“Bình mới, rượu cũ…”
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói, theo Nghị quyết của Chính phủ thì tỷ lệ 50% được tính chung cho cả các ĐKKD bị cắt giảm (bãi bỏ) và đơn giản hóa (sửa đổi). Có nghĩa, một ĐKKD được bãi bỏ cũng được tính tương đương với một điều kiện (ĐK) được sửa đổi. ĐK được sửa đổi, đơn giản hóa khá đa dạng: có những đề xuất chỉ sửa đổi một vài câu chữ trong khi bản chất không thay đổi/ tính chất đơn giản hóa không đáng kể; có những đề xuất có tính sửa đổi theo hướng hạ thấp ĐK. Trong một số phương án, có khá nhiều ĐK được sửa đổi thay vì được bãi bỏ (nếu đánh giá căn cứ vào tiêu chí trên thì ĐK đó nên được đề xuất là “bãi bỏ”). Như vậy, khi tổng hợp, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa của một số phương án khá cao, nhưng bản chất không thay đổi.
Đơn cử như ĐKKD hàng miễn thuế, kho bãi địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan (Nghị định 68/2016/NĐ-CP), cơ quan soạn thảo chỉ đề xuất sửa đổi một số điểm rất nhỏ và thay đổi cách diễn đạt. ĐK trước khi được đơn giản hóa và ĐK được đơn giản hóa là không thay đổi đáng kể. Và đề xuất này được tính là 1 ĐK được đơn giản hóa.
Hay như ĐKKD dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Nghị định 88/2014/NĐ-CP), theo quy định hiện hành, phương án KD gồm 4 nội dung, đề xuất sửa đổi chỉ bỏ một nội dung. Đây được xem là 1 ĐKKD được đơn giản hóa.
“Xét về tính hợp lý, thì việc yêu cầu DN phải có phương án KD là chưa hợp lý ở nhiều góc độ: Thứ nhất, can thiệp vào quyền tự chủ của DN; Thứ hai, không khả thi và ít ý nghĩa thực tiễn. Hơn nữa, bản thân cơ quan Nhà nước (vốn không phải là tổ chức KD) cũng không đủ năng lực về KD để đánh giá một phương án KD là hiệu quả hay không hiệu quả…”- Trưởng ban Pháp chế VCCI phân tích.
Rà soát của VCCI cũng cho thấy, hầu hết các ĐK liên quan đến nhân thân như “có năng lực hành vi dân sự” đều được kiến nghị bãi bỏ trong nhiều Phương án. Ông Tuấn nhận xét: Thực tế thì ĐK này có cũng như không. Bởi theo lẽ thông thường, DN khi tuyển dụng lao động sẽ phải chọn lựa những người đủ tuổi, bình thường về nhận thức chứ không ai lại tuyển dụng một người chưa đủ năng lực hành vi vào làm việc. Nhất là, ĐK kèm theo của nhân thân thường là các bằng cấp chuyên môn. Để có được những loại bằng cấp này thì đương nhiên họ phải có “năng lực hành vi dân sự”. Đồng thời việc bãi bỏ hay không những ĐK này thì mức độ tạo thuận lợi cho DN cũng không đáng kể.
VCCI cũng chi ra rằng có một số phương án đưa ra đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, nhưng thực chất chỉ là sự sắp xếp lại cách thức thiết kế ĐKKD về mặt hình thức mà không có một chút thay đổi nào về nội dung của ĐKKD, nhưng cũng được tính ra các con số đơn giản hóa ĐKKD. Trong khi, xét bản chất, các ĐK này gần như không thay đổi.
Đơn cử, theo quy định hiện hành, ĐKKD trong lĩnh vực thẩm định giá được thiết kế theo từng loại hình DN. Phương án đề xuất đối với từng ĐK của mỗi loại hình DN là “Đơn giản hóa ĐK theo hướng sửa quy định ĐKKD theo từng loại hình DN, chuyển sang quy định theo từng nội dung ĐK”.
“Như vậy, với đề xuất này thì gần như các ĐK sẽ không thay đổi, chỉ thay đổi ở cách thức thiết kế ĐKKD. Thay vì thiết kế ĐKKD theo từng loại hình DN thì chuyển sang thiết kế ĐKKD theo từng nội dung ĐK…”- Ông Tuấn nhận xét.
Luật bị ngó lơ..?
Theo VCCI, phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các ĐKKD hiện hành ở trong Nghị định, các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung Nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các ĐKKD chứa đựng trong Luật. “Đây được xem là một hạn chế không hề nhỏ trong hoạt động rà soát. Bởi vì, Nghị định chỉ là văn bản chi tiết hóa các ĐK đã có trong Luật, dù sửa như thế nào cũng không thể vượt qua được Luật. Trong khi, rất nhiều ĐKKD bất hợp lý có trong Luật cần được đánh giá để bãi bỏ hoặc sửa đổi. Điều này khiến tính cải cách trong các Phương án rà soát chưa thực sự triệt để…”- Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.
Đơn cử, một trong những ĐK của “KD dịch vụ đại lý tàu biển” là phải có bộ phận/cán bộ phụ trách pháp chế, quy định trong Bộ luật Hàng hải, Nghị định 160/2016/NĐ-CP chỉ hướng dẫn chi tiết. Đây được xem là ĐK chưa phù hợp, can thiệp một cách bất hợp lý vào quyền tự chủ của DN, đã được DN phản ánh rất nhiều lần. Tuy nhiên, trong phương án vẫn không đề xuất bỏ, bởi vì “vướng” Luật (!?)
VCCI cũng chỉ ra rằng nhiều đề xuất trong các phương án chỉ xoay quanh việc đánh giá về các ĐKKD cụ thể mà chưa đánh giá về ngành, nghề KD có ĐK. Có nghĩa, chưa xem xét xem liệu ngành, nghề đó có cần thiết phải xác định là ngành, nghề KD có ĐK không, qua đó kiến nghị bỏ tất cả các ĐKKD của ngành, nghề và loại ra khỏi Danh mục ngành, nghề KD có ĐK của Luật đầu tư 2014.
Đơn cử như ngành nghề “Đại lý làm dịch vụ hải quan” đang được xác định là ngành, nghề KD có ĐK. Nhưng, phân tích cho thấy hoạt động cung cấp dịch vụ này hầu như không tác động tới các lợi ích công cộng đến mức buộc phải kiểm soát bằng ĐKKD. Tuy nhiên, phương án lại không xem xét về các vấn đề trên, chỉ đưa ra các đề xuất sửa đổi ĐKKD hiện có của ngành, nghề này…
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD được xem như là một hoạt động “tự thân” của cơ quan quản lý nhà nước và chất lượng của phương án rà soát phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan soạn thảo mà không có bất kỳ cơ chế giám sát nào. Tuy nhiên, trong đợt rà soát vừa qua, có nhiều Bộ đã chủ động lấy ý kiến cộng đồng DN, điều này cho thấy, hoạt động rà soát của các cơ quan quản lý là hoạt động thực chất, thực sự muốn lắng nghe ý kiến của cộng đồng và DN đánh giá cao những động thái này.
Bước lùi của chính sách?
Nghị định 81/2018/NĐ-CP về xúc tiến thương mại được DN cho là có dấu hiệu “cài cắm” quy định khiến thủ tục hành chính trở nên phức tạp hơn và gây nhiều khó khăn cho các DN.
Cụ thể, Điều 17.4 của Nghị định quy định Hồ sơ thông báo thực hiện khuyến mại chỉ cần một bản khai theo Mẫu số 01, nhưng tại điểm số 11 của Mẫu 01 lại yêu cầu phải nộp thêm các thoả thuận, hợp đồng khi nhiều thương nhân phối hợp thực hiện hoạt động khuyến mãi. Tương tự, Điều 19.4 về hồ sơ đăng ký hoạt động khuyến mại và Mẫu số 02 cũng có yêu cầu thêm thành phần hồ sơ. Trong trường hợp DN phân phối qua hàng trăm, nghìn đại lý thì cũng phải nộp hợp đồng, thoả thuận với hàng trăm, nghìn đại lý này, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Mẫu số 07 của Nghị định này cũng yêu cầu DN phải nộp thêm Biên bản thực hiện phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng. Quy định này khiến DN buộc phải thực hiện thêm công đoạn lập biên bản mỗi lần có khách hàng trúng thưởng. Điều này vô cùng vất vả khi mà số lượng khách hàng trúng thưởng lớn. Ví dụ, một chương trình khuyến mãi với phần quà là 10.000 que kem thì DN sẽ phải chuẩn bị 10.000 biên bản trúng thưởng để nộp kèm.
Điều 21.2.a của Nghị định 81 còn yêu cầu DN phải báo cáo việc đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Quy định này phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết cho DN…