Sự đổ bộ của dòng phim ngoại, với nhiều cảnh bạo lực, đồng tính, sexy trong các rạp chiếu phim trong suốt một thời gian dài đã khiến những người yêu điện ảnh không khỏi lo lắng. Phải chăng bây giờ điện ảnh Việt Nam đã mất dần tính dân tộc?
Rạp chiếu phim quốc gia |
Nền điện ảnh “vay mượn”
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, tính dân tộc trong phim Việt được thể hiện rõ nét qua 4 tiêu chí: Bối cảnh hiện thực, tính cách nhân vật, khát vọng vươn lên và thủ pháp thể hiện.
Đã có một thời, những tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang nội dung cách mạng phản ánh hiện thực đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, ca ngợi con người Việt Nam anh hùng trong lịch sử quá khứ đến thời đại Hồ Chí Minh là dòng phim chủ đạo, được nhiều người ưa thích.
Những người yêu điện ảnh nước nhà giờ vẫn nhớ đến những bộ phim như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Nổi gió, Bao giờ cho đến tháng Mười, Ngày lễ thánh… Đó là cái thời mà ở các rạp chiếu bóng mọi người hào hứng đến để được xem những bộ phim giàu tính hiện thực, đậm đà tính dân tộc, tìm thấy bóng dáng của cuộc sống quanh mình đang sống, chiến đấu và làm việc được thể hiện dưới hình tượng nghệ thuật, chân thực, sinh động và gần gũi, thân quen từ con người đến thiên nhiên, từ trang phục đến âm nhạc…
Còn hiện tại, nhiều nhà làm phim tìm tòi, sáng tạo và đầu tư sản xuất những bộ phim với những tuyên ngôn là đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, khi ra mắt công chúng, đã có không ít bộ phim được thể hiện bản sắc lai căng, mang chút dấu ấn Holywood, chút điện ảnh Hồng Công, Hàn Quốc. Và tất nhiên trong “món lẩu” điện ảnh này, bản sắc dân tộc không còn là điều dễ hiểu.
Theo đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Xu hướng thương mại đang thịnh hành đã làm lu mờ tính dân tộc trong phim Việt. Ở đâu đồng tiền chi phối, ở đó tính nghệ thuật sẽ ít đi và dĩ nhiên, không có tính dân tộc. Còn đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhìn nhận phim truyện giờ tập trung vào nội dung xa lạ với những vấn đề cốt lõi, riêng biệt của con người và đất nước Việt Nam. Tính cách, số phận, tâm tư, tình cảm và hành động của nhân vật mờ nhạt hoặc bị áp đặt, vì vay mượn. Hình thức phim cũng không phù hợp với cách cảm, cách nghĩ, biểu hiện của văn hóa và con người ViệtNam.
Lỗi tại ai?
Trong những năm gần đây, từ khi nhà nước xã hội hóa ngành điện ảnh, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài, cách tiếp cận, góc nhìn mới mẻ hơn về con người, cuộc sống, đề tài đương đại, gắn liền với các mối quan tâm của xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó xuất hiện một xu hướng không mấy tốt lành cho điện ảnh Việt Nam.
Đó là tính dân tộc trong rất nhiều tác phẩm bị mờ nhạt, bị mất hẳn, thậm chí bị sai lạc, bị lợi dụng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chính là một bộ phận khá lớn khán giả tỏ ra không hứng thú với những bộ phim có tính dân tộc đậm nét mà chỉ hướng tới những bộ phim giải trí thuần túy, trong đó có không ít phim có chất lượng nghệ thuật nhạt nhòa, thậm chí thấp kém.
"Không may là số khán giả này lại quyết định không nhỏ tới doanh thu của các rạp và tất nhiên là tới cả doanh thu của các nhà đầu tư làm phim, khiến họ không dám mạo hiểm đầu tư vào những dự án phim có hàm lượng tính dân tộc cao, còn các chủ rạp cũng không mấy mặn mà với loại phim này". Đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhận xét.
Phải chăng đó là nguyên nhân để cho tần xuất các bộ phim Việt được quảng bá, trình chiếu tại các rạp chỉ tồn tại được ít thời gian, thậm thí tính bằng tuần rồi nhanh chóng chìm ngỉm trong làn sóng các bộ phim mang tính giải trí nghèo nàn xuất hiện liên tục kia?
Tuy nhiên bên cạnh đó không thể nhắc đến chính những cha đẻ những bộ phim kiểu này. Họ là những đạo diễn trẻ cả tuổi đời, tuổi nghề lẫn vốn sống do vậy mà khi thể hiện tính dân tộc rất khó thể hiện được dưới ngôn ngữ điện ảnh đương đại của quốc tế. Không ít những bộ phim khá hay của ta như Ma Làng, Gió làng Kình, Chạy án… chúng ta mang ra nước ngoài bán nhưng không được khách hàng quan tâm. Trong khi đó, những phim cỉa Philippin, Singapore, Thái Lan… đang chiếu ở ngay Việt Nam thì thu hút rất đông người xem. Điều đó đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi về đề tài cũng như cách thức thể hiện
Mượn lời của đạo diễn Đặng Nhật Minh rằng: "Đã có nhiều hội thảo được tổ chức để bàn về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong phim ảnh Việt Nam nhưng xem ra guồng máy lạnh lùng của thị trường phim ảnh vẫn im lặng mỉm cười như muốn nói rằng: Các anh bàn cứ bàn, hội thảo thì cứ hội thảo, dân tộc hay không dân tộc tôi không cần biết, làm sao moi được thật nhiều tiền trong túi người xem, đó là việc của tôi” - làm lời kết chưa tìm thấy lời giải của tác giả trong việc đi tìm tính dân tộc trong phim Việt hiện nay.
Sơn Bình