Kẻ hai mặt
Khi sĩ quan tình báo người Anh Michael Bethany liên lạc với một sĩ quan của KGB để đề nghị hợp tác và tuồn cho họ các tài liệu nhạy cảm, điệp viên của cơ quan tình báo Liên Xô tại London đã bác bỏ lời đề nghị này, cho rằng đó là một cái bẫy do cơ quan phản gián MI5 của Anh giăng ra. Có điều, KGB không biết rằng cuộc liên lạc đã ngay lập tức được thông báo cho Đại tá của cơ quan này tại Anh là Oleg Gordievsky bởi người này cũng đang bí mật làm việc cho Cục tình báo mật (MI6) của Anh với tư cách là một điệp viên hai mang. Trước khi Bethany có thể liên lạc lại để đề nghị làm việc với Liên Xô thêm một lần nữa, ông ta đã bị giới chức Anh bắt giữ.
Oleg Gordievsky được nhiều người công nhận là một trong những điệp viên hai mang gây tổn hại lớn nhất trong lịch sử hoạt động gián điệp của Liên Xô. Ông ta bắt đầu làm việc cho KGB từ năm 1962, thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên Xô. Khi đó, KGB là đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động bí mật cũng như các hoạt động tình báo nước ngoài đồng thời quản lý các điệp viên của họ tại các địa bàn khác nhau.
Với việc gia nhập KGB, Gordievsky được cử tới sống và làm việc ở các nước thuộc khối tư bản. Ban đầu, ông ta được phân tới Đan Mạch với tư cách là tùy viên của Đại sứ quán Liên Xô ở nước này.
Theo lời kể của Gordievsky, khi đó, ông ta chịu trách nhiệm tạo danh tính giả cho các điệp viên ở địa bàn phụ trách. “Tôi phải mua giấy tờ tùy thân của những người đã chết hoặc những người đã rời khỏi đất nước. Để làm được việc đó, tôi đi tới các nghĩa địa, tìm những ngôi mộ mới, gặp các linh mục để có được thông tin về ngày sinh, ngày mất rồi làm giấy tờ”, Gordievsky kể lại.
KGB không ngờ rằng ngay từ khi đó ông ta đã nung nấu ý định làm việc cho Anh. Cùng lúc, MI6 đã tiếp cận ông ta. “Đúng lúc tôi muốn làm việc cho tình báo Anh thì cơ hội đã đến. Một người Anh bản xứ là một nhân viên MI6 làm việc dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao tại Đan Mạch tỏ ý muốn tuyển mộ tôi. Năm 1979, chúng tôi bắt đầu gặp nhau, lần đầu tiên là tại một quán bia nhỏ, sau đó ông ta mời tôi tới một ngôi nhà an toàn. Đây cũng chính là nơi chúng tôi bắt đầu công việc”, điệp viên hai mang kể lại.
Lý do chính xác khiến Gordievsky phản bội Liên Xô không được ông ta xác nhận. Có người nói rằng đó là do ông ta không hài lòng với một số chính sách của Liên Xô lúc bấy giờ. Cũng có người nói rằng người này muốn trở thành một kẻ 2 mặt để thỏa mãn tính thích phiêu lưu của mình.
Lại cũng có người khẳng định nguyên nhân thực chất không có gì ghê gớm mà đơn giản là do sự tham lam lợi ích vật chất. Có điều chắc chắn là, từ năm 1974, nhân viên tình báo KGB được giao nhiệm vụ điều hành đặc vụ mật của Liên Xô ở châu Âu này đã bắt đầu trở thành một điệp viên 2 mang, vừa làm việc cho Liên Xô, vừa làm việc cho tình báo Anh.
Lộ tẩy
Sau một thời gian về nước, đến năm 1982, Oleg Gordievsky bắt đầu được cử tới làm việc ở London. Do nắm được nội tình của cả hai bên nên các thông tin mà ông ta cung cấp cho phía KGB đều được đánh giá cao. Thêm vào đó, tình báo Anh cũng tích cực hỗ trợ cho hoạt động hai mang của ông ta bằng việc dần đẩy các nhân viên tình báo của KGB tại nước này về nước, giảm thiểu khả năng ông ta bị phía Liên Xô phát hiện hành vi phản bội. Theo một số nguồn tin, từ những thông tin mà Gordievsky cung cấp, tình báo Anh xác định được 25 điệp viên của Liên Xô hoạt động tại nước này.
Sau cuộc gặp ngắn ngủi với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhân chuyến thăm của ông này tới London năm 1984, Gordievsky trở thành quyền lãnh đạo văn phòng KGB ở London với tiền đồ rộng mở. Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Từ chỉ điểm của điệp viên CIA đồng thời cũng làm việc cho KGB Aldrich Ames, tình báo Nga dần phát hiện ra những điểm nghi vấn trong hoạt động của Gordievsky.
Gordievsky cho biết ông có thể đã bị Ames tố giác trong khoảng thời gian từ ngày 15/4 đến 1/5/1985, vì ngay sau đó, ông bị triệu về nước. Dù vậy nhưng Gordievsky vẫn tỏ ra rất cao tay. Biết rõ việc làm điệp viên hai mang của mình có thể bị lộ nhưng ông ta vẫn tỏ ra vô tội, tuân thủ mệnh lệnh và về Moscow để đối mặt với cuộc thẩm vấn từ cấp trên. Do có sự chuẩn bị từ trước, cộng với sự khôn ngoan sẵn có, Gordievsky đã chật vật vượt qua được vòng thẩm vấn kéo dài 4 giờ.
Song, ông ta cũng nhận ra rằng vị trí của mình đã trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết và quyết định khởi động kế hoạch trốn chạy đầy mạo hiểm đã được MI6 chuẩn bị sẵn cho ông ta. Theo đó, sau khi từ phòng thẩm vấn về nhà ở số 103 Leninsky Prospect tại Moscow, Gordievsky đã lấy bản copy một bài thơ của Shakespeare, nhúng vào một dung dịch đặc biệt để bóc ra. Ở bên trong, ông ta phát hiện một tờ giấy bóng kính có ghi chi tiết về kế hoạch trốn chạy có tên Chiến dịch Pimlico.
Cuộc đào tẩu như trong phim
Để thông báo cho phía Anh về việc quyết định thực hiện kế hoạch bỏ trốn, Gordievsky đã tìm cách thoát khỏi sự theo dõi của KGB. 19h ngày 16/7/1985, ông ta đứng ở một góc phố với một chiếc túi xách hiệu Safeway. Đó chính là tín hiệu để các điệp viên của Anh ở Liên Xô làm việc tại một văn phòng ở bên kia đường biết được rằng ông ta đã bị phát hiện và cần trốn sớm nhất có thể. Đúng 24 phút sau, một người đàn ông xách chiếc túi Harrods và cầm một chiếc Mars Bar đi ngang qua. Người đàn ông đó là nhân viên của MI6 và đó là tín hiệu cho thấy kế hoạch bỏ trốn sẽ được tiến hành. Gordievsky và người đàn ông đánh mắt cho nhau. Đó là thời điểm Chiến dịch Pimlico bắt đầu được thực hiện.
Theo kế hoạch, Gordievsky bắt tàu tới Leningrad rồi lại tới thị trấn Vyborg giáp biên giới Phần Lan, theo kế hoạch là tìm tới vị trí một tảng đá lớn để chờ người Anh tới đón. Trong lúc này, theo kế hoạch của MI6, các điệp viên người Anh cũng lái xe chở vợ và các con của ông ta tới điểm hẹn.
Sau khi lộ tẩy, Olga Gordievsky và gia đình trốn thoát một cách kỳ diệu. |
Theo lời kể của Gordievsky, việc ông ta trốn thoát được có phần may mắn. Số là, do có dự cảm xấu, ông ta đã xuống xe giữa đường. “Tôi không biết chính xác nơi gặp người của phía Anh nên đã xuống ở giữa đường và đi vào rừng. Sau 3 giờ chờ đợi, Gordievsky nhìn thấy 2 chiếc ô tô mang biển số ngoại giao.
Đây chính là nhóm giải cứu mà Anh điều tới. Chiếc xe lúc đó tạm thoát được sự theo dõi của KGB ở một khúc cua và chỉ có khoảng 1 phút. Tôi nhanh chóng nhảy vào khoang để hành lý và chiếc xe tiếp tục di chuyển trước khi xe của KGB xuất hiện”, Gordievsky cho biết. Đó là rạng sáng ngày 20/7/1985.
Sau khi bảo Gordievsky chui vào thùng xe, hai chiếc xe nổ máy, hướng về Phần Lan. Sau khi vượt qua 5 trạm kiểm soát nghẹt thở, thùng xe cuối cùng cũng đã được mở ra ở Phần Lan. Sau vài chặng nữa, cuộc bỏ trốn táo bạo đã thành công và cựu sĩ quan tình báo KGB cuối cùng đã đến Anh và sống ở đó cho đến ngày nay.
Trong khi đó, tại Liên Xô, Gordievsky bị kết án tử hình vắng mặt vì tội phản quốc. Các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin rằng lệnh này vẫn chưa bị hủy bỏ, ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ.