Ca nhập viện cao bất thường ở Đồng bằng sông Cửu Long
Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhập viện cao bất thường. BS.CK2 Trần Ngô Phúc Mỹ, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, suốt từ tháng 6 đến nay, mỗi ngày BV tiếp nhận từ 20 - 40 bệnh nhân SXH nhập viện; trong đó có nhiều ca nặng với đầy đủ các thể bệnh như: sốc, tái sốc nhiều lần, tổn thương tạng, trong đó tổn thương gan gặp nhiều nhất, kế đến là viêm cơ tim, thể não.
Ngoài ra, thể xuất huyết nặng cũng nhiều hơn các năm trước như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tạng tự phát, ra huyết âm đạo... “Rất nhiều ca bệnh nặng từ các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… được BV tuyến dưới chuyển đến BV cấp cứu”, bác sĩ Mỹ nói.
Cũng theo thống kê của BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, tính chung 4 tháng cao điểm của dịch SXH (từ tháng 6 đến hết tháng 9/2022), BV này đã tiếp nhận điều trị tổng cộng 1.413 ca SXH, tăng gấp gần 26 lần so với cùng kỳ năm 2021 (chỉ ghi nhận 55 ca). Cũng trong 4 tháng trên, BV ghi nhận 307 ca SXH sốc, biến chứng nặng; đặc biệt là có 40 ca mắc SXH là phụ nữ mang thai.
Tại Tiền Giang, mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng SXH vẫn tăng nhanh. Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, bệnh SXH (Dengue) trên địa bàn đang gia tăng nhanh. Tính từ ngày 26/9 đến ngày 5/10, Tiền Giang đã ghi nhận 7.096 ca mắc SXH, tăng 356% với cùng kỳ.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Võ Thanh Nhơn, dịch bệnh của quý 4/2022 vẫn còn diễn biến phức tạp, phải tiếp tục tăng cường kiểm soát. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã có 4 ca tử vong do SXH. Số ca nặng do SXH năm nay đã tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Sở Y tế Tiền Giang đã triển khai hoạt động giám sát chặt chẽ, cấp cứu, điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh; tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.
Đồng thời, Sở Y tế Tiền Giang đã tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Theo bác sỹ Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh tăng cao. Trong 9 tháng qua, An Giang ghi nhận 13.200 ca SXH, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng 210% so với trung bình 5 năm (2016 - 2020); 10/11 huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng (trừ Tri Tôn) vượt cao so với cùng kỳ. Tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do SXH.
Bác sỹ Trần Quang Hiền đánh giá năm 2022 là chu kỳ dịch của các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực này đang tăng cao trong nhiều tuần gần đây. An Giang là tỉnh có sự lưu hành các chủng virus SXH đã nhiều năm, nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới, nhất là trong ở các trường học.
Đà Nẵng có số ca mắc cao nhất trong vòng 5 năm
Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận 1.056 ca mắc SXH, tăng 19 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong những tuần gần đây, số ca mắc liên tục tăng cao, mỗi tuần có hơn 100 ca mắc mới. Đến thời điểm hiện tại, tuy chưa có trường hợp tử vong do SXH nhưng đã có một số bệnh nhân chuyển biến nặng phải chuyển tuyến trên.
Tỉnh Quảng Trị đang tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch SXH; các biện pháp xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định, thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp chuyên môn theo quy định hướng dẫn của Bộ Y tế; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, diễn biến ổ dịch để có biện pháp khống chế kịp thời khi có lây lan…
Liên tục 2 tuần qua, tuần nào Đà Nẵng cũng ghi nhận hơn 200 ca mắc SXH Dengue. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận gần 6.300 ca mắc SXH, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Các địa phương ghi nhận nhiều nhất vẫn là các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ lẻ ở các quận, huyện. Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã thành lập các đội công tác xuống hiện trường đánh giá tình hình và có các biện pháp xử lý theo từng khu vực ổ dịch: “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã tăng cường cán bộ của trung tâm cùng với các trung tâm y tế, các trạm y tế xuống giám sát và xử lý các ổ dịch theo quy định. Đồng thời, cùng với các cán bộ các tuyến xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình thực tiễn trước xử lý cũng như sau xử lý”.
Trước tình hình dịch SXH có xu hướng gia tăng, ngành Y tế khuyến cáo, hiện bệnh SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Khi bị các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như đột ngột sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, thường kèm theo buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế. Người dân không nên tự ý mua thuốc uống cho qua cơn sốt, tránh tình trạng để bệnh diễn tiến nặng, diễn tiến sốc không được phát hiện, xử lý kịp thời…
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu