Hình ảnh của các di tích cổ bị người ta “tân trang” chẳng khác nào bắt một cụ bà trăm tuổi đi “cắt mí, xẻ môi, căng da, bơm ngực” trên một thân hình già nua, tiều tụy, tiêu điều. Rồi khoác cho cụ già hàng trăm tuổi ấy những bộ cánh xanh, đỏ với đôi giày gót cao cho… hoành tráng, “hợp xu thế thời đại”.
Đau lòng thay, trước hình ảnh “dị hợm” “chẳng giống ai” của mình, “cụ” di tích không khỏi bàng hoàng, xót xa, kinh hãi, khóc than, còn các “con, cháu” cụ thì lấy làm thích thú, hoan hỉ và tiếp tục “nhân bản” với rất nhiều “cụ” di tích cổ khác tại Việt Nam.
|
Thành nhà Mạc chẳng khác gì một cái lò gạch sau khi được trùng tu |
Những bài học như thành Nhà Mạc cổ kính được tu sửa thành “lò gạch mới” hay thành cổ Sơn Tây… vẫn chưa dừng lại. Việc sửa chùa theo kiểu “thẩm mỹ dị hợm” này một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự trùng tu di tích kiểu đập cũ, xây mới.
Điển hình như công trình tu bổ, tôn tạo chùa Trấn Quốc trên Hồ Tây. Cho tới tận thời điểm dự án được động thổ thì Ban Quản lý vẫn chưa hoàn tất được hồ sơ hoàn chỉnh về kế hoạch tu bổ để trình cơ quan chức năng là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xem xét. Vì thế, hạng mục cầu đá xuất hiện trong bản vẽ của công trình đưa ra đã lập tức gặp sự phản ứng gay gắt từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Nhiều giải thích được đưa ra, thậm chí còn có ý kiến khẳng định việc động thổ này chỉ là “lấy ngày”.
Điều tương tự xảy ra đối với công trình tu bổ, tôn tạo đền Voi Phục. Với tổng mức kinh phí trên 18 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND quận Ba Đình, đền được khởi công tu bổ. Thế nhưng, chỉ nửa tháng sau lễ khởi công, dư luận lại ồn ào về việc nhiều cây xanh, trong đó có một số cây cổ thụ trong khu di tích này bị chặt bỏ trái phép.
Công trình tu bổ, tôn tạo di tích được cấp Bằng kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đình Xuân Tảo, huyện Từ Liêm. Với nguồn vốn đầu tư lên tới nhiều tỷ đồng, song mọi thủ tục về tháo dỡ, thi công tu bổ công trình di tích được xếp hạng cấp quốc gia đều bị bỏ qua.
Cụ thể: không có thỏa thuận của Bộ VHTTDL về việc tu bổ, tôn tạo; không đánh giá kết cấu công trình trước khi hạ giải... Chính điều này đã khiến nhiều mảng chạm, cốn dư, đầu kê... được chạm trổ tinh xảo - một trong những đặc trưng cho kiến trúc nghệ thuật của đình - bị tháo bỏ, thay thế bằng chất liệu mới.
Với di tích đình thờ Chu Văn An, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, sai phạm xảy ra nghiêm trọng hơn khi việc tu bổ đình hoàn toàn không có ý kiến của Bộ VHTTDL nên địa phương đã “hy sinh” lầu bình thơ để lấy đất quy hoạch sân hành lễ. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì mọi sự đã rồi, lầu bình thơ trước kia từng được cho là nơi Chu Văn An cùng học trò đàm đạo văn chương, thơ phú giờ chỉ là đống gạch vỡ.
Còn một khu đền nổi tiếng cách Hà Nội 30 km, nơi thờ 8 vị Vua triều Lý - đền Đô, người dân đã xây dựng mới bức cuốn thư (Chiếu dời đô, chữ Hán bằng gốm sứ Bát Tràng màu xanh trên nền trắng) tại phía trái tam quan đền (dài khoảng 10m, cao 5m) và đặt 2 sư tử bằng đá trên bệ trước cửa sân đền Đô phía giáp hồ. Việc xây bức cuốn thư, đặt sư tử đá và 2 pho tượng vào di tích lịch sử đền Đô không được sự thỏa thuận và đồng ý của Bộ VH-TT&DL, là vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Ở một vài nơi, thay vì phát huy đã vô tình hủy hoại hoặc có bảo tồn nhưng việc làm không đúng với bảo vệ di sản. Điển hình là trường hợp của Quần thể di tích Cố đô Huế, Đàn Nam Giao, di tích Thành nhà Hồ - Thanh Hóa…
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, sau khi quần thể di tích này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, trong khoảng từ năm 1996 đến năm 2010 đã được đầu tư trên 600 tỷ đồng để trùng tu hơn 100 công trình.
Tuy nhiên, không ít người lại tiếc nuối vì nhiều công trình đã trở nên “hiện đại”. Những mái ngói cổ được thay bằng vật liệu hoàn toàn khác, những vết tích xưa cũ được sơn mới lòe loẹt, không ít những chi tiết hoa văn cổ bị bỏ bớt hoặc thiết kế lại. Không chỉ dừng lại ở đó, gần đây nhất là Đàn Nam Giao của Thành nhà Hồ đã được phục dựng bất chấp cơ sở khoa học đang làm buồn lòng những người dân yêu mến di tích này.
Nguyên nhân do một số địa phương làm ẩu trong việc lập hồ sơ chi tiết, xin phê duyệt. Những người trực tiếp quản lý chưa có kiến thức kỹ thuật trong tu bổ di tích và bảo quản các hiện vật... Thêm vào đó, người dân địa phương thường có tâm lý, ước nguyện làm hoành tráng, khang trang, “long lanh” hơn, nên đã đưa một số vật liệu mới vào thi công, đưa các đồ trưng bày hiện đại vào trang trí khiến cho di tích trở nên xa rời với tính chất nguyên bản của nó.
Nói như ông Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) thì "sai phạm trong công tác tu bổ di tích nhiều lắm, kể ra không hết”. Cả nước hiện có hơn 4 vạn “cụ” di tích. Với phong trào “thẩm mỹ dị hợm” diễn ra trên diện rộng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa những di tích rêu phong cổ kính, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Thùy Dương