Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lại Đình Ngọc cho biết, toàn thành phố hiện có gần 1000 di tích cổ truyền và các địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử hình thành trong các cuộc cách mạng và kháng chiến. Trong đó, chỉ tính riêng di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, Hải Phòng có gần 100 di tích mà phần lớn gắn với các thiết chế đình, chùa, đền, miếu, một số khác được người dân sử dụng. Tuy nhiên, giá trị của một số di tích chưa được phát huy như mong muốn.
Công tác trùng tu, tôn tạo được quan tâm
Theo tài liệu mới nhất của Bảo tàng Hải Phòng, tính đến hết tháng 6-2010, toàn thành phố có 210 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 220 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Hệ thống các di tích này thường xuyên được trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích quốc gia và thành phố.
5 năm trở lại đây, số kinh phí do Trung ương cấp cho thành phố trong công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích ước gần 100 tỷ đồng. Kinh phí từ ngân sách thành phố dành cho di tích cấp địa phương khoảng 5 tỷ đồng. Cùng với nguồn huy động xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng giúp công tác chống xuống cấp các di tích đạt hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, số di tích lịch sử cách mạng kháng chiến cũng nằm trong gần 1000 di tích của thành phố Cảng. Nhiều di tích gắn với thiết chế đình, chùa, song cũng nhiều di tích là tài sản sở hữu của nhân dân và do nhân dân quản lý. Do đó, việc huy động kinh phí xã hội hóa gặp khó khăn. Nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố hoặc chương trình mục tiêu quốc gia cũng mới chỉ tập trung cho các công trình như đình, chùa, miếu…. Nên một số di tích lịch sử cách mạng kháng chiến gắn với nhà dân hầu như chưa có cơ chế dành kinh phí chống xuống cấp và bảo tồn. Mặt khác, một số di tích chỉ có ý nghĩa về mặt địa chỉ như Công ty xi măng Hải Phòng, núi đá Tràng Kênh…. Hầu hết di tích chưa được khai thác hiệu quả để phát huy giá trị.
Căn nhà số 1/42 Mê Linh, trụ sở cơ quan bí mật của Đông Dương Cộng Sản Đảng thời kỳ 1929-1930, cơ sở hoạt động của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thường xuyên trong tình trạng đóng cửa. |
Cần có biện pháp để phát huy giá trị
Không đề cập tới những di tích gắn với các thiết chế văn hóa và địa chỉ du lịch quen thuộc, bài viết này muốn đưa ra ý kiến về việc cần có biện pháp phát huy giá trị một số di tích hiện đang do người dân sở hữu và quản lý và di tích nằm sâu trong các địa phương chưa được phát huy giá trị như mong muốn. Như đình Kim Sơn, xã Tân Trào (Kiến Thụy), đình-chùa Vân Tra xã An Đồng (An Dương), đình Chung Mỹ, xã Trung Hà (Thủy Nguyên), hang Vua, thuộc làng Dưỡng Động, xã Minh Tân (Thủy Nguyên) hay khu di tích lịch sử đầm Bầu thuộc xã Tân Phong (Kiến Thụy)- chiếc nôi lịch sử cách mạng của huyện Kiến Thụy…..
Thực tế trên cho thấy, cần có kế hoạch khai thác trên cơ sở giữ nguyên giá trị di tích. Như đưa một số di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu vào tua tuyến du lịch, tìm hiểu lịch sử, bố trí thuyết minh viên…. Theo đó, với những di tích vẫn thuộc phạm vi sở hữu và sử dụng của người dân, có thể nghiên cứu phương án quy hoạch đền bù để đưa công trình về thành phố quản lý nhằm phát huy hiệu quả. Việc đưa di tích về thành phố quản lý cũng là tiền đề quy hoạch lại hệ thống di tích có giá trị nhằm đề ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử cũng như ý nghĩa và vai trò của di tích trong một giai đoạn kháng chiến./.
Phong Linh