“Bỗng dưng muốn khóc” vì 80% du khách hủy tour
Sau vài tháng “nghỉ Tết Covid”, các hãng lữ hành nhộn nhịp nhận đặt tour của du khách nội địa đúng vào tháng cao điểm (nghỉ hè), nhất là khi Tổng cục Du lịch phối hợp với các tỉnh, thành phát động kích cầu du lịch nội địa: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Các hãng lữ hành hy vọng dịp hè này có thể nhận nhiều khách để bù lỗ phần nào vài tháng “nghỉ Tết Covid”. Chưa kịp mừng, dịch Covid-19 trở lại tại Đà Nẵng rồi lan ra một số tỉnh thành khác khiến các hãng lữ hành “chết đứng”.
Những diễn biến mới của dịch ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Nam… đã tác động rất lớn đến tâm lý của khách du lịch và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Khách đồng loạt hủy tour, hủy dịch vụ du lịch trong tháng 7, tháng 8, tháng 9 khiến các công ty du lịch choáng váng.
Theo thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp du lịch, có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ như khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan… của các doanh nghiệp như Lữ hành Saigontourist, Vietravel, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, TST, Đất Việt… bị hủy.
Ví như, Công ty Vietravel trong 2 ngày 26 và 27/7 đã bị hủy 20.970 chương trình du lịch với doanh thu dự kiến 88,6 tỉ đồng; Lữ hành Saigontourist hơn 10.000 chương trình du lịch bị hủy; các doanh nghiệp khác như: Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, TST, Đất Việt… cũng bị hủy khoảng 5.000 chương trình du lịch.
Dự kiến ngày 20 - 25/8, Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS sẽ đón đoàn khách hơn 400 người từ Hà Nội, TP HCM đến Đà Nẵng du lịch và tham quan một số điểm tại Đà Nẵng, Hội An, Huế. Để chuẩn bị, đơn vị lữ hành này đã đặt phòng khách sạn, xe, nhà hàng, tuy nhiên đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát bất ngờ, các đoàn khách đều hủy tour.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Fivestar Travel cho biết, từ ngày 29/7 đến nay, gần 300 khách đã đặt tour trong tháng 8 báo hoãn, hủy tour. Công ty cũng tư vấn thường xuyên cho khách về tình hình dịch bệnh. Hiện một loạt địa phương như Phú Yên, Bình Định… thông báo đóng cửa các điểm di tích, hạn chế nơi đông người nên có tổ chức tour cũng sẽ không thực hiện được. Do đó, từ cập nhật thông tin các địa phương để từ đó có chính sách hoãn hủy tour sao cho đảm bảo quyền lợi của khách. Từ 31/7, công ty cũng cho nhân viên làm việc tại nhà xử lý các công việc liên quan cho đến khi tình hình khả quan hơn.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sự kiện kích cầu du lịch “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” dự kiến diễn ra từ 31/7-5/8 cũng đã phải tạm dừng.
Đối với những khách thực hiện hoãn, hủy tour, một số hãng lữ hành chuyển hướng cho khách từ Đà Nẵng đến các điểm Huế, Quảng Trị, Tây Nguyên. Đồng Bằng sông Cửu Long, Phú Quốc, Côn Đảo… để tránh gây thiệt hại cho du khách.
Bà Bích Huệ, đại diện Flamingo Redtours gợi mở: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho khách hàng để chuyển đổi sang hành trình khác. Tuy nhiên, việc đổi sang hành trình khác thì phía công ty không thể đơn phương quyết định. Điều này còn phụ thuộc vào những đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, khách sạn... Tất nhiên, dù là phương án nào cũng phải ưu tiên đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của khách lên hàng đầu”.
Nhiều du khách hủy tour, đòi lại tiền đặt cọc khiến các hãng lữ hành điêu đứng |
Quay cuồng khi du khách khăng khăng đòi trả tiền đặt tour
Tuy đã tư vấn cho các du khách chuyển tour, tuyến điểm khác an toàn nhưng hầu hết du khách đều từ chối đòi lại tiền đặt tour. Hiện các doanh nghiệp phản ánh tình hình hủy tour không chỉ riêng các địa phương có dịch bệnh mà cả những điểm đến là các địa phương chưa có ca nhiễm. Khi hủy tour, đa số khách yêu cầu công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào thời gian thích hợp. Điều này đã làm cho các hãng lữ hàng rơi vào thế “bĩ cực”.
Ông Nguyễn Hoài Ân, Phó Giám đốc Hà Thái Travel chia sẻ: “Hiện nay, các công ty du lịch, lữ hành đang rất kẹt vì điều kiện hoàn, hủy của các hãng hàng không rất khắt khe và chỉ áp dụng cho các đường bay đến, đi Đà Nẵng và đổi miễn phí một lần duy nhất, áp dụng chênh lệch giá, khởi hành mới muộn nhất hết tháng 10/2020.
Trong khi đó hiện nay không chỉ đường bay Đà Nẵng, các đường bay khác trong cả nước khách hủy hàng loạt, các công ty đang khổ sở vì tiền cọc vé đã chuyển, thậm chí đã tất toán rồi. Có rất nhiều hãng hàng không, khách sạn đang “giam” hàng chục, hàng trăm triệu hoặc cả tỉ đồng tiền cọc, giờ không biết xử lý thế nào. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ của các hãng hàng không, khách sạn và cả của khách hàng”.
Cũng “rối ruột” như ông Nguyễn Hoài Ân, ông Nguyễn Như Nam, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Travel Mart than: “Khó nhất là việc hoàn tiền cho khách hủy tour. Tiền khách trả dịch vụ đã được doanh nghiệp lữ hành trả cho các bên cung ứng như khách sạn, vé máy bay, dịch vụ vận chuyển đường bộ… Tuy nhiên, hiện nay tiền còn vướng ở các nhà cung ứng dịch vụ, chưa thể trả lại ngay được”.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết: “Các công ty lữ hành phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng lại không được hoàn các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… đặc biệt là các hãng hàng không”
Chị Nguyễn Như Thanh - một nhân viên Công ty du lịch V.A mệt mỏi: “Suốt tuần nay, ngày nào tôi cũng phải nghe hàng chục cuộc điện thoại đòi hủy tour và đòi trả hết tiền. Tôi đã giải thích, các tỉnh thành đó chưa có dịch thì nếu du khách muốn hủy thì công ty không hoàn trả lại tiền, thay vào đó là “bảo lưu” chuyến đi vào dịp khác.
Với những vùng có dịch, chúng tôi đã tư vấn du khách chuyển hướng đi du lịch các tỉnh khác vào thời điểm do khách lựa chọn. Bởi tiền họ đặt tour chúng tôi đều trả cho khách sạn, hàng không, ô tô vận chuyển. Chúng tôi rất muốn hoàn trả tiền cho du khách nhưng đều “bó tay”. Có không ít khách đã tới công ty bức xúc, chửi bới chúng tôi là “đồ lừa đảo”. Cứ “khủng bố tinh thần” như thế này, chắc chúng tôi phải xin nghỉ việc”.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, trước “bão” Covid-19 lần thứ nhất, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã đứng bên bờ vực phá sản nay lại “bão” nữa, họ khó có thể trụ được.
Cần lắm sự ủng hộ của các bên
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, cần có sự vào cuộc và cùng chia sẻ khó khăn của 3 bên: Lữ hành, hàng không và hệ thống cung cấp dịch vụ (lưu trú, điểm đến). Các hãng hàng không cần có chính sách cụ thể trong việc hoàn hoặc hoãn chuyến đối với các khách đoàn. Các cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên mở rộng thời hạn đón khách để những khách không thực hiện được chuyến du lịch thời gian này có thể đi vào thời điểm khác với giá trị tiền không đổi.
Bà Giang Biên, Công ty CPTM và du lịch Thiên đường Á Châu- Pattours cho hay: “Chúng tôi đã kiến nghị lên Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam để đề xuất với các hãng hàng không được bảo lưu vô thời hạn vé và áp dụng với tất cả các chặng bay chứ không phải chỉ bay đến, đi từ Đà Nẵng”.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch cho hay: “Qua nắm bắt tình hình ở các địa phương, doanh nghiệp, chúng tôi được biết hiện nay có những công ty chỉ tính trong tháng 8 đã có hàng chục nghìn khách hủy tour. Đây là thời điểm các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại vượt qua giai đoạn khó khăn và sớm phục hồi”.
Ngày 29/7 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã ký ban hành công văn số 982/TCDL-LH gửi Sở quản lý du lịch các địa phương yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.
Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu các Sở quản lý du lịch kịp thời chỉ đạo, vận động, tuyên truyền doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn cùng hợp tác với đối tác, khách du lịch, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy, đổi chương trình du lịch đã ký kết, những tình huống bất khả kháng do tác động của dịch bệnh gây ra.