Điện Biên Phủ: Nhớ lại để suy ngẫm

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam như một tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam như một tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch bàn bạc kế hoạch tác chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch bàn bạc kế hoạch tác chiến.


Đích thân đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Sư đoàn 312 gọi điện báo cáo trực tiếp với Đại tướng Tổng tư lệnh ở sở chỉ huy Mường Phăng: "Báo cáo Anh, Đờ Cát cùng với cả Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi. Hắn vẫn còn cả chiếc gậy “can” và mũ chào mào đỏ. Đờ Cát vẫn còn cấp hiệu trên vai, ta đã kiểm tra kỹ giấy tờ và chữ ký của hắn". Viên tướng Pháp chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm đã chịu đầu hàng ta, bấy giờ hơi cúi đầu nhìn xuống, một tay buông thõng, một tay chống lên chiếc gậy gỗ, tự để cho mình bị bắt cùng với toàn bộ bộ tham mưu, không ai cầm súng nữa.

Thất bại của chủ nghĩa thực dân, thắng lợi của hòa bình, tự do

Trong ánh chiều vàng rực, theo sự điều động của cán bộ, chiến sĩ ta, đoàn tù binh lố nhố bước ra từ các hầm hào, được các chiến sĩ ta dẫn giải đi, thành từng hàng dài 2,3 km. Trong đám tù binh ấy, có nhiều tên dần dần hết sợ, lại động viên nhau: “Đi cố lên, về đến trại là yên chí!”.

Viên đại úy tù binh Capeyron nói với cán bộ ta: “Mấy tháng nay, ở giữa một cánh đồng bát ngát mà bây giờ mới được ra thở không khí trong lành, nhìn một khoảng trời rộng rãi. Ở giữa một rừng cây mà hôm nay mới được trông thấy màu lá xanh. Ở bên một dòng sông rộng mà bây giờ mới nhìn thấy nước”.

Tất cả đều thấy mình đã được thoát khỏi cái địa ngục đầy bùn và máu lửa. Niềm vui vì vừa mới được thoát chết sáng lên trên gương mặt của những chiến binh thất trận.

Có đứng giữa cánh đồng Mường Thanh buổi chiều năm ấy, mới thấy hết được cái ý nghĩa của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là thất bại của chủ nghĩa thực dân, còn thắng lợi ở Điện Biên Phủ là thắng lợi của hòa bình, tự do.

Nó chấm dứt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” mà những người Pháp - nam và nữ như Henri Martin, Raymonde Dien từng đã lên án và đấu tranh đòi chính phủ Pháp phải đơn phương chấm dứt từ mấy năm trước, để nước Pháp khỏi hao người tốn của, để xương máu của thanh niên Pháp khỏi bị hy sinh vô ích.

Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm De Castries chiều 7/5 lịch sử - Ảnh tư liệu (Nguồn ICT News)
Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm De Castries chiều 7-5 lịch sử - Ảnh tư liệu (Nguồn ICT News)


Không thể đánh bại một dân tộc

Tướng Pháp Marcel Bigeard, nguyên là trung tá chỉ huy một tiểu đoàn dù, người đã quyết liệt chống trả cho đến tận ngày cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sang thăm Việt Nam năm 1993, nhìn lại chiến trường cũ, đã có một câu nói đầy ý nghĩa với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”.

Chính tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.

Jules Roy khi viết “Khúc tưởng niệm cho cuộc bại trận ở Điện Biên Phủ” đã nêu câu hỏi: “Lỗi tại ai?”. Và đã tự trả lời: “Trước hết là bởi tại phẩm chất của những con người mà ta phải đối mặt. Các tướng tá trong quân đội của họ không có ai khác những người bình thường, ngoại trừ tuổi tác và số sao gắn trên ve áo. Áo họ cùng một thứ vải may xoàng xĩnh, chân đi cùng một thứ dép cao su, mũ nan đội trên đầu không ai khác ai, và các đại tá cũng cuốc bộ đường trường như lính. Không có những cô thư ký xinh đẹp, những suất ăn đặc biệt dành riêng, những xe ô tô con cắm cờ hiệu nhặng xị, họ là những người chiến thắng!”. Roy đã đánh giá đúng bản chất khác nhau của người cầm súng ở hai phía. Và thấy đó là nguyên nhân thất bại cho người Pháp.

Những chiếc xe thồ hàng đã trở thành huyền thoại trong chiến dịch - Ảnh tư liệu
Những chiếc xe thồ hàng đã trở thành huyền thoại trong chiến dịch


Ông cũng đã thẳng thắn nhìn vào cái nhân tố thứ hai là trí tuệ chiến lược của người chỉ huy tối cao. Ai đã làm tiêu tan cái mộng của Navarre thành lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dụ Việt Minh đưa “biển người” vào lòng chảo, để phi cơ và pháo binh Pháp nghiền nát như bằng “những chiếc cối xay thịt”?. Ai đã không mắc mưu đánh nhanh, thắng nhanh mà đổi sang cách “đánh chắc, tiến chắc”, dùng lối đánh lấn qua các hầm hào, để rồi như từ dưới lòng đất chui lên xộc thẳng vào bắt sống tướng giặc?

Là người từng tham gia cuộc chiến, Roy còn nói rất đúng rằng: “ Đánh bại tướng Navarrre chính là những chiếc xe đạp thồ được đến 200-300 kg được đẩy đi bằng những con người đói cũng không ăn vào số gạo đưa đi tiếp tế cho quân đội và ngủ nghỉ trên những mảnh nhựa trải dưới đất trên đường đi dài đến hàng mấy trăm cây số”. Đấy là sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân được phát động một cách tuyệt vời và khéo léo.

Chính chỉ huy phó của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là đại tá Pierre Langlais cũng xác nhận trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ của ông, rằng: “Ở Điện Biên Phủ, nếu người ta muốn nhìn thẳng vào sự thật, thì ắt phải thấy rằng viện trợ cho Việt Minh chỉ là một giọt nước đặt bên cạnh dòng thác vật tư của Mỹ đổ vào cho người Pháp chúng ta”.

Tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới

Trong số hơn chục nghìn tù binh ở Điện Biên Phủ, có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Xuất phát từ những hoàn cảnh không giống nhau, họ đã có mặt trong các đơn vị được gọi là đơn vị lính lê dương người nước ngoài (légion Etrangère), trong đó có người là dân các nước Bắc Phi, Trung Phi, Trung Âu (Đức, Áo…) là binh sĩ, sĩ quan hoặc hạ sĩ quan.

Về trại dành cho tù binh, tất cả đều không bị đánh đập hay ngược đãi tàn bạo như đã sợ, mà chỉ tai nghe, mắt thấy những điều mới, làm thay đổi cả tâm hồn và nhận thức.

Bộ đội Việt Nam áp giải tù binh Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu (Nguồn anninhth
Bộ đội Việt Nam áp giải tù binh Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ


Trong những cuộc nói chuyện, trao đổi ý kiến tự do ở những giờ gọi là “lớp học”, họ được phát biểu, trả lời những câu hỏi đại loại như “Các anh là những chiến binh giỏi, mà sao các anh lại đi đánh cho bọn thực dân, đi đốt phá làng mạc, giết chóc đàn bà trẻ con, những người chưa hề bao giờ sang quấy phá đất nước, làng mạc các anh?”. “Tình cảnh gia đình các anh như thế nào mà các anh lại sang đây làm chiến tranh? Cuộc chiến mà các anh tham gia ở đây là cuộc chiến tranh gì vậy?”.

Có một viên trung úy người Algeria đã phát biểu: “Một cuộc chiến tranh thuộc địa, mình đã nếm đủ. Những mối dây ràng buộc cường quốc thực dân với những dân tộc bị trị đã đứt tung vĩnh viễn rồi!”. Viên sĩ quan ấy đã xin ở lại, vào hàng ngũ Việt Minh, nhưng đã được thân ái khuyên: “Chúng tôi đã làm nghĩa vụ cho đất nước chúng tôi. Các bạn cũng có Tổ quốc, hãy làm nghĩa vụ cho đất nước của các bạn !”.

Và người Algeria ấy, khi được trả tự do, đã trở về Tổ quốc. Anh là Slimane Hoffman. Mấy năm sau, anh tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng Algeria, đã chiến đấu và trở thành một đại tá cục trưởng. Anh đã thực hiện một Điện Biên Phủ ở Tổ quốc mình.

Đó là ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Nó như một tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. Người ta không lấy làm lạ khi thấy bao người ở các châu lục xa xôi cùng cất lên những tiếng hô vang đầy sức mạnh: “Hồ, Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Điện Biên Phủ!”.

Và cuốn Từ điển Larousse của Pháp có thêm một mục từ tiếng Pháp mới “Dienbienfuer”, được giải thích là “đánh một đòn quyết định”.

Trần Thái Bình
(Nhà nghiên cứu sử học, cựu chiến binh
từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.