Hôm qua (8/11), tại Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech 2019), sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình FCV, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, với những yêu cầu thực tiễn của xã hội và của nền kinh tế hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, các tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng số hóa với các giải pháp ngân hàng tự động, ngân hàng số.
“Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam có bước chuyển mình, nhanh chóng bắt kịp với tốc độ và trình độ phát triển của các hệ thống tài chính – ngân hàng tiên tiến trên thế giới. Có thể nói chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng là một xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới đây…”- Phó Thống đốc khẳng định.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, trải qua 2 mùa tổ chức, FCV đã đón nhận sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng Fintech trong và ngoài nước. Nếu mùa năm 2018 số lượng hồ sơ đăng ký tham gia là 141 công ty thì năm nay con số này tăng tới 208 công ty đến từ 28 quốc gia trên thế giới. Đây là minh chứng cho một sân chơi hiệu quả và ngày càng uy tín, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng.
“Diễn đàn cũng là cơ hội để cộng đồng Fintech và ngân hàng trao đổi về khả năng hợp tác tốt hơn trong tương lai. Thông qua Diễn đàn Fintech 2019, chúng tôi mong muốn được tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đánh giá về FCV 2019, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, FCV là dấu hiệu tích cực cho việc phổ cập tài chính và tài chính số tại Việt Nam. “Những công nghệ mới có tiềm năng rất lớn trong việc tăng cường tiếp cận tài chính cho các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại một thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam”. ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Báo cáo của NHNN cho biết, tại Việt Nam hiện đã có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. 6% ngân hàng hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược Chuyển đổi số tổng thể. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp và quy trình, chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được nghiên cứu, triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.
Ở Việt Nam, lĩnh vực Fintech cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các DN, nhất là các DN khởi nghiệp sáng tạo mới được thành lập. Chỉ trong vòng gần 4 năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 như hiện nay…
Tại Diễn đàn Fintech 2019, Ban Tổ chức công bố kết quả cuộc thi FCV 2019 cho hai nhóm giải thưởng: Start up ở giai đoạn phát triển và Start up ở giai đoạn đầu.
Giải nhất được trao cho Trusting Social và Kilimo Finance của Việt Nam. Trong đó, Trusting Social sử dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để cung cấp các dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người, bao gồm những người ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trusting Social hiện sở hữu nguồn dữ liệu điểm tín dụng lớn nhất tại khu vực châu Á. Còn Kilimo Finance cho phép các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho ngành nông nghiệp bằng cách biến kiến thức tài chính nông nghiệp thành những sản phẩm cho vay hấp dẫn.
Hai giải Nhì được trao cho Tookitaki và Staple của Singapore. Hai giải Ba được trao cho Interloan của Việt Nam và Touchless ID của Ấn Độ..
Cũng tại sự kiện này, Interloan đã được Phoenix Holdings lựa chọn rót vốn đầu tư với tổng giá trị lên tới 500.000 USD.