Ngành chăn nuôi thiệt hại lớn
Theo Bộ NN&PTNT, do bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nên nhiều người dân vì lợi ích trước mắt, vì giá lợn hơi các tháng cuối năm cao nên không quan ngại dịch bệnh, vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
FAO hỗ trợ Việt Nam 500.000 USD ngăn chặn DTLCP
Theo Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO), cơ quan này đang xây dựng dự án hỗ trợ khẩn cấp cho Chính phủ Việt Nam ngăn chặn DTLCP tại Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 500 nghìnUSD.
Trong tháng 3 này, đoàn chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh DTLCP đến Việt Nam để phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm ra giải pháp và đề xuất Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNN các biện pháp khống chế kịp thời dịch bệnh này.
Do phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi là khá phổ biến, nên nếu chủ chăn nuôi sử dụng các sản phẩm thịt lợn dư thừa sẽ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã tham mưu và ban hành rất nhiều văn bản nhằm phối hợp triển khai các giải pháp nhằm đẩy lùi dịch. Đích thân Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì “Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam” tổ chức hồi trung tuần tháng 9 vừa qua.
Các giải pháp đồng bộ và quyết liệt đã và đang được triển khai từ T.Ư đến địa phương cùng với nỗ lực của người dân trong ngăn chặn dịch lây lan. Trong đó, chú trọng tiêu hủy đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP bằng phương pháp chôn sâu từ 3m đến 4m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột theo khuyến nghị của FAO và OIE.
Mục tiêu cao nhất là cô lập, xử lý triệt để các ổ dịch, quyết liệt phòng ngừa, không để dịch tiếp tục lây lan, đồng thời xác định phương án phù hợp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra, sớm khôi phục sản xuất.
Bộ NN&PTNN đã giao Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch cùng phối hợp hoàn thiện chương trình ứng phó bền vững với bệnh DTLCP. Trao đổi với PLVN, ông Đàm Xuân Thành (Phó Cục trưởng Cục Thú y) cho biết, DTLCP gây chết từ từ trên đàn lợn nhiễm bệnh và hiện chưa có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả các loại lợn con, lợn choai, lợn thịt.
Trước khi DTLCP xuất hiện tại Việt Nam, Cục Thú y đã chủ động chỉ đạo các Chi cục thú y địa phương và các cấp vùng, đặc biệt là công tác xét nghiệm các mẫu tại nơi có lợn chết để xác định đúng ổ DTLCP. Đến khi có DTLCP xuất hiện tại 13 tỉnh, TP, Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện. Việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành tại nhiều phòng thí nghiệm, tham vấn quốc tế sau đó mới khẳng định đây là mầm bệnh mới. Khi xảy ra các ổ dịch, ngay lập tức chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn lập tức vào cuộc.
Các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt
Ngay từ khi DTLCP có dấu hiệu lan ra nhiều tỉnh thành, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành công văn đề nghị Cục QLTT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan trên địa bàn thuộc ngành nông nghiệp và Y tế tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và sản phẩm từ lợn.
Báo cáo nhanh của Cục QLTT các địa phương cho thấy, hầu hết các Đội QLTT huyện, TP đều đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn theo dõi nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.
Trong đó chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…
Công văn cũng yêu cầu lực lượng QLTT tập trung lực lượng cho công tác chống dịch, trực tiếp điều động cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, Tổ công tác phòng chống dịch và tham gia các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông do UBND tỉnh thành lập.
Đồng thời chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn huyện, TP tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, xã, thống kê các tổ chức, cá nhân có trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ để tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn
Đăng thông tin sai về dịch tả lợn châu Phi, hàng loạt tài khoản xã hội bị xử lý
Chiều 12/3, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh mời ông Đoàn Hùng Cường (chủ tài khoản facebook Đoàn Cường) đến làm việc về những thông tin đăng tải sai sự thật về DTLCP trên trang cá nhân.
Tại buổi làm việc, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã làm rõ hành vi vi phạm của ông Cường trong việc đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook là vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Điều 8 Luật An ninh mạng.
Với hành vi vi phạm này, ông Cường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 20 triệu đồng vì đã đăng tin sai sự thật về DTLCP theo khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Tại Cà Mau, địa phương này cũng đang xác minh khoảng 2-3 tài khoản mạng xã hội facebook đăng tải thông tin với hàm ý là DTLCP đã về tới Cà Mau và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn.
Ông Nguyễn Văn Đen (Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện tại địa phương không có DTLCP. Ngay trong ngày 13/3, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Cà Mau đã tiến hành thu thập chứng cứ để có hướng xử lý tiếp theo và sẽ nhanh chóng có thông tin chính thức để dư luận không hoang mang.
Trước đó, vào ngày 11/3, chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami đã đến Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) để làm việc về những thông tin sai sự thật đã đăng trên fanpage về DTLCP. Đồng thời chủ tài khoản này phải đăng thông tin cải chính, chịu phạt hành chính 20 triệu đồng.
Vào ngày 8/3, Bộ NN&PTNN đã chính thức có Văn bản 1669/BNN-VP do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký đề nghị Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội…