'Điểm mặt' 9 vụ án đình đám xét xử năm 2018

'Điểm mặt' 9 vụ án đình đám xét xử năm 2018
Nếu nhiều hoa hậu, doanh nhân vướng lao lý gây xôn xao dư luận năm 2017 thì 2018, người ta nhắc tới hai tướng công an liên quan tới đường dây đánh bạc, bác sỹ vô ý khiến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, Trịnh Xuân Thanh tham ô, Đinh La Thăng cố ý làm trái...

1. Ông Đinh La Thăng lĩnh 30 năm tù

 

Ông Đinh La Thăng nguyên là Chủ tịch HĐQT PVN. Quá trình công tác tại PVN, ông Thăng đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC; chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng... Với hành vi này, ông Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng còn có hành vi cố ý làm trái trong vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào OceanBank. Theo đó, năm 2008 đến 2011, ông Thăng đã ký thỏa thuận góp vốn với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) nhưng không thông qua HĐQT. Việc này trái với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT. Hậu quả của ba lần góp vốn trái luật nói trên làm PVN mất toàn bộ 800 tỷ đồng khi Oceanbank có nhiều sai phạm trong quản lý và bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng. Với hành vi này, ông Thăng bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên 18 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cộng cả 2 bản án nêu trên, ông Thăng phải chịu 30 năm tù.

2. Trịnh Xuân Thanh trả giá sau hơn 300 ngày trốn truy nã quốc tế

Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch PVC, là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ tại PVC. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỷ đồng. Khi bị khởi tố, ông Thanh đã bỏ trốn. Và sau hơn 300 ngày trốn truy nã quốc tế, cựu Chủ tịch PVC đã ra đầu thú, trả giá cho những sai phạm của mình.

Cụ thể, trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 4 hồ sơ thi công 4 hạng mục tại Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, rút ruột của PVC hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng cá nhân 4 tỷ đồng. Trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land), Trịnh Xuân Thanh tham ô 14 tỷ đồng... Với những hành vi trên, sau nhiều phiên tòa xét xử khác nhau, ông Trịnh Xuân Thanh phải nhận bản án 30 năm tù về các tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

3. 9 bệnh nhân chạy thận tử vong

Ngày 5/6/2018, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo hồ sơ vụ án, Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên lọc máu – BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quá trình thực hiện, Quốc đã sửa dụng hóa chất chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép dùng cho mục đích khử khuẩn trang thiết bị y tế để sục rửa các vỏ màng lọc, không sục xả hết lượng hóa chất đã dùng, để tồn dư 1 lượng hóa chất vượt quá mức an toàn trong hệ thống nước; chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn đã thỏa thuận, bỏ mặc việc cho đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng.

Sáng 29/5/2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, chưa có căn cứ xác định nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng nhưng bác sỹ Hoàng Công Lương đã chủ quan đưa ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của 2 bác sỹ khác đối với 18 bệnh nhân. 

Việc ra y lệnh và ký nhận y lệnh của bị can để tiến hành việc lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2 dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người chết. Dự kiến, phiên tòa sơ thẩm lần 2 sẽ được mở vào ngày 8/1/2019.

4. Út “trọc” lĩnh án vì lợi dụng chức vụ, sử dụng giấy tờ giả

Chiều 1/11/2018, HĐXX Tòa án quân sự Trung ương đã đưa ra phán quyết với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn), Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ Tổng công ty Thái Sơn) và Trần Văn Lâm (nguyên TGĐ điều hành Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn).

Theo nhận định của HĐXX, có đủ cơ sở xác định bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT, TGĐ, người đại diện theo pháp luật đã đề nghị cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô quân sự, xe ô tô biển xanh, để được miễn nhiều tỉ đồng thuế đăng ký bạ.Bên cạnh đó, Đinh Ngọc Hệ còn trực tiếp hoặc chỉ đạo bị cáo Lâm thế chấp các xe ô tô quân sự, xe biển xanh cho các ngân hàng để vay tiền… Sử dụng bằng tốt nghiệp đại học kinh tế quốc dân giả…

Đối với Phùng Danh Thắm, HĐXX nhận thấy với chức vụ của mình, bị cáo Thắm đã không làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, đã buông lỏng quán lý quân nhân, doanh nghiệp cổ phần để bị cáo Hệ gây thất thoát cho nhà nước 1,4 tỷ đồng. Do đó, HĐXX tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Phùng Danh Thắm 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

5. Nữ đại gia Hứa Thị Phấn phải bồi thường hơn 16.000 tỷ đồng

 

Vừa qua, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB (tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank, sau là VNCB). Theo đó, nữ đại gia Hứa Thị Phấn phải bồi thường hơn 16.000 tỷ đồng. Về hình phạt, bà Phấn, bị tuyên 30 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Hai cựu tướng công an “tạo điều kiện” cho đánh bạc

 

Ngày 30/11/2018, TAND tỉnh Phú Thọ đã ra phán quyết với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát) 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50)10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bởi theo HĐXX, bị cáo Vĩnh cố ý bao che cho hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đến cùng.

Khi lãnh đạo Bộ Công an có yêu cầu báo cáo, ông Vĩnh không chấp hành, phải đến lần thứ hai thì mới báo cáo nhưng không đúng sự thực, không chỉ đạo triệt phá. Hành vi của bị cáo gây bất bình quần chúng nhân dân, giảm uy tín của ngành công an, niềm tin của người dân. Đối với cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, Tòa cho rằng bị cáo Hóa đã tham mưu cho cấp trên ký quyết định thành lập CNC, đề xuất cho thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám để tạo rào cản với cơ quan cấp dưới khi xác minh. 

Khi Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc, công khai trao đổi tiền rik, là người chịu trách nhiệm cao nhất, ông Hóa không chỉ đạo điều tra mà tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản trình cấp trên tạo điều kiện cho Công ty CNC tiếp tục vận hành game bài, không cho cấp dưới điều tra, không chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, báo cáo sai sự thật, có hành vi che giấu tội phạm. Trong khi đó, sự sống còn của game bài do Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm vận hành phụ thuộc vào bị cáo Vĩnh và Hóa.  

7. Cựu Phó Thống đốc NHNN được hưởng án treo nhờ luật người cao tuổi

Sáng 10/12, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên án Đặng Thanh Bình (cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi ông Bình đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB, để ông Phạm Công Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho nhà băng. Việc cựu Phó thống đốc NHNN bị tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo trên là nhờ được áp dụng thêm các quy định trong luật Người cao tuổi.

8. Vũ “nhôm” bị tuyên 25 năm tù

 

Ngày 20/12/2018, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) bị tuyên phạt 17 năm tù vì tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản vì chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Cộng với hình phạt 8 năm tù vì tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước ở bản án trước, Vũ “nhôm” phải chịu 25 năm tù.

9. Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT DAB lĩnh án chung thân

Ngày 20/12, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á – DAB) tù chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi ông Bình đã thực hiện các hành vi gian dối, chuyển tiền cho Vũ “nhôm” để mua cổ phần của DAB. Ngoài ra, ông Bình còn xuất quỹ khống mua giúp cho Vũ 13,4 triệu USD và cho vay 94 tỷ đồng nhưng chưa trả lại.

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.