Trước đó, dự án được quảng bá rất rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, nào là đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Lý Nhã Kì, đem tài tử nổi tiếng “Giày thủy tinh” đến Việt Nam…
Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngại với tính khả thi của dự án, bởi tuy đầu tư “khủng”, nhưng về mặt tạo hình, Lý Nhã Kì vừa không được đánh giá cao về diễn xuất, lại khá “dừ” so với một nữ chính trẻ trung, xinh xắn.
Cộng với việc nhà sản xuất quá tốn kém để mời một nam diễn viên từ Hàn Quốc sang, nhưng thực tế thì Han Jea Suk đã qua thời kì vàng son, và phim anh đóng nổi tiếng cũng đã chục năm trước đây. Chính vì vậy, thông tin tạm ngưng sản xuất bộ phim cũng không làm người ta quá ngạc nhiên, bởi ngay từ đầu, nhà sản xuất dường như đã “với tay quá xa”.
Một năm trở lại đây khán giả chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phim Việt, nhưng đồng thời cũng chứng kiến không ít dự án lớn rầm rộ bị “ngã ngựa”. Trong đó, nhiều phim thuộc về những dự án hợp tác nước ngoài, đưa tài tử ngoại về đóng chung với diễn viên đình đám Việt, nhưng kết quả lại thành bom xịt.
“Yêu em từ khi nào” là bộ phim Việt hợp tác giữa Việt Nam Trung Quốc với sự tham gia của tài tử Tôn Vĩ Luân, nhưng thất bại vì kịch bản quá thiếu chất lượng, phi logic và tình tiết cũ. Phim hợp tác Hàn Việt với sự tham gia của Chi Pu, San E, Jung Chae-yeon và Jin Ju-hyung trở thành sản phẩm điện ảnh không ai để mắt vì nội dung cho đến diễn xuất chẳng có gì đặc sắc.
Phim “Những cô gái găng tơ” hợp tác với hàng loạt ngôi sao Mỹ và châu Á như võ sĩ Mike Tyson, Trương Quân Ninh, Trần Y Hàm, Tiết Khải Kỳ… nhưng lại là một thất bại phòng vé cũng vì lỗi kịch bản và nhiều yếu tố không phù hợp khác.
Nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng, có lẽ nhà sản xuất đã đầu tư quá nhiều tiền vào khâu “hợp tác quốc tế”, để đến nỗi thiếu kinh phí cho những khâu còn lại, khiến bộ phim trở nên dở dang, đầu voi đuôi chuột.
Thực tế đã chứng minh, phim đầu tư kinh phí lớn, quảng bá rầm rộ, mang nhiều tài tử diễn viên quốc tế về Việt Nam chỉ có thể gây tò mò cho công chúng ở bước đầu, tức là hiệu quả về mặt truyền thông.
Nhưng để kéo khách đến rạp thì lại cần nhiều yếu tố khác, mà một kịch bản hấp dẫn, không có sạn, sự diễn xuất chân thật, nhập vai của diễn viên là những viên gạch quan trọng nhất xây dựng nên một bộ phim.
Trong ba năm vừa qua, kết quả thực tế đã cho thấy rất nhiều bộ phim không đầu tư khủng, không có diễn viên hạng A nhưng vẫn bùng nổ, trở thành hiện tượng phòng vé, được khán giả yêu thích, trở thành trào lưu…
Đây có lẽ cũng là một bài học cho các nhà làm phim Việt. Hãy xây dựng nên một bộ phim chất lượng từ những chất liệu gần gũi nhất, “mơ xa” mà không đủ lực thì rất dễ vỡ mộng.