Dịch Covid sáng ngày 8/9: Theo WHO đây không phải là đại dịch cuối cùng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến sáng ngày 8/9 (giờ Việt Nam), toàn cầu ghi nhận 27.484.588 người nhiễm Covid-19, trong đó có 896.796 tử vong. 

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (75.022 ca), Mỹ (23.229 ca) và Brazil (10.188 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.129 ca), Brazil (274 ca), Mỹ (259 ca), Mexico (232 ca) và Colombia (203 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

WHO: Đây không phải là đại dịch cuối cùng

Ngày 7/9, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng thế giới phải chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo khi ông kêu gọi các nước đầu tư vào y tế công.

Theo thống kê của Reuters, đến nay hơn 27 triệu người đã mắc Covid-19 trên toàn cầu kể từ lúc các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc vào tháng 12/2019.

"Đây sẽ không là đại dịch cuối cùng. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các đại dịch là một thực tế của cuộc sống. Nhưng khi đại dịch tiếp theo xảy ra, thế giới phải sẵn sàng và sẵn sàng hơn lần này", ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ.

Indonesia dành ra hơn 250 triệu USD đặt mua trước vắc-xin

Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartanto của Indonesia ngày 7/9 cho biết nước này đã dành ra 3.700 tỉ rupiah (251 triệu USD) để thanh toán trước cho hợp đồng mua vắc-xin ngừa Covid-19, theo báo Jakarta Post.

"Một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong năm tới là có được vắc-xin ngừa Covid-19. Năm nay chúng tôi đã dành ra 3.700 tỉ rupiah cho vắc xin. Năm tới chúng tôi sẽ dành ra 37.000 tỉ rupiah cho một chương trình kéo dài nhiều năm" - ông Airlangga Hartanto nói.

Hiện chính phủ Indonesia quan tâm đến một số loại vắc-xin tiềm năng đang được phát triển. Đầu tiên là vắc-xin Merah Putih đang được Bộ Nghiên cứu và công nghệ, và Viện Sinh học phân tử Eijkman phát triển.

Hai là loại vắc-xin đang được công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma hợp tác với hãng dược Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Ba là loại vắc-xin do Tập đoàn 42 (G42) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) phát triển.

"Chúng tôi có kế hoạch mua 290 triệu liều vắc-xin của Sinovac trong năm tới và 30 triệu liều vắc xin của G42 trong năm nay", Bộ trưởng Airlangga Hartanto nói.

Nga bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho tình nguyện viên

Nga sẽ thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên các tình nguyện viện trong tuần này, trước khi phân phát cho các nhóm đặc biệt trong xã hội.

"Chúng tôi sẽ khởi động đợt tiêm vắc-xin cho những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba trong tuần này", Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thông báo hôm 7/9.

Giới chức y tế Nga cho biết vắc-xin Covid-19 hoàn chỉnh sẽ được ưu tiên triển khai cho những nhóm đặc biệt trong xã hội như nhân viên y tế và giáo viên, sau đó mới triển khai tiêm chủng đại trà cho cư dân toàn quốc.

Châu Âu tiếp nhận liều vắc-xin đầu tiên cuối năm 2020

Phó Tổng vụ trưởng về y tế và an ninh lương thực của Ủy ban châu Âu (EC), bà Sandra Gallina ngày 7/9 cho biết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tiếp nhận các liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên vào cuối năm nay và nhiều loại vắc-xin có thể sẵn sàng sử dụng trong giai đoạn đầu năm 2021.

"Có lẽ từ nay tới cuối năm, vào tháng 11 hoặc tháng 12, chúng ta bắt đầu nhận được những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên", bà Sandra Gallina tuyên bố.

Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của nhà sản xuất dược phẩm khổng lồ AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN.
 Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của nhà sản xuất dược phẩm khổng lồ AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN.

Bà nói thêm sẽ tùy thuộc các nước thành viên quyết định ai sẽ là người đầu tiên được tiêm vắc-xin. Bà cho biết giá của vắc-xin sẽ từ 5-15 euro mỗi liều để đảm bảo tất cả quốc gia thành viên EU có khả năng chi trả, theo Kuna.

Bà Gallina nhấn mạnh những công ty tham gia phát triển và sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ phải chịu trách nhiệm theo các luật hiện hành và nếu xảy ra sai sót gì đó, họ có thể bị đưa ra tòa án.

Để có được quyền mua vắc-xin phòng Covid-19, EC đã phải thanh toán trước cho các hãng dược phẩm để chi trả một phần cho các rủi ro về đầu tư và để giúp tăng cường khả năng sản xuất vắc-xin. Tuy nhiên, khi vắc-xin đã sẵn sàng được cung cấp thì chính các nước thành viên EU sẽ phải mua và quyết định nhóm đối tượng nào sẽ được tiêm phòng đầu tiên.

Đọc thêm

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.