Những dự án có “tuổi thọ” còn rất non trẻ nhưng vẫn phải “khai tử” để dự án khác chồng lên, câu chuyện lãng phí đang diễn ra ngay tại Hà Nội do lề lối “chắp vá”, “gieo giống ngắn ngày”…
“Điển hình” của sự lãng phí mới nhất là kế hoạch di dời hai cây cầu vượt cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Khát Chân. Theo đó, theo thiết kế của cầu vượt giành cho xe cơ giới, cả hai cây cầu này phải chuyển đến chỗ khác.
“Điển hình” của sự lãng phí mới nhất là kế hoạch di dời hai cây cầu vượt cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Khát Chân. Ảnh minh họa |
Tại cầu vượt cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh, theo ghi nhận của phóng viên, từ khi khánh thành đến nay số lượng người đi bộ qua đây rất ít, nếu không nói là mỗi ngày đếm được trên đầu ngón tay. Bởi, khu vực này không có trạm trung chuyển xe buýt, xa các trường đại học, cao đẳng. Một vài toà nhà văn phòng bên đường Phạm Huy Thông cũng ít nhân viên công sở qua lại, nên mục đích xây dựng cầu vượt tại vị trí này ngay từ ban đầu đã nhìn thấy sẽ không được như ý muốn.
Tổng mức đầu tư cho những cây cầu khung sắt này lên đến 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, như tại cầu vượt đường Nguyễn Chí Thanh, khi Hà Nội thực hiện dự án giảm ách tắc giao thông bằng cách xây cầu trên cao vượt nút Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, thì coi như “khai tử” luôn cây cầu cho người đi bộ còn thơm mùi sơn mới.
Theo kết hoạch, cầu vượt cho người đi bộ tại Nguyễn Chí Thanh sẽ được di chuyển đến vị trí mới cách đó 100m. Riêng cầu bộ hành ở nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt sẽ được lắp đặt lại trên đường Giải Phóng. Phát biểu với báo giới, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho hay, phần lớn cầu bộ hành vẫn được tái sử dụng. Nói về kinh phí, ông Tuấn cho rằng “chỉ mất vài tỷ đồng” vì phải cắt phần móng trụ.
Việc chỉ mất “vài tỷ đồng”, như lời lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thốt ra, đã làm tổn thương biết bao người dân Hà Nội. Ngay tại chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, hàng ngày, hàng giờ, có nhiều người lái xe ôm, bán quần áo, quán nước vỉa hè mưu sinh trong khó nhọc. Họ cóp nhặt từng đồng, từng nghìn bạc lẻ để vun vén cho cuộc sống thiếu thốn trong ngày. “Vài tỷ đồng” đó có thể giúp những số phận bi thương, nhiều em bé đang điều trị căn bệnh ung thư trong Bệnh viện Nhi - cách cây cầu vượt mấy trăm mét - có thêm bữa ăn ngon và những liều thuốc tốt để kéo dài cơ hội sống sót...
Trước đó, chủ đầu tư khách sạn SAS sau khi bị dừng dự án tại công viên Thống Nhất, đã lên tiếng đòi Hà Nội bồi thường tổng giá trị thiệt hại do không được tiếp tục xây dựng suýt soát 80 triệu USD. Tuy nhiên, lúc đó Hà Nội mới chỉ thống nhất xác nhận khoản chi phí hơn 5,17 triệu USD mà chủ đầu tư đã "rót" vào dự án này.
Buộc phải tháo đi hay phá dỡ như hai ví dụ trên thì sự lãng phí là không còn phải bàn, nhưng cũng có những công trình đang tồn tại, mà cái “án” của sự lãng phí cũng không thể che đậy. Ba năm trước, tháng 10/2010, Bảo tàng Hà Nội được khánh thành, mở cửa đón khách tham quan. Để thực hiện dự án này, ngân sách Nhà nước phải tiêu tốn đến 2.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quy mô hoành tráng đó thật tương phản với số hiện vật ít ỏi bày biện bên trong cũng như số du khách tham quan bảo tàng. 4 tầng nhà nhưng chỉ với 5.000 hiện vật được trưng bày, không gian của một kiến trúc lịch sử trở nên nhạt nhoà so với mục đích ban đầu của người lập ý tường. Khi còn là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư, ông Võ Hồng Phúc không ngần ngại nói rằng đây là một “điển hìnhlãng phí”.
Cách bảo tàng không xa, cũng trên địa bàn huyện Từ Liêm, chợ đầu mối Minh Khai được xây dựng quy củ, phí chi phí đầu tư lên tới nhiều tỷ đồng, chiếm dụng hàng nghìn mét đất mặt tiền đường 32, nhưng hoang vắng từ ngày hoàn công cho đến nay. Dù với bất cứ lý do gì, sự "tẩy chay" của tiểu thương đối với nơi buôn bán mới, cũng đặt lên câu hỏi trách nhiệm của những ai tham gia quá trình từ phê duyệt, đến xây dựng dự án này.
Khi người dân chi tiêu từng cắc bạc phải đắn đó, toan tính, thì việc “hy sinh” bạc tỷ bởi những dự án đoản thọ là điều đáng suy ngẫm. Người dân có quyền đòi hỏi tinh thần trách nhiệm trước từng đồng ngân sách, đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn của các cơ quan có thẩm quyền.
Như Trang