Điệp viên lừa được cả Hitler nhờ đội quân tình báo 'ảo'

Điệp viên 2 mang Juan Pujol Garcia,
Điệp viên 2 mang Juan Pujol Garcia,
(PLO) -Juan Pujol Garcia thấp nhỏ, hói đầu, đeo kính dày cộp, ăn mặc nông dân, tức không có bất cứ đặc điểm nào của những điệp viên thường thấy trên phim. Thế nhưng, ông lại luôn được ca ngợi là “điệp viên 2 mang xuất sắc nhất thế giới” hay “người đã cứu cả thế giới” nhờ chiến tích cao tay lừa được cả Hitler trong trận Normandy có tính chất quyết định tới kết quả Chiến tranh thế giới II.

Là một người từng kinh qua cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha nên Pujol hiểu được rõ được bản chất của tư duy phát xít và ghét cay ghét đắng Đức Quốc xã cùng Hitler – người ông ví như một con quỷ, “một kẻ có thể hủy diệt hoàn toàn cả nhân loại”.

Vì thế nên Pujol luôn ấp ủ ý tưởng tìm cách cống  hiến cho cuộc chiến chống phát xít. Để thực hiện mục tiêu này, năm 1941, Juan Pujol Garcia tiếp cận các sỹ quan tình báo ở Đại sứ quán Anh ở Madrid để đề nghị được làm việc cho họ. 

Đi đường vòng

Nhưng, với những nhân viên an ninh của Anh ở đó, lời đề nghị này chẳng lấy gì làm hấp dẫn. Bởi, người đàn ông trước mắt họ không có bất cứ dấu hiệu nào của một điệp viên xuất sắc: một người đàn ông nhỏ thó, gương mặt nghiêm nghị, hói đầu, nói chuyện nhàm chán, trước đó làm một nông dân nuôi gà rồi làm quản lý khách sạn và chưa từng có kinh nghiệm gì liên quan đến gián điệp. Chính vì vậy nên họ chỉ bật cười và thẳng thừng từ chối đề nghị của ông.

Bị chối bỏ phũ phàng nhưng Pujol không nản lòng hay tức giận. Thay vào đó, ông quyết định đi đường vòng: tìm cách giả làm một điệp viên của Đức rồi đề nghị làm điệp viên 2 mang cho người Anh. Theo kế hoạch này, ông sắm vai một nhân viên ngoại giao của Anh nhưng lại có cảm tình với Đức Quốc xã để tiếp cận người Đức.

Dù không nói được tiếng Anh cũng chưa từng đặt chân tới Anh nhưng Pujol vẫn có thể qua mặt người Đức chỉ với tấm hộ chiếu ngoại giao giả mạo. Các sỹ quan tình báo Đức đã đồng ý tiếp nhận Pujol, cử ông tham gia một khóa học về gián điệp rồi sau đó điều ông trở lại Anh để thu thập thông tin gửi về cho Đức Quốc xã. 

Được Đức Quốc xã chỉ thị do thám ở Anh nhưng vì hộ chiếu ngoại giao là giả nên Pujol không thể tới London. Thay vào đó, ông tới Lisbon, Bồ Đào Nha và từ đây dùng sách hướng dẫn du lịch Anh, những thông tin lượm lặt được qua báo chí, sách vở về quân đội Anh và nhất là trí tưởng tượng để viết lên những báo cáo tình báo giả gửi về cho quân Đức. Trong suốt thời gian này, ông tiếp tục tìm cách liên hệ với Anh để đề nghị trở thành điệp viên cho họ.

Tháng 2/1942, ông tới hẳn văn phòng của Mật vụ Anh ở Tây Ban Nha, nói rõ ông là một điệp viên của Đức và tiếp tục đưa ra lời đề nghị trước đó. Với việc cơ quan phản gián xác định Pujol có liên hệ với Đức, Mật vụ Anh cuối cùng đã chấp nhận tuyển mộ ông.

Mạng lưới điệp viên giả đáng ngưỡng mộ

Sau khi trở thành điệp viên 2 mang, Pujol được điều tới Anh với mật danh GARBO và nhiệm vụ cung cấp thông tin giả mạo cho Đức Quốc xã. Khi Pujol tới London, với sự trợ giúp của tình báo Anh, ông dần trở thành một tài sản vô giá với Đức Quốc xã khi lập ra được một mạng lưới bao gồm 27 điệp viên “ảo”, bao gồm từ một trung sỹ bất mãn của quân đội Mỹ tới những lãnh đạo của quân đội Anh do ông tuyển mộ được nhưng thực chất đều là những nhân vật hư cấu.

Cuốn sách hướng dẫn du lịch Anh khi đó được Pujol thay thế bằng một điệp viên thực thụ có nhiệm vụ đi lại khắp nước này để thăm dò địa điểm làm tư liệu cho những chuyến đi giả của những điệp viên ảo.

Trong suốt 2 năm trời, Juan Pujol Garcia đã gửi về cho Đức hàng núi thông tin về các hoạt động của mạng lưới điệp viên siêu hạng ảo của ông. Ví dụ như những vụ ám sát những nhân vật chính trị khó chịu của binh sỹ có cảm tình với Đức Quốc xã Dagobert, thành viên đơn vị ảo có tên Binh đoàn thiết giáp số 9 của quân đội Anh. Chính phủ Anh đã khiến Đức tin vào những thông tin này bằng cách cho đăng những cáo phó giả trên báo chí. 

Còn khi những thông tin mà Pujol gửi về được chứng minh là không chính xác, ông lại đổ lỗi cho những chân rết của mình. Thi thoảng, ông báo cáo những người cung cấp tin đã bị sát hại, sa thải, tống giam… rồi thay thế bằng những nhân vật ảo mới và tiếp tục “dội” về Đức những thông tin giả khác. Pujol khiến quân Đức tin đến nỗi có lần chúng còn trả trợ cấp cho người vợ góa của một điệp viên ảo.

Sơ đồ mạng lưới tình báo ảo của Pujol.
Sơ đồ mạng lưới tình báo ảo của Pujol.

Pujol cũng cao tay khi thi thoảng cũng cung cấp một số thông tin có thật nhưng đủ muộn để quân Đức kịp trở tay và lấp liếm bằng cách đề ngày gửi đi trước ngày gửi thật. Vì thế nên khi Pujol gửi cảnh báo muộn về việc Anh đổ bộ xuống Bắc Phi vào tháng 11/1942, phía Đức không kịp hành động gì nhưng vẫn nghĩ đó là do thư tín đến muộn và vẫn đánh giá tin báo của ông “thật tuyệt”.

Dù toàn cung cấp thông tin giả nhưng sự khéo léo che giấu của Pujol cộng với sự hỗ trợ của Anh đã khiến ông được Đức Quốc xã tin tưởng đến mức thậm chí không điều thêm điệp viên tới Anh và tin những thông tin mà ông gửi về đến mức không thèm kiểm chứng lại. Cũng chính vì thế mà quân Đức hoàn toàn mù tịt về tình hình thực tế ở Anh. 

Thêm vào đó, việc liên lạc dày đặc giữa Pujol và Đức còn giúp tình báo Anh tìm hiểu và giải mã được các thông tin liên lạc của Đức. Quân Đồng minh khi đó đã thành công trong việc giải mã được bộ mã hóa Enigma mà Đức Quốc xã dùng để mã hóa thông tin nội bộ cũng như phần nào đoán được các thông tin từ các nơi gửi về Đức mỗi khi tình báo Đức đổi bộ mã hóa khác. 

Lời nói dối quyết định

Công lao lớn nhất khiến Pujol thường được cho là điệp viên 2 mang vĩ đại nhất hay người đã cứu cả thế giới nằm ở Chiến dịch Fortitude – chiến dịch phản gián được tiến hành nhằm đánh lạc hướng quân Đức về những địa điểm mà quân Đồng minh sẽ đổ bộ trong chiến dịch Normandy. Quả thực, Pujol đã thành công khi khiến người Đức tin rằng quân Đồng minh sẽ đổ bộ xuống bãi biển Pas de Calais chứ không phải Normandy. 

Để làm được điều đó, Pujol gửi về Đức những bản tin về hoạt động tụ binh quy mô lớn của đội quân ảo “Binh đoàn số 1 Hoa Kỳ” do Tướng Mỹ George Patton chỉ huy ở Dover, gần Pas de Calais.

Ngày 9/6/1944, trong khi Hitler đang cùng những chỉ huy cấp cao của Đức Quốc xã thảo luận về việc liệu cuộc đổ bộ vào Normandy có phải là hướng tiến công chính của quân Đồng minh và về việc có nên rút tất cả lực lượng dự bị của quân đội Đức từ Bỉ và Pháp tới Normandy để chuẩn bị tiêu diệt các nhóm binh sỹ của quân Đồng minh hay không thì nhận được bức điện báo rất dài từ Pujol, trong đó khẳng định các hoạt động quân sự ở Normandy chỉ là hoạt động nghi binh. “Các ông phải tin tôi, 25 sư đoàn của quân Đồng minh đang được huy động tới Pas de Calais” – bức điện nhấn mạnh. 

Ở thời điểm quan trọng đó, Hitler cuối cùng đã đặt niềm tin vào Pujol và quyết định không điều binh tới Normandy, thay vào đó là tới Pas de Calais nằm chờ. Việc này luôn được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa đến chiến thắng của quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới II. Bởi, với lực lượng và binh khí hùng hậu, nếu quân Đức quy tụ về Normandy, việc đánh bật đội quân này đối với quân Đồng minh thực sự sẽ là điều vô cùng khó khăn.

Pujol một lần nữa chứng tỏ sự thông minh tuyệt đỉnh của mình khi 2 ngày trước Ngày Chiến thắng, ông gửi cho Đức Quốc xã bức thư, trong đó nói rằng ông đã phát hiện ra sự thật rằng cuộc tấn công thực sự sẽ diễn ra ở Normandy. Dĩ nhiên, việc chuyển thư không thể diễn ra nhanh chóng nên đến khi tình báo Đức nhận được thư, việc phản ứng đã là quá muộn.

Nhờ đó mà quân Đức vẫn tin rằng Pujol thực sự là một người trung thành với chúng. 2 tháng sau ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy, Đức vẫn duy trì 2 sư đoàn ở Pas de Calais và vẫn tin tưởng Pujol đến mức trao cho ông giải thưởng Chữ thập sắt - huy chương danh giá thứ 2 của chúng, thường được trao cho những binh sỹ có thành tích lớn trên trận mạc và phải được đích thân  Hitler đồng ý - vào tháng 12/1944...

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.