Nghi vấn kết luận khống
Ông Nguyễn Văn Năm – chủ nhà hàng Năm Nhỏ ở phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (nơi xảy ra sự việc) cho biết rất bức xúc về báo cáo không có căn cứ khoa học và không đúng quy định của CATVSTP Kiên Giang, gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với ngành nghề kinh doanh của ông: “Không hề có một mẩu thực phẩm nào từ nhà hàng của tôi được lấy gửi đi xét nghiệm theo quy định, nhưng cơ quan chức năng khẳng định món ăn của nhà hàng tôi gây ngộ độc cho nhiều người dự tiệc 2 ngày trước đó là thiếu cơ sở”.
Ông Năm thắc mắc không rõ từ cơ sở nào mà báo cáo trên của CCATVSTP Kiên Giang khẳng định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc tập thể nói trên là do món cơm gà Hải Nam của nhà hàng Năm Nhỏ.
Trong khi 2 món xôi và chè do chủ tiệc mang từ ngoài vào thì không được cơ quan chức năng đề cập: “Trong khi Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ để kết luận về ngộ độc thực phẩm phải tiến hành đủ 11 bước điều tra, mỗi bước phải lập một biểu mẫu theo quyết định 39. CCATVSTP Kiên Giang không thực hiện đầy đủ theo Quyết định này”, chủ cơ sở ăn uống phản ánh.
Chủ nhà hàng Năm Nhỏ trình bày tiếp, chưa dừng lại ở việc kết luận món ăn của nhà hàng gây ngộ độc, ngày 19/12/2018 ông Lê Bá Cường, Chi cục trưởng CCATVSTP Kiên Giang còn có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV nhà hàng Năm Nhỏ có trách nhiệm bồi thường cho 61 người bị ngộ độc thực phẩm?
“Tôi không biết họ căn cứ vào đâu khi ra văn bản này. Tôi phải bồi thường cho ai; bao nhiêu tiền một người? Trong khi tôi không biết địa chỉ của họ sinh sống cụ thể ở đâu”, ông Năm đồng thời đặt câu hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền và trách nhiệm thống kê thiệt hại của thực khách theo quy định của pháp luật?
Bị xử phạt dù kết quả kiểm tra đảm bảo
Song song với văn bản yêu cầu bồi thường “lạ lùng” của CCATVSTP Kiên Giang, ngày 17/12/2018, ông Lê Bá Cường, Chi cục trưởng CCATVSTP Kiên Giang ký Quyết định số 20/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà hàng Năm Nhỏ số tiền 33 triệu đồng, với 2 hành vi: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định tại khoản 1, Điều 18 Nghị định 115. Tổng mức phạt 33 triệu đồng. Trong đó, phạt hành vi 1 số tiền 8 triệu đồng; hành vi 2 là 25 triệu đồng.
Phản bác lại, ông Năm cho rằng quyết định xử phạt trên hoàn toàn áp đặt, cố tình gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của gia đình ông. Bởi, biên bản thanh tra ngày 5/12/2018 của đoàn liên ngành thể hiện, công ty của ông có xuất trình được sổ kiểm thực 3 bước, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Năm trình bày, Quyết định số 20 phạt nhà hàng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là không đúng. Bởi công ty có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cấp ngày 9/11/2015, hết hạn ngày 9/11/2018, khi giấy chứng nhận hết hạn, nhà hàng đã nhiều lần liên hệ với CCATVSTP Kiên Giang đề nghị cấp lại, nhưng chưa được giải quyết cho đến khi vụ việc xảy ra.
Một mâu thuẫn khó hiểu nữa là ngày 5/12/2018, CCATVSTP lập một đoàn kiểm tra đến kiểm tra đột xuất toàn bộ nhà hàng Năm Nhỏ. Đoàn kiểm tra kết luận: “Dụng cụ trang thiết bị gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thủy cục. Nơi chế biến-bán hàng gọn gàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, không có bụi, côn trùng, động vật”.
Thế nhưng chủ cơ sở ăn uống không hiểu vì sao với kết luận như vậy mà CCATVSTP Kiên Giang vẫn ra quyết định xử phạt nhà hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (?!).
PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc