Cuộc đào thoát ngoạn mục
Trong thùng của chiếc xe hiệu Ford chật hẹp, một người đàn ông 46 tuổi toát hết mồ hôi khi cố cởi chiếc áo khoác ngoài cho bớt nóng. Người đàn ông là một nạn nhân bị bắt cóc?
Không hề, ông ta đã chọn có mặt ở đó. Ông ta chưa từng gặp lái xe cũng như những người có mặt trên xe nhưng những người này đang là hy vọng sống sót duy nhất của ông ta. Bởi, nếu họ không thể đưa ông ta ra khỏi được nước Nga, ông ta sẽ bị đưa về Moscow và có thể phải lĩnh án tử hình do phản bội tổ quốc.
Ngược lại, ông ta sẽ an toàn nếu đặt chân được sang đất Phần Lan vốn chỉ còn cách đó vài km. Thế nhưng, để làm được điều này, đoàn xe phải vượt qua 5 trạm kiểm soát có sự hiện diện dày đặc của các nhân viên an ninh của Nga.
Khi những chiếc xe đi qua chốt thứ nhất, người đàn ông kéo “chiếc chăn” bằng bạc quanh người để tránh bị máy ảnh nhiệt của các lính gác phát hiện. Ở trong thùng xe, tim người đàn ông đập mạnh khi xe dừng lại trong vài phút và chỉ thở phào khi thấy xe tiếp tục lăn bánh. Trong 2 trạm kiểm soát sau đó, mọi việc khá suôn sẻ.
Tuy nhiên, đến trạm thứ 4, tình hình trở nên rắc rối khi những người lái xe được yêu cầu mang theo hộ chiếu vào một tòa nhà. Người đàn ông trong thùng xe không nhìn được nhưng ông ta biết chắc ở đó toàn là những hàng rào dây thép gai, tháp canh, lính gác và cả những khẩu súng. Khi những người lái xe vào xuất trình hộ chiếu ngoại giao thì 2 bà vợ ở ngoài chờ.
Trong một khoảnh khắc lạnh người, người đàn ông nghe thấy tiếng đánh hơi và tiếng sủa của những chú chó nghiệp vụ. Bị nhốt trong thùng xe nóng nực lại thêm căng thẳng khiến mồ hôi của ông ta vã ra như tắm nên chó nghiệp vụ chắc chắn sẽ đánh hơi ra. Và như vậy mọi thứ sẽ kết thúc.
Giây phút nghẹt thở, người đàn ông đã nghĩ đến tình huống xấu nhất thì bất ngờ những chú chó lại rời đi về phía chiếc xe ở phía trước. Nguyên nhân không phải ngẫu nhiên mà do người phụ nữ trên chiếc xe đã cố tình đánh đổ pho mát và hành tây chiên ra xe để đánh lạc hướng.
Cùng lúc này, người phụ nữ còn lại “vô tình” bế con ra ngoài, thay tã cho đứa trẻ ở ngay trên nắp thùng xe rồi cố ý vứt xuống đất, khiến mùi tã át cả mùi người.
Nhờ đó mà vài phút sau đó, chiếc xe đã được rời đi. Ở chốt kiểm soát cuối cùng, đoàn xe chỉ dừng lại trong chốc lát rồi đi. Bản nhạc Finlandia vang lên và người đàn ông biết được rằng điều đó có nghĩa là ông ta đã bỏ trốn thành công.
Đây là câu chuyện thực, xảy ra cách nay gần 33 năm. Và người đàn ông trong thùng xe có tên Oleg Gordievsky – điệp viên có giá trị nhất của MI6 tại KGB trong những năm tháng cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Át chủ bài” trong lòng KGB
Oleg Gordievsky sinh năm 1938 trong một gia đình có cả cha và mẹ đều là những cán bộ an ninh của Liên Xô. Thế nên cũng dễ hiểu khi ông ta chọn KGB là nơi làm việc sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moscow vào đầu thập niên 60.
Ít lâu sau khi được tuyển dụng, Gordievsky được cử sang Đan Mạch với tư cách là tùy viên của Đại sứ quán Liên Xô ở nước này. Song, đó chỉ là vỏ bọc để che giấu hoạt động tuyển mộ và tổ chức các điệp viên của KGB ở nước ngoài.
Theo các nguồn tin, Gordievsky bắt đầu phản bội nước Nga và làm việc cho cơ quan tình báo Anh MI6 từ năm 1974.
Trong vòng 3 năm kể từ đó, ông ta đã làm việc cho cả KGB lẫn MI6. Đặc biệt, do nắm được nội tình của cả 2 bên nên các thông tin mà ông ta cung cấp đều có giá trị và được trọng dụng. Cuối những năm 1970, Gordievsky bị triệu về nước làm việc nhưng đến tháng 6/1982, ông ta đã được điều tới London, Anh.
Oleg Gordievsky. |
Để hỗ trợ cho hoạt động 2 mang của Gordievsky, tình báo Anh đã dần đẩy các nhân viên tình báo của KGB tại nước này về nước. Trong tình thế đó, vì không muốn kích động một cuộc chiến visa người Anh, KGB đã phải đưa Gordievsky lên giữ chức phụ trách các hoạt động tình báo của Liên Xô tại Anh.
Việc này, ngoài việc giúp Gordievsky tiếp cận được nhiều thông tin còn giúp ông ta ít có nguy cơ bị tố giác hay bị phát hiện hơn. Quả thực, các thông tin mà Gordievsky đã giúp tình báo Anh vạch mặt được 25 điệp viên của Liên Xô hoạt động tại nước này.
Ngoài ra, ông ta cũng giúp Anh và các nước đồng minh hiểu được các suy nghĩ và tính toán của Liên Xô ở giai đoạn vô cùng quan trọng của cuộc Chiến tranh Lạnh, trong đó phải kể đến việc Gordievsky đã giúp ngăn chặn được khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và NATO.
Cụ thể, tháng 11/1983, khi NATO tiến hành cuộc diễn tập quân sự có tên Able Archer 83, Liên Xô đã tưởng rằng đối thủ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân nên đã đưa lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này vào tình trạng báo động.
Cùng với đó, các đơn vị không quân của Liên Xô ở Đức cũng đã được yêu cầu sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Trong tình thế mà bất cứ tính toán sai lầm nào cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường như vậy, chính các thông tin mà Gordievsky chuyển về cho Liên Xô đã giúp dẹp tan những lo sợ của người Nga, kéo bầu không khí “căng như dây đàn” lúc đó hạ nhiệt.
Cũng nhờ thông tin của Gordievsky mà Anh và các đồng minh của nước này biết được rằng ông Mikhail Gorbachev sẽ trở thành lãnh đạo của Liên Xô. Các thông tin sâu trong nội bộ của Nga do Gordievsky cung cấp và một số thông tin khác đã giúp Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là bà Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hiểu được rõ hơn về lập trường của Liên Xô quanh bàn đàm phán, từ đó giúp các bên có thể kết thúc được Chiến tranh Lạnh một cách hòa bình.
Nghi vấn bị đầu độc
Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Với các tiết lộ do điệp viên CIA Aldrich Ames cung cấp, KGB dần đoán được Gordievsky đã phản bội họ. Năm 1985, Gordievsky lại được triệu về nước. Lần này, ông ta đã phải trải qua một cuộc phỏng vấn dài nhưng do đã được chuẩn bị từ trước nên đã vượt qua được. Mặc dù vậy nhưng ông ta biết rõ sự nghiệp của mình đã kết thúc và việc bị phanh phui là không thể tránh khỏi.
Do đó, Gordievsky đã quyết định khởi động kế hoạch trốn chạy đầy mạo hiểm đã được MI6 chuẩn bị sẵn. Trở về từ phòng thẩm vấn, tại căn nhà ở số 103 Leninsky Prospect tại Moscow, Gordievsky đã lấy bản copy một bài thơ của Shakespeare và nhúng vào một dung dịch đặc biệt để bóc ra. Ở bên trong, ông ta phát hiện một tờ giấy bóng kính có ghi chi tiết về kế hoạch trốn chạy.
Theo chỉ dẫn trong đó, vào lúc 19h00 ngày 16/7/1985, Gordievsky đứng ở một góc phố với một chiếc túi xách hiệu Safeway. Đó chính là tín hiệu để các điệp viên của Anh làm việc tại một văn phòng ở bên kia đường biết được rằng ông ta đã bị phát hiện và cần trốn sớm nhất có thể. Đúng 24 phút sau, một người đàn ông xách chiếc túi Harrods và cầm một chiếc Mars Bar đi ngang qua. Người đàn ông đó là nhân viên của MI6 và đó là tín hiệu cho thấy kế hoạch bỏ trốn sẽ được tiến hành. Gordievsky và người đàn ông đánh mắt cho nhau.
Sau đó, Gordievsky bắt tàu tới Leningrad, tới thị trấn Vyborg giáp biên giới Phần Lan. Tại đó, ông ta đứng ở một tảng đá lớn để chờ người Anh tới đón. Trong lúc này, theo kế hoạch của MI6, các điệp viên người Anh cũng lái xe chở những bà vợ và trẻ con tới điểm hẹn.
Trong suốt quá trình này, KGB đã theo sát đoàn xe của Anh nhưng vẫn bị cắt đuôi. Cuối cùng, đến rạng sáng ngày 20/7, 2 chiếc xe của người Anh đã gặp được Gordievsky đang chờ sẵn. Sau khi bảo Gordievsky chui vào thùng chiếc Ford, 2 chiếc xe nổ máy, hướng về Phần Lan. Sau khi vượt qua 5 trạm kiểm soát nghẹt thở như đã nói ở trên, chiếc thùng xe cuối cùng cũng đã được mở ra ở Phần Lan.
Sau khi Gordievsky đào tẩu thành công, dù ông ta không còn giá trị sử dụng và khai thác nhưng tình báo Anh vẫn tiếp tục bảo vệ ông ta khá nghiêm ngặt. Song, Gordievsky sau đó cho biết ông ta đã bị đầu độc tại nhà riêng vào năm 2007.
Phía Anh cho rằng Gordievsky đã bị đồng nghiệp người Nga đầu độc nhưng cũng có thông tin cho rằng chính Gordievsky đã cố tình tạo ra sự cố này để gây áp lực buộc giới chức Anh phải tăng các chế độ chính sách đối với ông ta.