Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bạc Liêu (BCĐ), chiều ngày 11/6, trên địa bàn xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình có tình trạng heo chết nghi do mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm và đã có kết quả dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi. Như vậy, sau huyện Vĩnh Lợi và TP Bạc Liêu thì huyện Hòa Bình là địa phương thứ 3 của tỉnh này có heo bị mắc dịch.
Cũng theo BCĐ, kể từ khi phát hiện ổ dịch bệnh đầu tiên tại huyện Vĩnh Lợi vào ngày 31/5/2019, cho đến ngày 9/6/2019 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có 45 hộ; 24 khóm, ấp thuộc 11 xã, phường, thị trấn của huyện Vĩnh Lợi và thành phố Bạc Liêu có heo bệnh chết do virut bệnh dịch tả heo Châu Phi; với tổng số heo bệnh, chết và tiêu hủy là 837 con (tổng trọng lượng là 66.844 kg).
Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu tiến hành tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi |
Mặc dù các ngành chức năng đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan qua các địa phương chưa có dịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh.
Trước tình hình trên, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương quyết liệt trong việc khống chế dịch bệnh lây lan theo 02 hướng: Đối với địa phương đang có dịch, ngoài thực hiện các các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên, tập trung thực hiện một số giải pháp như: Xử lý ổ dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, nếu phát hiện heo có triệu chứng bệnh dịch thì tổ chức tiêu hủy kịp thời (đối với các xã đã lấy mẫu xét nghiệm dương tính không cần lấy mẫu nữa, còn những xã chưa lấy mẫu xét nghiệm, nếu có heo mắc bệnh nghi dịch thì lấy mẫu gởi xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và xử lý theo quy định).
Đồng thời, khoanh vùng dịch, xác định vùng huy hiếp, vùng nguy cơ cao để có giải pháp phòng, chống cụ thể; Thành lập đội tiêu hủy chôn heo, đội thực hiện sát trùng ổ dịch và vùng an toàn dịch bệnh riêng; Thành lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn heo và sản phẩm heo từ vùng có dịch ra ngoài vùng không có dịch. Thường xuyên, phân công người có trách nhiệm cấp xã, ấp kiểm tra hố chôn, không để bóc heo lên bán chạy hoặc hố chôn có mùi hôi thối phải xử lý lấp đất cao lên thêm và xử lý vôi bột. Sớm hoàn thành các thủ tục thanh toán cho người có heo buộc tiêu hủy theo quy định; không để gian lận, khiếu kiện trong tiêu hủy, hỗ trợ.
Xịt thuốc tiêu độc, khử trùng trên diện rộng tại các khu vực phát hiện ổ dịch |
Đối với các địa phương chưa có dịch: Thống kê nắm tổng đàn heo thực tế tại địa phương (số lượng heo, số hộ nuôi, số lượng trang trại trên địa bàn) để giám sát chặt chẽ dịch bệnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; khuyến cáo trong thời gian có dịch không tái đàn để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tỉnh cũng chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và thành lập các Chốt kiểm dịch động vật ở đầu mối giao thông từ các tỉnh lân cận nhập heo vào địa bàn và từ vùng có dịch bệnh sang, để kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, lò giết mổ heo và sản phẩm heo trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, về cách nhận biết bệnh dịch tả heo châu Phi, cách xử lý ổ dịch, quy trình tiêu hủy, quy trình sát trùng ổ dịch. Tiếp tục thực hiện sát trùng, tiêu độc diện rộng lần 2; xây dựng kế hoạch kinh phí vật tư phòng, chống dịch không để bị động, bất ngờ khi có dịch bệnh xảy ra.