Điệp viên 'hai mang' có công 'tháo ngòi nổ' thế chiến 3

Oleg Gordievsky
Oleg Gordievsky
(PLO) - Chiến tranh hạt nhân có thể đã nổ ra giữa Liên Xô và Mỹ năm 1983 nếu không có sự xuất hiện vào phút chót tin báo từ một điệp viên hai mang vừa làm việc cho Ủy ban an ninh quốc gia (KGB) – cơ quan tình báo khét tiếng Liên Xô, vừa hoạt động cho tình báo Anh MI6.

Gần cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev và Giám đốc KGB Yuri Andropov đều cho rằng Mỹ và NATO có thể sẽ phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm vào Liên Xô nên muốn có sự chuẩn bị để có thể sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu. 

Tuy nhiên, các lãnh đạo của Liên Xô cũng nhận thức được rõ rằng chỉ cần một tính toán sai lầm, họ có thể sẽ khơi mào một cuộc tấn công hạt nhân với hậu quả vô cùng thảm khốc. Do đó, ông Brezhnev đã quyết định mở chiến dịch có tên RYAN (Tấn công tên lửa hạt nhân bất ngờ) nhằm ngăn chặn khả năng tính toán sai.

Trong khuôn khổ chiến dịch này, cơ quan tình báo Liên Xô KGB được lệnh điều điệp viên tới thủ đô của tất cả các nước thành viên NATO và Nhật Bản hòng phát hiện những dấu hiệu cho thấy Mỹ và NATO đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Liên Xô. 

Bên bờ vực chiến tranh

Khi ông Andropov trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1983, khẩu chiến giữa ông và Tổng thống Mỹ Reagan nổ ra thường xuyên hơn. Lúc này, chiến dịch RYAN càng được mở rộng, trở thành chiến dịch thu thập thông tin tình báo lớn nhất của Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cũng là chiến dịch thu thập thông tin tình báo thời bình lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Các điệp viên của KGB lúc bấy giờ được điều đi khắp nơi, từ Nhà Trắng cho tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở trong và ngoài nước. Thậm chí có thông tin cho rằng gần như những người có thể sử dụng được ở Đức lúc bấy giờ đều được điệp viên của KGB tuyển mộ. 

Nhờ mạng lưới dày đặc như vậy mà tất cả những hoạt động triển khai lực lượng, vũ khí… ở tất cả các căn cứ của NATO đều được báo cáo lại với KGB. Theo các tài liệu, để có thể truyền tải và đánh giá kịp thời các thông tin do các đầu mối từ khắp nơi trên thế giới gửi về, chỉ riêng trong nội bộ KGB lúc bấy giờ đã có thêm 300 vị trí việc làm được bổ sung.

Đầu năm 1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa theo sáng kiến có tên Star Wars. Trong tháng 2/1983, KGB phát đi báo động cao tới các điệp viên của chiến dịch RYAN, đồng nghĩa với việc tình báo Liên Xô đánh giá tranh cãi giữa nước này với Mỹ không còn là khẩu chiến mà có dấu chuyển sang hành động.

40 trưởng đại diện của KGB ở khắp nơi trên thế giới được yêu cầu phải chỉ đạo các điệp viên tăng cường tuyển mộ thêm người, đẩy mạnh các chiến dịch theo dõi và thu thập thông tin, tránh không bỏ lọt bất cứ động thái đáng ngờ nào của Mỹ và NATO.

Ngày 2/11/1983, Mỹ và các nước đồng minh NATO khởi động cuộc tập trận quân sự có tên “Able Archer” hay “Able Archer 83”, có nghĩa là Thiện xạ. Đây là cuộc tập trận mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Liên Xô, được tổ chức nhằm đánh giá năng lực chỉ huy và kiểm soát của lực lượng liên quân.

Kịch bản được đặt ra là NATO sẽ triển khai lực lượng để bảo vệ các nước đồng minh sau khi các nước trong khối Hiệp ước Warsaw điều binh tới Nam Tư rồi tấn công vào một số nước, khiến xung đột gia tăng. Theo giả định, vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân đã được huy động.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên NATO tiến hành tập trận như vậy, nhưng “Able Archer” là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất, với sự tham gia của 40.000 binh lính, được tiến hành trên phạm vi lớn nhất, trải dài trên khắp châu Âu, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới bán đảo Scandinavia. Nguyên thủ của một số nước như Anh và Đức cũng tham gia thị sát.

Cần nói thêm rằng cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên thế giới đang ở giai đoạn cao trào sau vụ việc chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Korean Airlines bay lạc vào không phận Liên Xô và bị Liên Xô bắn rơi do nhầm tưởng đó là máy bay do thám của Mỹ xảy ra hai tháng trước đó. 

Tháo ngòi vào phút chót

Các tài liệu được giải mật về sau cho biết, không khí đặc biệt căng thẳng do những khủng hoảng và tuyên bố đầy khiêu khích được các bên đưa ra trong vài tháng trước đó khiến KGB kết luận rằng “Able Archer” là vỏ bọc cho một cuộc tấn công quân sự thực sự, rằng người Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động và đã bắt đầu đếm ngược đến thời điểm bắt đầu chiến tranh với Liên Xô.

Theo tài liệu được giải mật gần đây, trong các ngày 8-9/11/1983, Điện Kremlin đã thực sự nghĩ rằng cuộc tấn công sắp xảy ra. Các đơn vị chiến đấu của khối Hiệp ước Warsaw với vũ khí hạt nhân ở khu vực Đông Đức và Ba Lan đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Tên lửa đạn đạo liên lục địa vốn có khả năng tránh radar cũng được chuẩn bị phóng đi.

May mắn thay, ngòi nổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân đã được tháo gỡ kịp thời khi một điệp viên của KGB, thực chất là một kẻ phản bội, làm việc cho cả tình báo Anh có tên Oleg Gordievsky, đã cảnh báo người Anh về việc Liên Xô điều động lực lượng và rằng phương Tây đang tiến vào “vùng nguy hiểm”. Ngay sau khi nhận được thông tin, tình báo Anh MI-6 đã báo cáo với Chính phủ nước này. 

Sơ đồ cuộc tập trận Able Archer 83
Sơ đồ cuộc tập trận Able Archer 83 

Theo lệnh của Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là bà Margaret Thatcher, giới chức Anh đã liên lạc với phía Mỹ, đề nghị NATO thông báo cho Liên Xô mục đích thực sự của cuộc tập trận để tránh hiểu lầm. Cùng lúc, Gordievsky cũng báo tin cho Liên Xô về việc NATO chỉ đang diễn tập chứ hoàn toàn không có ý định gây chiến thật.

Bầu không khí “căng như dây đàn” ở Moscow được hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra cuộc thế chiến 3 chính thức được gỡ bỏ khi NATO rút bớt một số vũ khí được huy động để tập trận.

Vào đầu năm 1984, khi nhận được các báo cáo của CIA về việc người Nga đã nghĩ rằng Mỹ đã chuẩn bị tấn công hạt nhân nhằm vào nước này, Tổng thống Mỹ Reagan đã sốc khi nhận thấy chính quyền của ông đã suýt khởi động chiến tranh hạt nhân. Ông Reagan sau đó đã bắt đầu bàn với các cố vấn về việc kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Khi căng thẳng giảm dần trong các năm sau đó, Tổng thống Mỹ Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã bắt tay xây dựng một loạt hiệp ước cắt giảm vũ khí, trong đó có Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được 2 bên ký ngày 8/12/1987 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố sẽ rút khỏi.

Điệp viên kỳ cựu

Khi nói về vụ việc nói trên, không thể không nhắc đến Oleg Gordievsky - một trong những điệp viên sừng sỏ nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, được đánh giá là điệp viên quan trọng nhất mà cơ quan tình báo Anh MI6 đã chiêu mộ được trong hàng ngũ tình báo Liên Xô KGB. 

Gordievsky sinh năm 1938 trong một gia đình có truyền thống làm  tình báo. Theo chân cha mẹ, ông gia nhập KGB vào đầu thập niên 60. Sau khi được tuyển dụng, Gordievsky được cử sang Đan Mạch làm việc.

Theo các nguồn tin, Gordievsky bắt đầu phản bội Liên Xô và làm việc cho MI6 từ năm 1974. Do nắm được nội tình của cả 2 bên nên ông ta khá được trọng dụng vì cung cấp được những thông tin mà cả 2 bên mong muốn. 

Tháng 6/1982, Gordievsky được điều tới London, Anh. Để hỗ trợ cho hoạt động “hai mang” của ông ta, giới chức Anh đã tìm cách dần đẩy các điệp viên của KGB tại nước này về nước. KGB đã giao cho Gordievsky phụ trách một số hoạt động tình báo của Liên Xô tại Anh, khiến ông ta vừa có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn, đồng thời cũng ít có nguy cơ bị tố giác hay bị phát hiện hơn.

Những thông tin của Gordievsky được phía Anh đánh giá cao vì nó giúp London và các đồng minh hiểu được những tính toán của Liên Xô ở giai đoạn vô cùng quan trọng của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, việc này không kéo dài lâu. Từ một nguồn tin tình báo người Mỹ, KGB dần đoán được Gordievsky đã phản bội họ. Năm 1985, người này được triệu về nước. Biết trước việc bị phanh phui là không thể tránh khỏi, Gordievsky sau đó đã lên kế hoạch xin cứu viện và trốn sang Anh, trở thành điệp viên phản bội duy nhất sống sót khi chạy trốn khỏi KGB trong thập niên 1980.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.