Bệnh dịch hạch bùng phát tại CHDC Congo khiến hàng chục người tử vong
Ngày 19/2, các chuyên gia và giới chức y tế CHDC Congo cho biết 31 người đã tử vong sau khi bệnh dịch hạch bùng phát tại tỉnh Ituri, miền Đông Bắc nước này, cách đây 3 tháng.
Theo ông Patrick Karamura, quan chức phụ trách về y tế tỉnh Ituri, địa phương này đã ghi nhận hơn 520 ca mắc bệnh dịch hạch, trong đó 31 ca tử vong. Trong số các ca bệnh có 5 ca là bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch viêm phổi và hai bệnh nhân mắc dịch hạch nhiễm trùng máu.
Trong khi đó, các chuyên gia về bệnh dịch học làm việc cho tổ chức phi chính phủ Ecohealth Alliance, cho biết các ca bệnh đã xuất hiện từ ngày 15/11 - 13/12/2020 tại Biringi, vùng Aru của tỉnh Ituri. Các bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 3 tháng tuổi đến 73 tuổi, và độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 13.
Trước đó, hồi tháng 7/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành cảnh báo bệnh dịch hạch bùng phát tại Rethy cũng ở tỉnh Ituri. Bệnh dịch hạch vẫn dai dẳng ở tỉnh này kể từ khi lần đầu tiên xuất hiện từ năm 1926.
Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lây truyền chủ yếu bằng đường máu, từ chuột sang bọ chét rồi đến người. Bệnh cảnh lâm sàng là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng. Tổn thương hạch đặc hiệu, phổi và một số cơ quan khác. Hiện nay, bệnh này có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh.
Indonesia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á
Ngày 19/2, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm gần 50% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục. Indonesia ghi nhận thêm 10.614 ca COVID-19 và 183 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.263.299 ca và 34.152 ca.
Nga cung cấp cho châu lục Liên minh châu Phi (AU) 300 triệu liều vaccine
Cũng trong ngày 19/2, đơn vị chuyên trách vaccine của Liên minh châu Phi (AU) thông báo Nga đã đề nghị cung cấp cho châu lục này 300 triệu liều vaccine, trong đó có cả một gói hỗ trợ tài chính cho những quốc gia muốn đặt mua vaccine Sputnik V. Thông báo nêu rõ vaccine Sputnik V sẽ được cung cấp cho các nước châu Phi trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 5/2021. Thông báo dẫn lới Giám đốc cơ quan ứng phó dịch bệnh của AU, ông John Nkengasong, hoan nghênh đề nghị của Nga, đồng thời khẳng định các đối tác đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những nỗ lực của châu Phi đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Trước đó, AU thông báo đã đặt mua 270 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson, bàn giao trong năm nay. Tính tới nay, mới có khoảng 10 quốc gia châu Phi bắt đầu triển khai tiêm chủng, chậm hơn nhiều so với những quốc gia giàu có hơn đã thực hiện các chiến dịch chủng ngừa nhanh lẹ.
Về phần mình, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) do Anh tổ chức cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) thông báo tăng gấp đôi quỹ ủng hộ cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do Liên hợp quốc khởi xướng nhằm đảm bảo vaccine đến được các quốc gia nghèo hơn. Cụ thể, quỹ của EU sẽ tăng lên 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD). EU cũng cam kết tăng thêm 100 triệu euro ủng hộ cuộc chiến chống COVID-19 tại châu Phi.
Trong khi đó, phát biểu tại họp báo trực tuyến của WHO cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chương trình COVAX đã sẵn sàng khởi động. Khoảng 336 triệu liều vaccine của AstraZeneca-Oxford và 1,2 triệu liều của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới các nước trên thế giới vào cuối tháng 2 thông qua sáng kiến này. WHO đang đợi các nhà sản xuất vaccine thực hiện đúng cam kết của mình.