Bên cạnh các sản phẩm du lịch biển như nghỉ dưỡng, lặn ngắm san hô, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển… gần đây các trò chơi thể thao biển mạo hiểm được du nhập từ nước ngoài như cano kéo dù bay, môtô nước, thuyền kayak, lướt ván, kéo phao chuối, lặn biển (lặn nông và lặn sâu)… cũng bắt đầu phát triển tại Quảng Nam, trong đó chủ yếu ở các bãi biển du lịch của TP Hội An.
Một nhân viên bán tour tại doanh nghiệp lữ hành Cham Travel (Hội An) chia sẻ, những loại hình trên được du khách nước ngoài lựa chọn nhiều nhất khi đến Cù Lao Chàm hoặc các bãi biển ở Quảng Nam. Giá dao động khoảng 1 triệu đồng/người cho khoảng 15-20 phút bay lượn. Mỗi lượt bay được 2 người.
Tuy nhiên, mới đây tại Bãi Chồng (Cù Lao Chàm, Hội An) đã xảy ra sự cố, một du khách trong lúc thực hiện thao tác hạ dù nhưng va đập vào cano kéo, bị thương, phải đi cấp cứu.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin, trò chơi cano kéo dù bay vừa gây tai nạn cho du khách chưa được Bộ VHTT&DL quy định hướng dẫn hoạt động, nhưng một số doanh nghiệp tự ý tổ chức ở nhiều vùng biển Hội An như Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp); bãi tắm An Bàng (phường Cẩm An); bãi tắm Cửa Đại (phường Cửa Đại).
Ông Trần Sô, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Thể dục và Thể thao (thuộc Sở VHTT&DL Quảng Nam) cho biết thêm, hầu hết các hoạt động thể thao dưới nước ở các điểm du lịch biển Quảng Nam đều chưa được quy hoạch; chưa có khu phân chia rõ ràng, riêng biệt giữa vị trí tắm biển và vị trí hoạt động thể thao… nên khá nguy hiểm cho cả người tham gia chơi lẫn du khách, người dân. Các hoạt động thể thao đa phần đều tự phát. Đặc biệt, nhân viên hướng dẫn các trò chơi mạo hiểm này cho du khách cũng chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật chuyên nghiệp, bài bản mà chỉ tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn và tự tập luyện.
Theo Phòng Văn hóa và Thể thao Hội An, đến nay, Bộ VHTT&DL vẫn chưa ban hành văn bản quy định hoạt động của loại hình thể thao biển mạo hiểm này, nên các cơ quan quản lý vẫn chưa có quy định cụ thể trong việc cấp phép hoạt động kinh doanh. Để chấn chỉnh, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra, UBND TP Hội An yêu cầu doanh nghiệp ngừng ngay hoạt động kinh doanh dịch vụ cano kéo dù bay. Giao Phòng Văn hóa và Thể thao phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc chấp hành của các doanh nghiệp. Đồng thời cũng nêu rõ, trong thời gian tới, khi chưa có văn bản quy định của cơ quan chức năng, nếu doanh nghiệp nào tiếp tục vi phạm, tự ý kinh doanh hoạt động ca nô kéo dù bay sẽ bị xử lý theo quy định.
Ông Trần Sô xác nhận, vì chưa có hướng dẫn chi tiết về việc quản lý, cấp phép từ Bộ, nên lâu nay, các phòng nghiệp vụ của Sở VHTT&DL rất lúng túng.
Trong khi đó, các sản phẩm du lịch kết hợp trò chơi thể thao biển mạo hiểm được xem là một trong những điểm nhấn hấp dẫn để thu hút du khách đến với các bãi biển. Hiện ở Quảng Nam có khoảng 8 doanh nghiệp kinh doanh loại hình thể thao mạo hiểm giải trí trên biển, chủ yếu hoạt động tại các bãi biển ở TP Hội An với các trò chơi như cano kéo dù bay, mô tô nước, phao trượt nước, cano kéo phao chuối, lặn bình dưỡng khí,…
Theo ông Trần Sô, các phòng nghiệp vụ, Thanh tra Sở cũng đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị nên cân nhắc khi đưa vào kinh doanh các dịch vụ này, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Tuy nhiên cũng chỉ dừng ở việc nhắc nhở các trường hợp vi phạm, không đảm bảo an toàn cho khách chứ không thể đình chỉ hay cấm kinh doanh vì không nằm trong diện quy định của pháp luật.
Đáng nói, cũng lời ông Sô, việc lúng túng trong quản lý, cấp phép các sản phẩm du lịch thể thao biển mạo hiểm không chỉ riêng Quảng Nam mà nhiều tỉnh, thành khác ở khu vực miền Trung cũng đang gặp phải. Tại các cuộc họp của các Sở VHTT&DL các tỉnh, thành miền Trung nhiều lần đưa ra trao đổi và đến nay vẫn đang chờ Bộ VHTT&DL có hướng dẫn cụ thể để chấn chỉnh, quản lý.