“2 điểm sáng” giảm mức tăng trưởng
Theo số liệu chỉ số kinh tế quý I/2019 vừa được TCTK công bố vào hôm qua 29/3, GDP (tổng sản phẩm trong nước) quý I/2019 ước tính tăng 6,79%, thấp hơn mức tăng quý I/2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng quý I của các năm từ 2011-2017. Động lực tăng trưởng chính quý I vẫn là ngành Công nghiệp chế biến chế tạo dù mức tăng trưởng của ngành này cũng thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, khu vực chế biến chế tạo tăng trưởng cao nhất với 12,35%, thấp hơn so với quý I năm 2018 (với 14,3%). Lý giải cho việc giảm tốc độ tăng trưởng của ngành này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (TCTK) cho biết, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2019 thấp hơn do ngành này trong nhiều năm qua luôn là điểm sáng tăng trưởng của ngành kinh tế.
Theo ông Thúy, kết quả ngành Công nghiệp giảm là do kết quả kinh doanh khai khoáng giảm (trong khi các năm trước đều tăng). Xu hướng giảm này đã được báo trước do nguồn tài nguyên ngày càng cạn. Ngoài ra còn do 2 ngành Công nghiệp chế biến chế tạo mũi nhọn (sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính) giảm. Hiện quy mô sản xuất ngành này đã ổn định, không còn yếu tố tăng đột biến, số lượng lao động ngành này cũng giảm 5,7% và xu hướng tăng trưởng quy mô ngành sản xuất máy tính điện tử đã chững lại.
Tuy nhiên, ông Thúy khẳng định, tăng trưởng ngành này trong các quý tiếp theo có thể sẽ tốt hơn do theo số liệu hiện có, đăng ký kinh doanh thuộc ngành chế biến chế tạo tăng cao (10,7%); số lượng vốn đăng ký và doanh nghiệp đều tăng cao hơn, dự báo trong thời gian tới ngành này sẽ có bổ sung về nguồn lực để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng như lượng đơn hàng xuất khẩu (XK) tăng khá cao, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có xu hướng mở rộng đầu tư.
Cũng chính từ việc tăng trưởng ngành chế biến chế tạo giảm dẫn đến kim ngạch XK giảm theo khi XK chỉ đạt 58 tỷ USD, tăng 8,9% là mức tăng thấp so với mục tiêu đã đề ra. Ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ (TCTK) lý giải, mức tăng trưởng XK quý 1 tăng thấp là do sự suy giảm thương mại toàn cầu.Trong các mặt hàng XKchủ lực của Việt Nam có 9 mặt hàng xuất trên 1 tỷ USD thì chỉ có 2 mặt hàng tăng trưởng cao; trong đó điện thoại thường chiếm tỷ trọng XK cao thì năm nay giảm hẳn (chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2018), một số mặt hàng nông sản đều bị giảm giá trị XK như gạo, hạt tiêu, hạt điều, giảm giá trị trên 20%.
Theo ông Tiến, hiện nay, mặt hàng nông sản xuất sang ASEAN khá thấp. Cùng với đó, mức hấp thu của thị trường thế giới cũng đều rất thấp do đó trong thời gian tới, công tác thị trường cần phải làm cẩn thận mới đạt được kim ngạch XKnhư chỉ tiêu đã đề ra (tăng trưởng 10%).
Chỉ số CPI sẽ không bị tác động mạnh!
Số liệu công bố của TCTK cho thấy, CPI của quý I tăng 2,63%, là mức tăng thấp nhất trong quý I của 3 năm gần đây. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK khẳng định, việc tăng giá điện vào tháng 3 không ảnh hưởng trực tiếp đến CPI vì đặc trưng chốt giá điện của ngành điện (ghi chỉ số tiêu dùng vào cuối tháng) nên CPI tháng 3 vẫn giảm so với tháng 2.
Ông Lâm cũng khẳng định: “Nếu tăng giá xăng dầu thì chỉ số giá CPI cũng không tăng, chủ yếu là điều hành để người dân không bị hoang mang”. Do đó, kỳ điều hành vừa rồi, TCTK đã khuyến nghị không điều chỉnh giá xăng dầu vì nếu ngày 18 tăng giá xăng dầu, ngày 20 tăng giá điện sẽ gây lạm phát kỳ vọng.
Bà Đỗ Thúy Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (TCTK) cho biết, giá điện được quyết định điều chỉnh tăng 8,36% sau khi đã tính toán tác động tăng lên chỉ số CPI ở mức 0,29%. Mức độ tăng này đã bao gồm cả tăng trực tiếp và gián tiếp (khi đi vào sản xuất và tăng chi phí đầu vào). Các tháng còn lại cho thấy, sự điều chỉnh tiền lương (vào tháng 7/2019) sẽ ảnh hưởng đến một số dịch vụ, nhưng Nhà nước vẫn còn các mặt hàng dịch vụ y tế để điều hành như cho phép việc tăng tiền lương này có kéo theo giá dịch vụ y tế hay không. Riêng học phí và các mặt hàng sách sẽ có điều chỉnh tăng nhưng mức điều chỉnh này ảnh hưởng không nhiều tới chỉ số CPI.
Bà Ngọc cũng cho biết, thực tế giá xăng dầu phải điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành vừa rồi, nhưng Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định giá xăng, giành việc tăng cho giá điện. Bà Ngọc cũng đưa ra dự báo, CPI tháng 4 sẽ tăng do xăng dầu có thể tăng, giá điện tăng cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới CPI tháng 4 nhưng với tình hình thời tiết hiện nay, lượng điện sử dụng không nhiều sẽ không ảnh hưởng đột biến lên CPI, chưa kể, giá thịt lợn đang đà giảm, sẽ kiềm chế tốc độ tăng của CPI.
Báo cáo với cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành quốc gia về giá, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong quý I/2019, các mặt hàng do Nhà nước quản lý như Xăng dầu, điện, than, sữa, dịch vụ hàng không… đã được tính toán chu toàn. Thông thường, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, giá bán lẻ tối đa xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh ổn định trong 4 kỳ điều hành và chỉ tăng 1 lần vào kỳ điều hành tháng 3 trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Đối với mặt hàng điện, trên cơ sở hồ sơ phương án đề xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương đã rà soát, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và quyết định điều chỉnh tăng giá điện theo thẩm quyền kể từ ngày 20/3/2019. Việc điều chỉnh giá điện lần này đã bao gồm cả việc điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện tại Văn bản 19/VPCP-KTTTH ngày 3/1/2019.
“Như vậy, việc tăng giá than cho sản xuất điện chỉ ảnh hưởng qua giá điện trong một lần điều chỉnh giá điện. Điều này khác với những lần trước, điều chỉnh giá điện xong mới điều chỉnh giá than. Thời điểm điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 3 không làm ảnh hưởng việc tăng CPI trong quý I/2019…”- ông Tuấn khẳng định.