TAND Cấp cao tại TP HCM cho hay ông Khanh có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, có hai người thân thích bảo lãnh; việc áp dụng biện pháp tạm giam với ông Khanh là không cần thiết nên được cho tại ngoại chờ xét xử.
Trước đó, PLVN đã có nhiều bài viết về dấu hiệu oan sai trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan ông Khanh. Trong vụ án này, hai bị cáo chính là Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) bị cáo buộc xử lý tài sản thế chấp (đất thế chấp của cụ Hồ Thị Hiệp, SN 1947, đã chết) không đúng luật và quy chế nội bộ của BIDV. Ông Khanh bị cáo buộc thỏa thuận với cụ Hiệp, ông Lộc để trả tiền mặt bên ngoài cho cụ Hiệp là trái luật, nên có vai trò giúp sức.
Ông Khanh bị bắt tạm giam từ 10/8/2018 và ngày 28/5 bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên án 10 năm tù, ông Hùng bị tuyên 12 năm tù, ông Lộc bị tuyên 11 năm tù.
Từ khi bị bắt, ông Khanh đã liên tục kêu oan, cho biết mình chỉ là người mua tài sản đã giải chấp, đúng giá thị trường, có sự đồng ý của ngân hàng và thực hiện tất cả việc mua bán, trả tiền theo đúng hợp đồng mua bán với cụ Hiệp. Việc các cơ quan tố tụng quy kết ông Khanh cùng ông Hùng, ông Lộc và cụ Hiệp bàn bạc cấu kết, gây thiệt hại tài sản nhà nước là oan sai vì tất cả chưa từng cùng gặp nhau một lần để bàn bạc gì về mua bán tài sản thế chấp của cụ Hiệp.
LS bào chữa cho ông Khanh nhiều lần khẳng định: “Cơ quan tố tụng lập luận ông Khanh là cán bộ thì phải biết quy định của ngân hàng về xử lý tài sản thế chấp là lập luận lạ đời. Ông Khanh là cán bộ hành chính chứ không phải là cán bộ ngân hàng thì làm sao mà biết. Pháp luật cũng không buộc ông Khanh phải biết điều đó. Về nợ của cụ Hiệp, ông Khanh đã khai rõ là biết có nợ nhưng không rõ nợ bao nhiêu. Một người đi mua tài sản thế chấp thì quan tâm đến chuyện người có tài sản nợ bao nhiêu làm gì? Thế nên không thể quy kết ông Khanh là “đồng phạm giúp sức”.
Vụ án đã trải qua nhiều lần trả lại hồ sơ, bị luật sư chỉ ra nhiều điểm vi phạm tố tụng, áp dụng sai luật. Bản thân ông Khanh cũng một mực cho rằng bản chất vụ án này là “một vụ trù dập cán bộ”. Tại phiên sơ thẩm, sau khi nghe tuyên án, ông Khanh đã chuẩn bị sẵn đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Ông Khanh kháng cáo kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án.
“Trong suốt quá trình điều tra vụ án và xét xử tại phiên tòa, không có căn cứ chứng minh được tôi có hành vi phạm tội. Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương vẫn cố tình truy tố và kết tội tôi một cách trái pháp luật. Việc điều tra, truy tố, xét xử không đúng thẩm quyền. Nội dung chi tiết tôi sẽ trình bày tại phiên tòa phúc thẩm”, đơn kháng cáo của ông Khanh viết.
Giai đoạn sơ thẩm, LS và người thân ông Khanh nhiều lần đề nghị cho ông Khanh tại ngoại nhưng cơ quan tố tụng Bình Dương đều không chấp nhận. “Ông Khanh nguyên là một Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, một người có uy tín, có chỗ ở ổn định, có gia đình vợ con, thân nhân tốt, trong thời gian giữ các chức vụ đều nhận được giấy khen, bằng khen. Quá trình điều tra ông Khanh khai báo đầy đủ, cung cấp các hồ sơ liên quan và bị cáo buộc chỉ là “giúp sức”... Do đó, việc giam ông Khanh là không cần thiết”, LS nhiều lần khẳng định.
Chiều qua, trao đổi với PLVN, bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh) xác nhận đã hoàn tất các thủ tục và ông Khanh đã được về nhà. “Sức khỏe của chồng tôi khá yếu do bị tạm giam dài ngày. Các bệnh về tai, huyết áp, khớp, gút rất nặng. Thời gian tới, gia đình sẽ cố gắng đưa anh Khanh đi khám chữa bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe để tham gia phiên phúc thẩm sắp tới. Gia đình rất mong dư luận hiểu rõ về bản chất vụ án, đừng hiểu nhầm rằng chồng tôi từng là Bí thư Bến Cát nên có quyền lực hay có nhiều tiền để o ép người khác bán đất giá rẻ. Thực sự chúng tôi không có điều kiện kinh tế, hiện đang ở nhà thuê, chắt chiu nhiều năm được ít tiền mới mua khu đất đó coi như hình thức đầu tư, ai ngờ vướng lao lý oan ức. Gia đình xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của dư luận về sự việc”.
Tại phiên xử cuối năm 2019 (sau đó bị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại – NV), ông Khanh khẳng định: “Tôi không đồng ý với cáo trạng. Thứ nhất, về tội danh, từ khi bắt đến nay, tôi có nhiều đơn kêu oan, kiến nghị nhiều vấn đề nhưng đều không được cán bộ điều tra chấp nhận…. Nếu đọc cáo trạng, ai tâm trực, lòng thực là biết tôi không có tội. Nhưng bản lời khai lấy cung, kết luận, cáo trạng viết những từ ngữ mập mờ, làm cho người đọc hiểu lệch đi hành vi của tôi…”. Khi ông Khanh đang trình bày những vấn đề không đồng ý mà cáo trạng quy kết không đúng thì đại diện VKS ngắt lời.
Sau đó, khi LS bào chữa cho ông Khanh đang hỏi thân chủ về việc có đơn tố cáo, cầu cứu, khiếu nại những sai phạm này như thế nào thì VKS cắt lời, đề nghị HĐXX yêu cầu LS ngừng vì “vấn đề này không liên quan vụ án”.
LS Quynh phản bác: “Đây là những tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đều được đóng dấu bút lục. Theo luật, tất cả những gì có trong hồ sơ đều phải được làm rõ tại phiên tòa”. HĐXX không đồng ý. LS Quynh tiếp tục viện dẫn các điều luật để nói rằng cần phải được hỏi: “Tôi xét thấy HĐXX đang cản trở quyền bào chữa của tôi đối với bị cáo. Tôi đề nghị HĐXX cho tôi tiếp tục được hỏi ông Khanh”. Đáp lại, Chủ tọa nói rằng “nếu có vấn đề gì khiếu nại, tố cáo thì LS có quyền gửi đơn đến cấp thẩm quyền”.