Công ty sau đó phát hiện hàng trăm mộ liệt sĩ trước đó đã bị các đối tượng xấu ủi nấm, xóa dấu vết. Tân Lộc cho rằng mình “lập công nhưng được tội”, khi sau đó chính quyền Đồng Nai một mực đòi thu hồi khu đất. Tân Lộc đã kiện ra tòa và thắng kiện, tuy nhiên Đồng Nai không thực hiện phán quyết, khiến khu đất lịch sử đó hàng chục năm nay rơi vào cảnh giằng co.
Sau khi Báo đăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo Đồng Nai làm rõ sự việc.
Ngày 6/9/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Báo cáo số 9457/BC-UBND do Phó Chủ tịch Nguyễn Hòa Hiệp ký, gửi các cơ quan Trung ương về sự việc. Báo cáo có năm nội dung chính: Thứ nhất, thông tin rõ hơn về vụ án cố tình bỏ lại hài cốt liệt sĩ. Thứ hai, về sự việc thu hồi khu đất, Đồng Nai cho rằng đã “tự nguyện thực hiện nghĩa vụ theo bản án”.
Thứ ba, Đồng Nai ra điều kiện Tân Lộc phải đăng ký địa chỉ công ty ở nơi khác thì mới được cấp đăng ký kinh doanh. Thứ tư, Đồng Nai cho rằng không tổ chức nhiều cuộc thanh tra, không gây khó dễ cho DN. Thứ năm, Đồng Nai cho hay hiện riêng với Công ty Tân Lộc, hai bên đang “vướng víu” với nhau hai vụ kiện.
Trước những thông tin trên, Công ty Tân Lộc và đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cơ quan chủ quản của Tân Lộc) lập tức có những phản bác, cho rằng Đồng Nai báo cáo chưa chính xác.
Phản bác của Công ty Tân Lộc
Theo ông Phan Ngọc Mậu (Giám đốc Công ty Tân Lộc), sau khi Tân Lộc kiện Đồng Nai, yêu cầu hủy hai quyết định thu hồi đất trái luật, bản án đã có hiệu lực của tòa án năm 2013 nêu rõ: “UBND tỉnh Đồng Nai ban hành hai Quyết định 699 và 2852 là trái quy định pháp luật, tuyên hủy hai quyết định trên; Buộc UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tân Lộc”.
Ông Mậu nói: “Ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật (ngày 25/10/2013), Tân Lộc liên tục nộp đơn đề nghị Đồng Nai thực hiện bản án, cụ thể là cấp sổ đỏ cho công ty, để công ty hoàn thiện cơ sở pháp lý về đất đai để ổn định phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện cổ phần hóa công ty theo chỉ đạo của Thủ tướng và Quyết định 2838 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Tuy nhiên, Đồng Nai không chấp nhận, rồi ngày 5/6/2017 lại ban hành Quyết định 1853/QĐ-UBND tiếp tục đòi thu hồi đất”.
Về việc Đồng Nai báo cáo “không gây khó dễ cho DN”, ông Mậu vẫn giữ nguyên quan điểm Đồng Nai trong thời gian ngắn có nhiều cuộc thanh tra gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, vi phạm quy định pháp luật. Ông Mậu dẫn chứng, chỉ trong khoảng thời gian hai tháng cuối năm 2016, Đồng Nai đã có hai cuộc thanh tra Tân Lộc.
Cụ thể: Ngày 10/10/2016 Quyết định thanh tra số 682/QĐ-CT của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai về việc “Thanh tra thuế tại Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc” theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 8859/UBND-NC ngày 26/9/2016. Ngày 28/11/2016 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 231/QĐ-TT ngày 28/11/2016 về việc “Thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, Luật An toàn, Vệ sinh lao động và Luật Bảo hiểm xã hội tại Doanh nghiệp”.
Sự việc này Tân Lộc đã phản ánh tới Thủ tướng tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ sau đó đã có văn bản nêu việc sai trái của UBND tỉnh Đồng Nai không phù hợp với Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Ông Mậu cho hay, hiện Tân Lộc có hai vụ khởi kiện hành chính về hành vi và quyết định hành chính của UBND tỉnh Đồng Nai, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh). Hai vụ kiện này đang được TAND tỉnh Đồng Nai và Tòa án Cấp cao tại TP HCM thụ lý giải quyết.
Bộ Nông nghiệp: “Đồng Nai không cấp ĐKKD là sai”
Trao đổi với PLVN về sự việc, ông Đặng Vũ Trân, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho hay: Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc trước đây là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sau đó được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Tới nay đại hội cổ đông đã xong, công tác bầu nhân sự cũng hoàn tất.
Chỉ còn khâu đăng ký kinh doanh (ĐKKD) nữa là hoàn tất CPH theo chủ trương của Chính phủ, khi đó Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc sẽ chuyển sang công ty cổ phần. Hiện Bộ NN&PTNN là đơn vị đại diện vốn nhà nước tại Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc. Vụ phó Vụ Quản lý doanh nghiệp khẳng định: “Toàn bộ quy trình CPH doanh nghiệp tại Công ty Tân Lộc thực hiện đúng pháp luật”.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, Tân Lộc gửi hồ sơ ĐKKD nhưng không được UBND tỉnh Đồng Nai giải quyết. Lý do Sở KH&ĐT Đồng Nai đưa ra là trụ sở chính đăng ký trong hồ sơ tại đường 21/4 (QL1A cũ), khu phố 5, phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai “thuộc diện phải thu hồi đất theo kiến nghị của thanh tra”.
Theo ông Trân, vin vào lý lẽ này là không đúng. “Bởi vì dù doanh nghiệp được cấp giấy ĐKKD đi nữa nhưng sau đó có quyết định thu hồi đất đúng luật thì vẫn bị thu hồi. Mặt khác, kết quả thanh tra chưa phải là kết luận cuối cùng, chưa phải là văn bản có tính chất cao nhất trong thu hồi đất. Đồng Nai không cấp ĐKKD cho Tân Lộc là sai”, ông Trân nói.
“Phía Bộ NN&PTNN đã nhiều lần có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phải thực hiện cấp giấy ĐKKD cho Công ty Tân Lộc nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn trả lời như trên”, ông Trân thông tin.
Một điều vô lý khác trong vụ việc này là trong trường hợp tranh chấp thì quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng. Tòa án đã có phán quyết, nhưng sau khi thua kiện, Đồng Nai lại ra quyết định thu hồi đất mới. Nếu áp dụng pháp luật như vậy, pháp luật sẽ chỉ tồn tại trên giấy.
Chưa nói đến việc Tân Lộc nộp hồ sơ xin cấp giấy ĐKKD từ năm 2015, nhưng hồ sơ bị “ngâm” mãi đến tháng 6/2017 Đồng Nai lại ra Quyết định thu hồi đất mới, và vin vào lý do đó để từ chối cấp giấy tờ. Ông Trân cho hay sau khi PLVN phản ánh về sự việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp quyết liệt vào cuộc, phối hợp cơ quan chức năng giải quyết sự việc này theo đúng quy định pháp luật.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Cỏ xanh nhức nhối
Hàng chục năm làm báo, kỷ niệm với khu đất lịch sử ở phường Long Bình, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, có lẽ là một trong những kỷ niệm khó quên với nhóm phóng viên Báo PLVN.
Những ngày giữa tháng 7/2018, trong đợt công tác đi tìm tư liệu viết bài phục vụ đợt kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, chúng tôi tình cờ gặp mảnh đất lịch sử. Gọi là “lịch sử”, bởi nhiều nguyên nhân. Đây chính là chiến trường đẫm máu năm 1975, nơi quân Việt Nam Cộng hòa dựng lên vành đai Xuân Lộc ngăn bước quân ta tiến về miền Nam.
Những cựu binh kể lại, để vượt qua phòng tuyến này, tổn thất quá đau thương, có những lúc chỉ kịp đặt đồng đội hy sinh xuống chiến hào, lấp đất sơ sài, gạt nước mắt biệt ly rồi tiến theo đoàn quân về giải phóng Sài Gòn.
Cũng chính mảnh đất này, đau thương hơn nữa, khi hàng trăm người lính đã ngã xuống cho chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay, đã bị những kẻ bất lương cố tình bỏ lại dưới lòng đất. Lập nghĩa trang mới, chúng cố tình gạt nấm, xóa dấu vết mộ, bỏ lại những hài cốt còn “tươi”. Các anh nằm lại lạnh lẽo với cỏ. Hàng chục năm không một nén nhang, không một lời hỏi han.
Cha mẹ, vợ con các anh đau đớn đến lúc chết vì nỗi day dứt không tìm thấy mộ. Các anh nằm lại, chỉ cỏ cây biết. Mỗi nắm đất ở đây đều có một phần xương thịt của các anh. Thế nên cỏ cây ở Tân Lộc bốn mùa cứ xanh rờn như oán hờn nhức nhối.
Hành vi bất lương táng tận lương tâm, hậu quả thường không thể khắc phục. Cho đến khi Công ty Tân Lộc phát hiện sự việc, dẫn đến cuộc tìm kiếm phát hiện hài cốt 208 liệt sỹ, theo báo cáo của Đồng Nai, ít nhất 68 liệt sỹ đến nay vẫn chưa thể xác định được tên. Hồ sơ lưu trữ sự việc cũng có vấn đề, nên trong báo cáo của Đồng Nai về sự việc, thậm chí còn có những tình tiết Đồng Nai lưu ý rõ “có thể ghi nhầm”.
Tội ác đã đi qua, nhưng hậu quả thì chưa dứt. Mảnh đất ấy hàng chục năm nay rơi vào cuộc “giằng co” pháp lý giữa Tân Lộc và Đồng Nai. Đồng Nai không thể thu hồi đất để xây dựng Đài tưởng niệm. Tân Lộc cũng không thể hoạt động sản xuất yên ổn, từ giám đốc đến công nhân làm việc kiểu lay lắt trong những dãy nhà xập xệ, nứt nẻ.
Dư luận địa phương bức xúc, các cựu chiến binh khi nói về sự việc vẫn mắt vằn đỏ: “Giờ địa phương đòi thu hồi bằng mọi giá để làm gì? Nếu thu hồi để phục vụ “lợi ích nhóm”, để phân lô bán nền, xây nhà hàng, khách sạn hát hò nhảy nhót, hoặc nhận lót tay dù chỉ một xu, khác gì ăn trên xương máu liệt sỹ? Mai này xuống “dưới ấy”, chúng tôi biết nói với đồng đội thế nào?”.
Dù tòa án đã ra phán quyết Đồng Nai ra quyết định thu hồi đất là sai, nhưng bản án vẫn không được thực thi. Hàng chục năm hai bên “giằng co”, lãng phí biết bao thời gian công sức, tiền bạc của Nhà nước? Các cựu binh và Công ty Tân Lộc cho biết đã kêu cứu, khiếu nại nhiều nơi, mà sự việc “gai góc” đã hàng chục năm vẫn ít người biết tới. Nếu nhà báo im lặng, cỏ xanh ở Tân Lộc còn nhức nhối đến bao giờ? Nếu im lặng, khác gì đồng lõa với tội ác.
Vũ Ánh