Điềm báo cho thế giới từ tình trạng khẩn cấp vì bệnh sốt xuất huyết tại Singapore

0:00 / 0:00
0:00
Singapore cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng 'khẩn cấp' về bệnh sốt xuất huyết do đợt bùng phát dịch đến sớm bất thường.

Nhân viên phun thuốc diệt muỗi tại Singapore tháng 7/2021. Ảnh: CNN

Theo kênh truyền hình CNN, tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc, cao gấp đôi so với con số 5.258 ca trong cả năm 2021. Điều quan trọng là hiện vẫn chưa đến ngày 1/6 – thời điểm bắt đầu mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết trong năm.

Giới chuyên gia cảnh báo đây là một con số tồi tệ không chỉ đối với Singapore - nơi có khí hậu nhiệt đới thích hợp cho muỗi Aedes mang mầm bệnh sinh sôi nảy nở - mà còn đối với những nơi khác trên thế giới. Điều đó phản ánh sự thay đổi của khí hậu toàn cầu sẽ khiến những đợt bùng phát dịch bệnh trở nên phổ biến hơn và lan rộng hơn trong những năm tới.

Sốt xuất huyết không phải là một căn bệnh đơn giản. Nó gây ra các triệu chứng tương tự bệnh cúm như sốt cao, đau đầu dữ dội và đau nhức cơ thể. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể chảy máu, khó thở, suy nội tạng và thậm chí tử vong.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore Desmond Tan nhấn mạnh: “Đang là một giai đoạn khẩn cấp mà chúng ta phải xử lý ngay tức khắc”.

Các chuyên gia lý giải dịch bùng phát ở Singapore trở nên tồi tệ hơn do thời tiết khắc nghiệt gần đây. Dịch bùng phát cũng là dấu hiệu báo trước tình huống tương tự có thể xảy ra ở các quốc gia khác khi ngày càng có nhiều nơi hứng chịu những đợt nắng nóng và mưa dông kéo dài.

“Sốt xuất huyết đã trở thành căn bệnh đặc hữu tại hơn 100 quốc gia”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viết trong một báo cáo toàn cầu về căn bệnh vào tháng 1/2022, nhấn mạnh các ca mắc đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua.

“Không chỉ số lượng tăng lên mà dịch bệnh đã lây lan ra các khu vực mới và xảy ra nhiều đợt bùng phát dữ dội hơn”, WHO cho hay.

Theo tổ chức, năm 2019, thế giới đã ghi nhận kỷ lục 5,2 triệu ca mắc sốt xuất huyết. Các ổ dịch lây lan trên khắp châu Á vào năm đó đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Tại Philippines, hàng trăm người chết và hàng triệu người khác gặp nguy hiểm khi nước này tuyên bố là quốc gia có dịch sốt xuất huyết. Tại Bangladesh, các bệnh viện bị quá tải. Tại Afghanistan, giới chức lần đầu tiên ghi nhận có sự lây lan dịch.

Năm 2020, Singapore ghi nhận đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử, với 35.315 ca mắc và 28 trường hợp tử vong. "Tính đến ngày 28 /5/2022, khoảng 11.670 trường hợp mắc sốt xuất huyết đã được báo cáo, với khoảng 10% trường hợp phải nhập viện", người phát ngôn của Bộ Y tế Singapore nói với CNN.

Người phát ngôn cho biết, số ca nhập viện sốt xuất huyết tại các khoa cấp cứu của bệnh viện đã tăng lên song vẫn ở "mức có thể kiểm soát được”.

Với việc chưa vào mùa cao điểm dịch bệnh, các chuyên gia y tế và bác sĩ như Clarence Yeo Sze Kin chỉ ra nguy cơ năm nay Singapore có thể lập kỷ lục về số ca mắc bệnh.

“Sốt xuất huyết là một bệnh theo mùa. Khi trời trở nên khô nóng, bệnh nhân sẽ nhiều hơn. Bệnh sốt xuất huyết có thể là bệnh đặc hữu nhưng nó không đơn giản để điều trị”, ông giải thích.

Người phát ngôn của Bộ Y tế cho biết hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết không cần nhập viện hoặc chăm sóc đặc biệt, "song một số cá nhân có thể xuất huyết nặng dẫn đến tử vong”.

Các cơ sở y tế Singapore đã được khuyến cáo về việc quản lý lâm sàng đối với các trường hợp sốt xuất huyết và duy trì mức độ theo dõi khi thấy bệnh nhân bị sốt.

Thời tiết nóng ẩm là môi trường cho muỗi mang mầm bệnh sinh sôi nảy nở. Ảnh: CNN

Ruklanthi de Alwis, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Y Duke-NUS kiêm chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở Singapore, cho biết tình trạng gia tăng ca sốt xuất huyết ở Singapore là kết quả của nhiều yếu tố như thời tiết ấm áp cộng ẩm ướt cũng như xuất hiện chủng virus gây bệnh mới.

Tuy nhiên, nữ chuyên gia nhấn mạnh đến yếu tố khí hậu. “Các nghiên cứu mô hình dự đoán trước đây đã chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu sẽ mở rộng các khu vực mà muỗi sinh sôi mạnh cũng như kéo dài mùa truyền bệnh”, bà de Alwis nói.

Cơ quan Khí tượng Singapore cho biết tốc độ nhiệt tăng tại nước này nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Các nhà khoa học thời tiết đã cảnh báo nhiệt độ hàng ngày cao nhất có thể đạt 37 độ C vào năm 2100 nếu lượng khí thải carbon tiếp tục tăng lên.

Nhiệt độ gần đây tại Singapore đã đạt mức cao kỷ lục 36,7 độ C cùng độ ẩm cao vào tháng 5.

Theo nhà khoa học thời tiết và khí hậu Koh Tieh Yong làm việc tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, "thập kỷ qua chứng kiến khí hậy rất ấm áp. Hiện Singapore có thêm 12 ngày ấm hơn so với 50 năm trước”.

Cơ quan Môi trường Quốc gia cho hay Singapore hiện phải đối mặt với tình trạng sốt xuất huyết nghiêm trọng và các ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới. “Việc phát hiện nhanh chóng và loại bỏ các môi trường sinh sản của muỗi là rất quan trọng. Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân kiểm tra nhà và khu vực xung quanh kỹ lưỡng ít nhất một lần một tuần xem có nước đọng không”, cơ quan khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.