"Dị nhân" trốn phố

Con đường mưu sinh cũng khiến anh trầy trật, đi hết thất bại này đến thất bại khác. Anh liền bỏ phố phường lên miền núi tìm không gian sống cho mình, xây dựng nó thành một “ngôi nhà sân khấu” rất độc đáo mà anh là diễn viên. Ngôi nhà đó nằm dưới chân núi Mo, thuộc xã Sơn Lâm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Say sưa thổi kèn
Say sưa thổi kèn

Một chàng trai Hà Nội gốc, đam mê nghệ thuật nhưng vì cuộc sống, phải tạm gác lại để mưu sinh. Một ngày kia, con đường mưu sinh cũng khiến anh trầy trật, đi hết thất bại này đến thất bại khác. Anh liền bỏ phố phường lên miền núi tìm không gian sống cho mình, xây dựng nó thành một “ngôi nhà sân khấu” rất độc đáo mà anh là diễn viên. Ngôi nhà đó nằm dưới chân núi Mo, thuộc xã Sơn Lâm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

“Dị nhân” trốn đời
Chàng trai bỏ phố phường, trốn đời lên miền sơn cước đó có tên là Bảo Minh. Anh được anh em bạn bè gọi là “dị nhân núi Mo” vì cách nghĩ, cách sống và cách làm không gian văn hóa rất khác người. Sự khác người đó thể hiện ở chỗ, anh tạo cho ngôi nhà của mình vừa là một nơi trưng bày đồ cổ, đá cổ, tranh đá vừa là nơi bán hàng ăn phục vụ khách tour, khách đường dài trên Quốc lộ 6. Ông chủ Bảo Minh làm đầu bếp, nấu ăn xong sẽ ra thổi kèn trompet giúp họ ăn ngon miệng. Vì vậy mà nhiều người nghe tiếng, khi đi qua đều muốn dừng lại, ghé vào thăm ngôi nhà của Bảo Minh, uống một bình rượu, nghe kèn hoặc nhạc Trịnh Công Sơn rồi tiếp tục lên đường.

Nói về việc làm của mình, chàng “dị nhân” tâm sự: “Tôi thực sự là một kẻ hành khất, trốn đời, đi lên đây tìm đất sống. Và khi đã tìm được mảnh đất để thực hiện ý nguyện của mình thì cũng muốn tạo ra một không gian văn hóa mới lạ. Trước hết là để sống, sau đó mới là phục vụ khách”. Bảo Minh nói rằng, anh trốn phố phường, hay đó là những đổi thay của phố phường đã đẩy anh lên núi. Anh từng có một quá khứ đau khổ, luôn cảm thấy lạc lõng trước cuộc đời. Hai người vợ cũ chẳng làm anh thỏa mãn về tình cảm, chẳng hiểu được tâm sự của chồng.

Cuối cùng chia tay nhau. Chia tay người vợ đầu, anh để lại nhà, chỉ mặc độc một bộ quần áo ra đi. “Tục huyền” với một người đàn bà khác, có với nhau một mụn con, không tìm thấy hạnh phúc, anh cũng ly dị và bỏ lại ngôi nhà mà mình vất vả gom góp tiền mua. Hai bàn tay trắng, anh đi làm từ đầu, dựng nhà, cưới vợ mới. Thế nhưng, cuộc đời anh cứ lận đận và luôn cảm thấy cô đơn trong biển người ồn ã. Lúc đó, anh đang làm thầu xây dựng. Con nợ thì chạy trốn, chủ nợ thì truy tìm, cuối cùng, Bảo Minh lại tay trắng. Năm 1998, anh tìm về chân núi Mo dựng nhà tạm sinh sống, kiếm tiền và xây dựng “ngôi nhà sân khấu” của mình.

Chân núi Mo, nơi anh dựng nhà xưa kia gọi là cánh đồng Gạo, rất hoang sơ vắng lặng, chỉ có lau lách và cỏ cây. Một bên là dòng suối Rồng chảy róc rách. Sở dĩ chọn nơi này là vì Bảo Minh đã nhìn ra không gian đẹp đẽ của nó. Cuộc sống nhiều cơ cực chồng chất. Bảo Minh nói rằng, lúc đó, anh đã phải làm cái công việc mà anh rất ghét đó là vẽ tranh. Anh đã lấy các mẫu tranh Tầu để vẽ lại, bán cho khách du lịch. “Dù biết công việc này chẳng ra gì, nhưng đó là việc làm ít sai trái nhất mà tôi chọn được. Nhưng cái nghề ấy cũng có nhiều thú vị. Khách thích thì họ mua, hỏi giá bán, tôi bảo: Tôi là kẻ ăn xin, anh chị cho thế nào là tùy. Nhưng chẳng ai để cho tôi thiệt. Cuối cùng cũng qua được thời gian đói kém” - Bảo Minh tiết lộ.

Đỡ khó khăn về vật chất, Bảo Minh bắt đầu nghĩ đến chuyện làm giàu không gian sống của mình. Anh lặn lội vào các vùng núi, các hang động để tìm kiếm những viên đá đẹp mang về “thổi hồn” vào, biến những viên đá câm lặng thành những viên đá có tên tuổi, có sức sống và sắp xếp thành  một trình tự hợp lý. Bảo Minh có bộ sưu tập là khoảng 200 chiếc bát và đĩa cổ do anh sưu tầm, mua lại được của dân và nhiều “tay” chơi khác. Ngôi nhà được dựng mộc mạc bằng gỗ, có gian trưng bày cổ vật,  gian bày đá quý, gian biểu diễn đàn và có khu dành cho khách ăn uống.

Ngồi trong không gian văn hóa này, khách không chỉ thưởng thức cái ngon của thức ăn, vị thơm của rượu cần mà còn được xem chính ông chủ biểu diễn, cùng chiêm ngưỡng những món đồ cổ, những bức tranh thư pháp trên đá được khắc tinh vi, kỳ công. Dù chưa ưng ý, nhưng khi nói về không gian của mình, anh Bảo Minh rất tự hào: “Cứ coi ngôi nhà tôi là sàn diễn thì tôi vừa là đạo diễn, vừa là người biểu diễn. Thực sự là tôi vui vì điều này. Tôi đã thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt, và giờ thảnh thơi nơi núi rừng, có chim hót, suối reo, có đá và tình yêu với đá. Còn gì thú vị bằng”

Tuổi thơ không yên tĩnh
Bảo Minh sinh năm 1964 tại Hà Nội, là một người con của đất Tràng An. Anh có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Tú, tên Bảo Minh là do một ông thầy đặt cho, với hy vọng anh giữ được sự sáng suốt khi còn học trong Nhạc viện Hà Nội. Và anh dùng làm tên cho đến bây giờ. Ngày nhỏ, Bảo Minh có năng khiếu vẽ, bố anh muốn con theo học làm họa sĩ nên đã ép con. Bảo Minh không nghe, bị bố từ mặt, anh bỏ nhà đi, được mẹ xin cho vào Cung thiếu nhi Hà Nội và dỗ dành phải học vẽ để vừa ý bố. Năm đó anh mới là một cậu bé 13 tuổi, sống trầy trật bên ngoài, làm đủ việc nặng nhọc như phu hồ, bốc vác để có tiền ăn học, thậm chí chỉ để kiếm bữa cơm cho đỡ đói.

Thời gian này, Bảo Minh rất hiếm khi về nhà vì sợ “đụng độ” với bố. Anh tự nhận mình là đứa con khó bảo và làm những việc mà mình thích, không chịu được sự áp đặt. Vì thế mà tuổi thơ anh, dù còn cả cha lẫn mẹ, có anh em, nhưng phải thiệt thòi về tình cảm.

Ở Cung thiếu nhi, Bảo Minh cũng là một trường hợp lạ lẫm. Một hôm, cậu bé Bảo Minh thấy có lớp học kèn đang thổi tập, liền đến ngó xem. Ông thầy trong lớp nhiều lần thấy cậu bé thập thò ngoài cửa, bèn ra hỏi: “Có học thổi kèn không?”. Cậu bé gật, thầy đưa cho cây kèn trompet, Bảo Minh đưa lên miệng thổi một bài khiến cả lớp ngỡ ngàng. Từ đó ông thầy nhận dạy kèm cậu học trò thích kèn trompet và có năng khiếu này. Khi học xong chương trình ở Cung thiếu nhi, Bảo Minh thi tiếp vào Nhạc viện Hà Nội và gắn bó với cây kèn trompet như một người bạn.

Trong thời gian này, ngoài làm việc kiếm sống, anh cũng mầy mò học Hán tự cổ, đọc nhiều sách của Trung Quốc, đọc văn cổ và nhiều loại sách văn hóa khác. Ra trường năm 1987 anh thấy mình chẳng thể sống được với cây kèn, đành đi làm xây dựng để rồi, cuộc đời có những bước thăng trầm nhức nhối. Hai người vợ, hai vết thương lòng, những tưởng Bảo Minh sẽ chẳng đủ tự tin và dấn thêm vào một cuộc tình mới. Cuối cùng, anh cũng tìm được một người vợ thảo hiền, hiểu và chấp nhận cùng chồng bỏ phố lên rừng, sống khổ cực, gây dựng một mái ấm bình dị, trong một không gian đẹp dịu dàng.

Người phố mang thân phận đá.
Bảo Minh là người biết làm đẹp từ những cái đơn giản nhất, anh có hai câu thơ rất gợi: “Đem găm cái chữ vào trong ấy. Nó bỗng cựa mình toát hồn ra”. Đó là câu thơ anh viết về đá, viết cho đá và cũng là tâm huyết của người giờ đây cả ngày ăn với đá, nằm với đá. Anh còn thành công ở việc khắc chữ thư pháp trên đá, đưa bộ môn “Khoái thạch” vào đời sống, lấy đó làm trục tư tưởng trong cách sống, cách nghĩ của mình. Người khắc chữ trên đá, không chỉ là khắc những ký tự, mà khắc cả cái hồn, làm cho nó không bị phai mờ theo thời gian.

’Người
Người của "thân phận đá"

Đứng trong không gian mình xây dựng nên, Bảo Minh chỉ dẫn cho chúng tôi về tuổi đời và những kỷ niệm gắn với từng viên đá. Chàng “dị nhân” bảo: “Tôi đã tìm thấy không gian của riêng mình. Văn hóa là của mọi người, do con người tạo ra ở mọi nơi, mọi lúc. Tôi là người tự do, thích sáng tạo và trường thành bằng sức lao động của mình. Và tôi bay trong cảm xúc của tôi, trong ngôi nhà của tôi”

Bàn tay Bảo Minh thô ráp, chai sần vì phải lặn lặn lội đào tìm đá quý. Không ai nghĩ một người dáng dấp nghệ sĩ như anh lại “chịu chơi”, mê đá như... “điếu đổ”. Hễ nghe ai nói ở vùng núi nào có đá đẹp là anh tìm vào bằng được. Theo anh, đá cũng có đời sống, có thân phận khi để đúng chỗ, đúng tư thế. Và vì đá, anh có thể hy sinh cuộc sống sung túc, thậm chí, có thể chết vì đá. Chỉ mấy hôm nữa thôi, anh lại đi xa một chuyến để tìm đá cũng những người bạn trên thành phố Hòa Bình. Chuyến đi này hứa hẹn cho anh những thành công, để làm giàu thêm ngôi nhà của mình.

Tiễn khách, Bảo Minh cầm cây kèn, thổi bài “Một cõi đi về”. Tôi  đi xa, vẫn nghe văng vẳng như tiếng suối chảy, tiếng núi rền. Còn nhà thơ ngôi sau xe tôi có cái nhìn đúng chất một nhà thơ: “Đó là tiếng rền của con tim gã dị nhân núi Mo, tiếng rền của một thân phận đá”.

Bài và ảnh Nguyễn Văn Học

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.