Mexico ký thỏa thuận mua 35 triệu liều vaccine
Chính phủ Mexico đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc, mua 35 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Cho đến nay, Mexico đã ký thỏa thuận mua tổng số 146,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca, Pfizer và CanSino Biologics, trong đó có 34,4 triệu liều từ Pfizer. Bộ Y tế Mexico cho biết nước này sẽ triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng này, trong đó ưu tiên cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Theo kế hoạch, Mexico sẽ tiếp nhận 250.000 liều vaccine đầu tiên của Pfizer ngay trong tháng 12 này.
Theo đánh giá của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tình hình dịch Covid-19 tại Mexico hiện rất nghiêm trọng, đồng thời khuyến cáo chính phủ nước này cần triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm và tử vong gia tăng như hiện nay.
Mexico là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận trên1,2 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 111.000 ca tử vong, đứng thứ 11 thế giới về số ca nhiễm và thứ 4 thế giới về số ca tử vong.
Số ca nhiễm mới ở Đức lên mức cao kỷ lục từ đầu dịch
Tình hình dịch bệnh ở Đức ngày càng trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đạt mức cao kỷ lục từ đầu dịch với 28.179 ca.
Giới chức y tế Đức cho rằng tình hình đang hết sức đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới tăng theo cấp số nhân, đồng thời cho rằng các biện pháp kiềm chế dịch hiện nay là chưa đủ hiệu quả. Hiện tổng số ca tử vong do mắc Covid-19 tại Đức đã lên tới hơn 21.200 người, trong đó cá biệt có những ngày ghi nhận tới gần 600 ca tử vong.
Số ca nhiễm và tử vong tại Pháp tiếp tục tăng cao
Giới chức y tế Pháp xác nhận nước này có thêm 13.750 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua. Tính đến hết ngày 10/12, Pháp ghi nhận tổng cộng 2,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 56.940 ca tử vong (sau khi có thêm 296 ca tử vong trong ngày 9/12).
Thông tin này khiến dư luận quan ngại về kế hoạch nới lỏng hạn chế xã hội mà Chính phủ Pháp dự kiến sẽ thực hiện vào giữa tháng 12 này. Trước đó, ngày 28/11, Pháp bắt đầu giai đoạn đầu tiên của chiến lược mở cửa trở lại 3 giai đoạn, trong đó tất cả các cửa hàng không thiết yếu sẽ được duy trì hoạt động, song phải tuân thủ quy định phòng dịch nghiêm ngặt, như đảm bảo giãn cách mỗi khách hàng trên 8m2 sàn cửa hàng, lưu thông một chiều và thông gió tại các cơ sở kinh doanh.
Giai đoạn nới lỏng thứ hai dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 15/12 nếu số ca mắc Covid-19 theo ngày tại Pháp giảm xuống còn 5.000 ca/ngày và số ca bệnh nặng cần điều trị đặc biệt ít hơn 3.000 bệnh nhân/ngày.
Ukraine đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh không thiết yếu
Chính phủ Ukraine thông báo sẽ đóng cửa các trường học (ngoại trừ trường mẫu giáo) và những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như rạp chiếu phim trong 2 tuần, kể từ ngày 8/1 tới, nhằm "ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới".
Cụ thể, các phòng tập thể dục, bể bơi, trường tiểu học - trung học và đại học sẽ đóng cửa. Hoạt động biểu diễn ca nhạc và sân khấu tạm thời bị đình chỉ, trong khi các nhà hàng và quán bar chỉ phục vụ khách mua hàng mang đi hoặc dịch vụ giao hàng. Mặc dù vậy, các hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa, khách sạn và giao thông công cộng vẫn được duy trì hoạt động.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine ngày 10/12 ghi nhận 13.371 ca mắc mới Covid-19 và 266 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia 40 triệu dân này đến nay là 858.714 trường hợp, trong đó 14.470 người tử vong.
Hàn Quốc đối mặt nguy cơ thiếu giường bệnh
"Hàn Quốc đang trong tình cảnh ngặt nghèo, khi những nỗ lực chống dịch bệnh của chúng tôi, cũng như hệ thống chăm sóc y tế sắp đạt tới giới hạn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì các trung tâm điều trị và bệnh viện cho những ca bệnh nguy kịch, để họ có thể được điều trị kịp thời", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo nói hôm 10/12.
Reuters dẫn số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, nước này đến nay đã ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm và 564 trường hợp tử vong.