EU hoãn phê duyệt vaccine của Moderna
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 4/1 đình chỉ phê duyệt vaccine của Moderna, dù đã tiến hành một cuộc họp đặc biệt trong bối cảnh chỉ trích gia tăng về việc khối triển khai vaccine chậm chạp. EMA cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán vào 6/1 để xác định có "bật đèn xanh" cho loại vaccine thứ hai được sử dụng ở EU hay không.
Dù đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech vào ngày 27/12, tiến độ của EU vẫn chậm hơn nhiều so với Mỹ, Anh hay Israel. Ủy ban châu Âu trước đó bảo vệ khối này trước chỉ trích về việc triển khai chậm chạp, và cho biết kế hoạch của họ sẽ khiến EU vượt qua "những khó khăn phát sinh".
Vacine Pfizer/BioNTech hiện là vaccine duy nhất hiện được phép sử dụng ở EU từ khi được EMA cấp phép nhanh chóng ngày 21/12. Mỹ sử dụng loại vaccine này bên cạnh vaccine của Moderna, trong khi Anh mới đây cũng đã phê duyệt thêm vaccine của AstraZeneca.
Thái Lan kêu gọi người dân ở trong nhà
Theo Reuters, Thủ tướng Thái Lan ngày 4/1 kêu gọi người dân ở trong nhà để giúp kiềm chế đợt bùng phát virus corona lớn nhất ở nước này và để tránh phong toả nghiêm ngặt. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giới chức Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong ngày, 745 ca.
Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố 28 tỉnh, gồm cả thủ đô Bangkok, là khu vực có nguy cơ cao và đề nghị người dân làm việc tại nhà, tránh tụ tập, di chuyển ngoài biên giới tỉnh. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói: “Chúng tôi không muốn phong toả toàn quốc vì chúng tôi biết vấn đề ở chỗ nào, vì vậy bạn hãy phong toả chính mình. Điều đó phụ thuộc vào tất cả mọi người. Nếu chúng ta không muốn bị nhiễm virus, hãy ở trong nhà 14-15 ngày”.
Thái Lan ghi nhận 8.439 ca nhiễm virus, 65 ca tử vong vì Covid-19. Hầu hết các ca nhiễm mới ở nước này liên quan tới một ổ dịch bùng phát trong nhóm các lao động di cư ở tỉnh Samut Sakhon, phía tây tam Bangkok.
Anh tái phong tỏa toàn quốc
Thủ tướng Anh Boris Johnson tối 4/1 thông báo tái phong tỏa toàn quốc, kêu gọi người dân ở nhà và đóng cửa trường học để kiểm soát biến chủng Covid-19 siêu lây nhiễm. Thủ tướng Johnson cho rằng biến chủng Covid-19 mới đang lây lan với tốc độ rất nhanh, buộc London áp dụng những hành động kịp thời để chặn đà lây lan và ngăn hệ thống y tế vỡ trận trước khi chương trình tiêm chủng vaccine đạt số lượng cần thiết.
Theo lệnh phong tỏa mới, toàn bộ cửa hàng không thiết yếu và cơ sở tiếp đón khách sẽ tiếp tục đóng cửa. Trường tiểu học và trung học sẽ đóng cửa từ ngày 5/1, chỉ tiếp nhận học sinh dễ tổn thương hoặc con của những lao động thiết yếu trong xã hội. Biện pháp mới này đồng nghĩa với việc khó tổ chức những đợt thi cuối cùng cho học sinh vào mùa hè, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giáo dục trong hai năm liên tiếp.
Thủ tướng Johnson cho biết các lệnh phong tỏa có thể được nới lỏng từ giữa tháng 2, nếu chương trình tiêm vaccine diễn ra theo kế hoạch và số ca tử vong mới giảm dần. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến cáo cẩn trọng với mốc thời gian này và kêu gọi người dân tuân thủ quy định hạn chế.
Trong thông điệp năm mới đêm 31/12, Johnson cho biết Anh phải đối mặt với "cuộc chiến khó khăn" trong những tháng tới, nhưng tin rằng quốc gia này sẽ "thoát bóng ma" Covid-19 trong năm 2021.
Bê bối cướp lượt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Ba Lan
Bộ Y tế Ba Lan đã mở một cuộc điều tra sau khi có tin 18 nhân vật nổi tiếng, gồm nhiều diễn viên, cướp lượt để tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Ba Lan khởi động chương trình tiêm chủng vào 27/12/2020 với các nhân viên y tế được ưu tiên tiêm trước. Tuy nhiên, vào ngày 30/12 một số nhân vật lại được tiêm vắc-xin tại bệnh viện Đại học Y Warsaw.
Một số người được tiêm vắc-xin trước cho hay, họ được đề nghị tiêm để sau đó tham gia vào một chiến dịch quảng bá vắc-xin. Hầu hết các diễn viên cướp lượt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đều trong độ tuổi 60-70.
Nhiều nhân viên y tế đã tỏ ra bất bình về vụ việc trên và Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho hay, ông phẫn nộ khi biết thông tin về bê bối này.