Việc bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương đối với nhà giáo thuộc biên chế sự nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ có thay đổi trong thời gian tới. Việc xét công nhận chức danh Giáo sư (GS), Phó GS cũng sẽ chặt hơn... Đó là những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS được Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến hôm nay (22/9).
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bài trái) trao chứng nhận cho GS Võ Văn Hoàng năm 2009 |
Theo đó, tại khoản 3, khoản 4 Điều 6 bổ sung: Việc bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương đối với nhà giáo thuộc biên chế sự nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH công lập như sau: - Nhà giáo đang được xếp lương ở ngạch phó giáo sư - giảng viên chính, khi được bổ nhiệm vào chức danh GS thì được bổ nhiệm không qua thi nâng ngạch và xếp lương ở ngạch GS - giảng viên cao cấp; - Nhà giáo đang được xếp lương ở ngạch giảng viên, khi được bổ nhiệm vào chức danh PGS thì được bổ nhiệm không qua thi nâng ngạch và xếp lương ở ngạch PGS - giảng viên chính theo quy định hiện hành về nâng ngạch và xếp lương của Nhà nước. - Nhà giáo đang được xếp ở ngạch lương GS - giảng viên cao cấp được bổ nhiệm vào chức danh giáo sư và nhà giáo đang được xếp ở ngạch lương PGS - giảng viên chính được bổ nhiệm vào chức danh PGS thì được xếp lên bậc lương trên liền kề của bậc lương hiện hưởng thuộc ngạch lương đang được xếp (nếu trong ngạch còn bậc). Đối với nhà giáo không thuộc biên chế sự nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH công lập, thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý nhà giáo xem xét vận dụng quy định nêu trên. Bên cạnh việc điều chỉnh về lương, tại khoản 2 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung quy định việc lấy phiếu bãi miễn chức danh GS, PGS. Cụ thể, Hội đồng Chức danh nhà nước thẩm định và nghị quyết bằng lấy phiếu kín từng trường hợp hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hoặc tước bỏ công nhận chức danh GS,PGS Việc thẩm định và nghị quyết bằng lấy phiếu kín để hủy bỏ hoặc tước bỏ chức danh chỉ có giá trị khi được ít nhất từ ba phần tư số thành viên Hội đồng tham dự họp trở lên bỏ phiếu tán thành. Dự thảo cũng nêu rõ, từ ngày 1/1/2011, ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải thực hiện đủ 190 giờ chuẩn, PGS phải thực hiện đủ 150 giờ chuẩn. Cách tính quy đổi giờ chuẩn thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Về tính điểm quy đổi cho mỗi bài báo khoa học đã được công bố chủ yếu dựa vào chất lượng khoa học của chính bài báo, có tham khảo uy tín khoa học của tạp chí công bố bài báo khoa học đó. Mỗi bài báo khoa học được tính từ 0 -1 điểm; chỉ bài báo khoa học nào đặc biệt xuất sắc, đăng trên các tạp chí có uy tín khoa học hàng đầu ở trong nước và quốc tế mới có thể được tính 2 điểm. Bài báo có đồng tác giả thì điểm của bài báo được chia đều cho các đồng tác giả....
Theo Kiều Oanh
VietNamNet
VietNamNet