Cách đây hơn 3 năm, gia đình anh Nguyễn Thành Chung (thôn 2, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là một trong những hộ nghèo của xã. Năm 2017, anh Chung được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư trồng keo lai và chăn nuôi dê. Đến nay, với diện tích 5ha keo lai và đàn dê 30 con, mỗi năm, anh Chung có nguồn thu hàng trăm triệu đồng...
Không chỉ gia đình anh Chung, mà nhiều hộ gia đình khó khăn ở xã Xuân Trạch cũng vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Đến nay, dư nợ của NHCSXH huyện Bố Trạch trên địa bàn xã Xuân Trạch gần 45 tỷ đồng. Toàn xã có 22 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động với trên 1.000 hộ gia đình vay vốn.
Xuân Trạch là xã tiêu biểu nhiều năm liền không phát sinh nợ quá hạn của huyện Bố Trạch. Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương là vùng đồi núi, nhiều hộ nghèo ở xã Xuân Trạch đã phát huy tiềm năng, sử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, mỗi người dân trong xã khi tham gia vay vốn ưu đãi luôn có ý thức tự giác trả lãi đúng thời hạn và đầu tư vốn đúng mục đích. Nhờ đó, xã Xuân Trạch luôn là “điểm sáng” về chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ quá hạn trong nhiều năm liền.
Ông Cao Thế Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch đồng thời là thành viên tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Bố Trạch - cho biết: Xuân Trạch là xã miền núi, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Việc NHCSXH đặt Điểm giao dịch cố định tại xã đã tạo thuận lợi cho bà con trong quá trình giao dịch. Đặc biệt, tại đây, các hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và người dân được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, cùng bàn bạc, hướng dẫn nhau cách sử dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất nên nguồn vốn phát huy được hiệu quả. NHCSXH luôn đáp ứng kịp thời nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của địa phương giảm mạnh. Nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và NHCSXH.
Tính đến hết quý II/2019, NHCSXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang quản lý vốn vay ưu đãi của 30 xã, thị trấn, trong đó có 16 xã không có nợ quá hạn. "Với đặc thù của huyện Bố Trạch là dân cư phân bố rộng, không tập trung, nên việc thu lãi hàng tháng gặp nhiều khó khăn. Kết quả này là cố gắng rất lớn của chi, cấp ủy chính quyền địa phương, những cán bộ làm công tác tín dụng chính sách và người dân địa phương trong việc hạn chế phát sinh nợ quá hạn” - Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch Hoàng Anh Toàn cho biết.
Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch Hoàng Anh Toàn cho biết thêm, thời gian qua, các Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Xuân Trạch đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền, các hội, đoàn thể triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân kịp thời có vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Các cán bộ hội, đoàn thể trên địa bàn luôn gần gũi với người dân, nên thông qua ủy thác, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có ý thức, trách nhiệm trong việc trả nợ vay vốn của ngân hàng.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay cũng được lãnh đạo chính quyền, các hội, đoàn thể, cán bộ tín dụng ngân hàng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Đặc biệt, khi đến hạn trả nợ gốc, ngân hàng thực hiện thông báo trước 02 tháng trở lên để người dân chuẩn bị nguồn vốn trả nợ đúng hạn. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất nhằm duy trì chất lượng tín dụng chính sách và không để phát sinh nợ quá hạn sau các phiên giao dịch.