Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đánh giá những tiềm ẩn, hậu quả do loại hình gọi là chung cư mini tồn tại, HoREA đã nhiều lần gửi văn bản đến các ngành chức năng về tình trạng nhà chung cư mini tại các đô thị.
HoREA nhận thấy trước đây, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90 của Chính phủ không cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thành nhà chung cư mini.
Nhưng đến năm 2010, tại Khoản 3 Điều 43 Nghị định 71 của Chính phủ mới cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thành chung cư mini. Ngay từ khi quy định này được ban hành, HoREA đã nhận thấy quy định này không phù hợp với Luật Nhà ở 2005 và đã có nhiều kiến nghị đề xuất chỉnh sửa nhưng sau đó quy định trên vẫn được luật hoá tại Điều 46 Luật Nhà ở 2014.
Theo ông Châu, quy định này đã làm phát sinh nhiều chung cư mini biến tướng tại các đô thị tiềm ần nhiều nguy cơ rủi ro cho người mua nhà. Do vậy, từ năm 2011 - 2021, Hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị về chung cư mini. Gần đây nhất, vào năm 2021, HoREA đã có 3 văn bản kiến nghị.
Trong đó, vào 19/08/2021 đã có văn bản báo cáo nghiên cứu rà soát một số quy định bất cập của Luật Nhà ở 2014 và kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét sửa đổi Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng xây dựng chung cư mini biến tướng để bán, chuyển nhượng phòng tại các đô thị.
Để giải quyết bất cập trên, Hiệp hội đã từng kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét sửa đổi Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng xây dựng tại các đô thị, như sau: “ Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.
Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín theo Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia về nhà chung cư và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Trường hợp nhà chung cư mà tất cả các căn hộ có diện tích sử dụng tối thiểu và phòng ở theo quy định của Bộ Xây dựng thì chỉ được cho thuê, không được bán, chuyển nhượng từng căn hộ, hoặc từng phòng ở”.
Theo ông Châu, nguyên nhân tiếp theo dẫn đến tình trạng tràn nan chung cư mini là những hạn chế, yếu kém trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở.
"Cũng đã có hiện tượng cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép", HoREA nhận định.
Ngoài ra, còn do biên chế của chính quyền cấp cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, nhất là tại các huyện có dân số lớn (thậm chí tương đương dân số một tỉnh nhỏ) và đang có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do các đầu nậu và một số doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, cá nhân và móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở, để thực hiện các công trình nhà chung cư mini trái phép.
Ý KIẾN CỦA BẠN
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu