Những hợp đồng triệu đô
Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, các công ty như PVS và PVB sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các dự án đang triển khai như Sao Vàng - Đại Nguyệt, Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 và LNG Thị Vải vào năm 2020.
PVB nắm trong tay lợi thế lớn là sở hữu nhà máy bọc ống cho đường ống dầu khí duy nhất trong nước. Trong năm 2020, triển vọng lợi nhuận của PVB đi liền với việc đầu tư của GAS cho đường ống dẫn khí mới, bao gồm 126km đường ống ngoài khơi Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 và 26km đường ống Sao Vàng - Đại Nguyệt, với tổng giá trị hợp đồng là 47 triệu USD trong giai đoạn quý IV/2019 đến quý III/2020.
Bên cạnh đó, PVB cũng sẽ tham gia một số dự án sơn chống ăn mòn cho khách hàng ngoài ngành như: Nippon Steel, CSWind, Vietnam Energy và phát triển dịch vụ thi công ngoài ngành như bọc bảo ôn đường ống công nghệ và bồn bể; chống ăn mòn cho đường ống hóa chất, gia công bồn bể, kết cấu thép…
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong năm 2019, nhờ bứt phá trong quý IV mà bức tranh cả năm của PVB khởi sắc. Lũy kế cả năm 2019, doanh thu PVB đạt 383 tỉ đồng, tăng 89% so với năm 2018; lỗ 9 tháng năm 2019 được xóa nhờ lãi quý IV; lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 đạt hơn 38 tỉ đồng, tăng 65% so với năm 2018.
SSI ước tính PVS đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng 35% trong năm 2020 nhờ ghi nhận từ dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt, Gallaf - Al Shaheen, Salman Development và LNG Thị Vải. Đặc biệt, lợi nhuận của PVS có thể sẽ tăng cao hơn nếu hợp đồng cho thuê FPSO Lam Sơn với PVEP chính thức được ký kết.
Nhận định triển vọng tích cực của PVS với các dự án đang thực hiện cùng với việc đánh giá PVS đang được định giá rẻ, cổ tức tiền mặt tốt cũng như khả năng hoàn nhập dự phòng cho FPSO Lam Sơn, PTSC - CGGV, SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho PVS là 21.500 đồng/cổ phiếu (giá hiện tại của PVS là 16.300 đồng/cổ phiếu).
Cổ phiếu có khả tăng tăng giá 37%
Cùng duy trì nhận định tích cực về PVS, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra khuyến nghị “mua” cho PVS với giá mục tiêu 23.800 đồng/cổ phiếu, khi đánh giá PVS đang được định giá khá hấp dẫn so với các công ty cùng ngành Dầu khí; năng lực tài chính mạnh mẽ với 9,7 nghìn tỉ đồng tiền mặt tại thời điểm cuối năm 2019, đủ hỗ trợ việc gia tăng công suất và mức lợi suất cổ tức ổn định đạt 6,1%.
Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng vừa đưa ra báo cáo nhận định về cổ phiếu PVS, trong đó đưa ra khuyến nghị “mua” cho PVS với dự báo PVS có khả năng tăng giá 37% trong 12 tháng tới khi mã cổ phiếu này đã giảm mạnh trong thời gian qua.
Với PVD, các chuyên gia đánh giá lợi nhuận cốt lõi của PVD đã thoát đáy vào năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020. Do đó, năm 2020 sẽ là một năm tươi sáng hơn cho PVD nhờ công suất giàn khoan ước tính tăng (từ 90% trong năm 2019 lên 95-97% trong năm 2020); giá thuê cải thiện ước tính từ 57,5 nghìn USD trong năm 2019 lên 64,5 nghìn USD trong năm 2020; khả năng hoàn nhập dự phòng từ PVEP (tối đa 250 tỉ đồng) cho PVD và công ty liên doanh. SSI duy trì đánh giá tích cực cho PVD và đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho PVD là 18.200 đồng/cổ phiếu.
Còn VCSC dự báo, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi năm 2020 của PVD sẽ đạt 10,8 triệu USD, cao hơn 3,5 lần so với con số ghi nhận trong năm 2019, nhờ giá thuê ngày tăng khoảng 10% so với năm trước và hiệu suất hoạt động sẽ đạt 95% so với 89% trong năm 2019.
PVD được đánh giá là nhà thầu dẫn đầu lĩnh vực giàn khoan tại Việt Nam với năng lực tài chính mạnh mẽ và quản lý chi phí tốt. Điều này sẽ giúp PVD được hưởng lợi từ nhu cầu giàn khoan gia tăng trong khu vực.
Cho rằng định giá của PVD đang hấp dẫn hơn so với các công ty cùng ngành, VCSC vừa nâng khuyến nghị từ “phù hợp thị trường” lên “khả quan” với cổ phiếu PVD khi mã cổ phiếu này đã giảm khoảng 14% tính từ tháng 11/2019 đến nay; đồng thời đưa ra giá mục tiêu cho PVD là 16.000 đồng/cổ phiếu (giá hiện tại là 13.500 đồng/cổ phiếu).
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu