối so với nam giới nghỉ hưu cùng thời kỳ, cụ thể: Năm 2018 - 20,5 nghìn người; năm 2019 - 22 nghìn người; năm 2020 - 23,5 nghìn người và năm 2021 - 25,1 nghìn người.
Điều chỉnh theo công thức nào?
Theo dự thảo, LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH thì tùy vào thời gian đã đóng BHXH được điều chỉnh tăng lương hưu thêm một khoản tiền được tính bằng tiền lương hưu tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật BHXH nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng BHXH và thời điểm nghỉ hưu.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nguyên tắc tính toán một trường hợp mẫu, sau đó áp dụng cho các trường hợp tương tự.
Cụ thể, giả sử LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH, thì tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2018 theo Luật là 65% và tỷ lệ hưởng lương hưu của người có cùng 25 năm đóng BHXH nhưng nghỉ hưu ở năm 2017 là 75%. Như vậy, mức giảm là 10% trong 01 năm (năm 2018 so với năm 2017).
Nếu kéo dãn lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 thì mỗi năm, LĐ nữ sẽ chỉ bị giảm 2% (bằng 1/5 của 10%) so với năm trước. Như vậy LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và 2022 giảm 10%.
Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng thêm số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính Luật BHXH (10%) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới, tức là sẽ tăng thêm vào tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho LĐ nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%, năm 2019 là 6%, năm 2020 là 4%, năm 2021 là 2% và từ năm 2022 thì không được điều chỉnh vì kết thúc lộ trình như nam giới.
Tuy nhiên cách tính nêu trên mới chỉ tính tăng thêm vào tỷ lệ hưởng lương hưu (tỷ lệ %). Nếu điều chỉnh vào lương hưu (số tiền tuyệt đối) thì mức điều chỉnh sẽ cao hơn tương ứng bằng 12,31% (bằng 8% chia cho 65%) nếu bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018. Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn tiếp theo, mức điều chỉnh tương ứng là: Năm 2019 là 9,23%; năm 2020 là 6,15% và năm 2021 là 3,08%.
Dự thảo cũng đề xuất các nội dung chuyển tiếp, theo đó, đối với LĐ nữ đã nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2018, sau khi được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng thì tiếp tục được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định này.
LĐ nữ đã nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến trước ngày được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định này được truy lĩnh phần điều chỉnh của những tháng trước đó.
Mức lương hưu sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu tiếp theo theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.