Khá nhiều cổ phiếu có giá thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây và xứng đáng để nghiên cứu đầu tư theo quan điểm đầu tư giá trị.
Trong thời gian qua, mặc dù VN-Index không giảm sâu, nhưng giá cổ phiếu giảm rất mạnh, lý do là do các cổ phiếu có vốn hóa cao như BVH, MSN, VNM... được dẫn dắt để tạo ra sự cân bằng. Khá nhiều cổ phiếu có giá thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây và xứng đáng để nghiên cứu đầu tư theo quan điểm đầu tư giá trị.
Tình hình thế giới
Sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lấp lửng công bố dự kiến về một đợt nới lỏng tiền tệ lần 2 (QE2) đã gây ra các hệ lụy tức thời: đồng USD giảm giá đồng loạt so với các loại ngoại tệ khác như Euro, Yên Nhật, đô la Úc...; giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá vàng, dầu, nông sản đồng loạt tăng trên toàn thế giới.
Điều này cũng gợi cho chúng ta khả năng sự bất ổn vẫn có thể xảy ra với kinh tế Mỹ, đồng thời nước Mỹ vẫn tiếp tục tận dụng những lợi thế của đồng USD yếu cho những lợi ích kinh tế cục bộ của mình.
Vấn đề căng thẳng tiền tệ hiện nay là chủ đề nóng trên toàn cầu, bản thân cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa qua được đánh giá là thất bại khi các thành viên đã không tìm ra được tiếng nói chung để giải quyết những bất đồng, được cho là có thể làm bùng lên một "cuộc chiến tiền tệ" giữa các nước trên thế giới.
Căng thẳng tiền tệ sẽ làm mất cân bằng thương mại và nếu điều này diễn ra đủ dài thì những chính sách bảo hộ cục bộ thông qua chính sách tiền tệ của các quốc gia sẽ xảy ra và tình hình sẽ ngày càng trở nên khó giải quyết hơn.
Với các chỉ số chứng khoán chính, SP 500, DJ có quá trình tăng trưởng khá tốt trong hơn 2 tháng vừa qua. DJ đã chinh phục ngưỡng 11.000 điểm và dường như mùa kết quả kinh doanh quý III đang hỗ trợ cho việc duy trì đà tăng trưởng này. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải bắt đầu đợt tăng trưởng từ ngày 30/9 khi có những dấu hiệu của sự ấm lại trên thị trường bất động sản Trung Quốc, chỉ số này đã tăng hơn 10% trong 2 tuần qua.
Nikkei 225 hiện đang trong trạng thái sideway sau khi có một đợt tăng trưởng ngắn khoảng 10%, kể từ khi Nhật Bản bơm tiền đợt 1 với giá trị 25 tỷ USD trực tiếp vào thị trường tiền tệ để can thiệp việc tăng giá của đồng Yên. Hiện khả năng can thiệp đợt 2 vào thị trường tiền tệ của Nhật có thể sẽ xảy ra khi đồng Yên lại tăng giá trở lại...
Tình hình Việt Nam
Diễn biến vĩ mô có những thông tin khá quan ngại, đặc biệt vấn đề tỷ giá, lạm phát, thâm hụt thương mại, vấn đề Vinashin và hình ảnh xấu về nợ công của Việt Nam.
Tỷ giá 20.000 VND/USD ngoài thị trường tự do là mức cao kỷ lục được xác lập. Thực tế trong thời gian qua, VND mất giá so với giá USD (trong khi USD đang bị mất giá trên thế giới) và xu hướng này có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới. Tại sao nguồn USD có vẻ khan hiếm dần, dẫn đến chênh lệch cung - cầu, đẩy tỷ giá có xu hướng gia tăng? Theo chúng tôi, vấn đề này có một số nguyên nhân chính.
1. Nợ công Việt Nam tăng cao, nợ xấu có thể xuất hiện do những trường hợp kiểu Vinashin. Dự trữ ngoại hối theo đánh giá của ADB ngày 15/10/2010 là tương đương 8 tuần nhập khẩu, trong khi mức an toàn là 12 tuần nhập khẩu. Điều này cho thấy khả năng bán USD ra để can thiệp tỷ giá của NHNN là khá khó khăn.
2. TTCK ảm đạm, thị trường bất động sản chưa khởi sắc, giá vàng tăng quá cao dẫn đến nhu cầu trú chân vào đồng USD của NĐT cá nhân tăng thêm.
3. Nhu cầu mua USD để trả nợ của các DN cho các khoản vay bằng USD hồi đầu năm đã và sắp đến kỳ trả nợ.
Vấn đề lạm phát 2 tháng cuối năm cũng đáng lo ngại khi giá cả hàng hóa, thực phẩm... trên thế giới không ngừng gia tăng, sẽ tác động đến giá cả hàng hóa trong nước, DN sẽ gặp những khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vốn vay cao ngoài sức chịu đựng trong thời gian dài dẫn đến áp lực tăng giá đối với sản phẩm đầu ra là hiện hữu. Bên cạnh đó, thiên tai, lụt lội ở các tỉnh miền Trung đang gây ra những hậu quả nặng nề, tăng thêm sức ép lên lạm phát.
Trên cơ sở những khó khăn trên, việc giảm lãi suất ngân hàng có lẽ khó xảy ra trên thực tế.
TTCK Việt Nam
Trong thời gian qua, mặc dù VN-Index không giảm sâu, nhưng giá cổ phiếu giảm rất mạnh, lý do là do các cổ phiếu có vốn hóa cao như BVH, MSN, VNM... được dẫn dắt để tạo ra sự cân bằng. Khá nhiều cổ phiếu có giá thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây và xứng đáng để nghiên cứu đầu tư theo quan điểm đầu tư giá trị.
Theo chúng tôi, sẽ khá phù hợp khi tại thời điểm này đưa ra một số tiêu chí phù hợp với bối cảnh hiện nay về cả mặt thị trường, giá cổ phiếu, tình hình kinh tế vĩ mô... làm nền tảng để tìm kiếm các cơ hội đầu tư theo chiều sâu trong bối cảnh TTCK có thể có những biến động bất ngờ trong thời gian tới.
Các tiêu chí cân nhắc để lựa chọn cơ hội đầu tư: cổ phiếu đầu 1x, 2x để có khả năng có sức bật tăng giá tốt; cổ tức bằng tiền mặt 2010, 2011... có thể so được với lãi suất tiền gửi ngân hàng; giá trị thật, tài sản lớn so với vốn hóa thị trường; có tính thanh khoản tốt; vốn điều lệ vừa phải, từ 100 đến 500 tỷ đồng; có khả năng lướt sóng, đầu cơ trong quá trình nắm giữ; quá trình đầu tư sẽ là buy - hold xen lẫn đầu cơ, lướt sóng...
ĐTCK