1. “Hôm nay trời nắng chang chang
Nếu em nhớ không lầm thì đó là bài thơ em đã đọc ở sách lớp 1 thời em còn là cô bé tí xíu. Tất nhiên, chẳng cô bé, cậu bé nào đi học chỉ với một cái bút chì và một mẩu bánh mì như vậy nhưng đó là hình ảnh đi học như có bước nhảy chân sáo và niềm vui nhẹ nhàng tới trường của nhà thơ Phan Thị Vàng Anh.
Bây giờ thì chẳng còn vậy nữa, hàng ngày những đứa trẻ phải còng lưng tới trường với một cái cặp nặng trĩu, nào các loại SGK, đồ dùng học tập, sách học ở lớp, sách học nhà cô, sách học trung tâm... Thế nhưng hôm qua, một cậu bé lớp hai đi học về với cái cặp nhẹ tênh vì cô giáo bảo để lại sách vở ở lớp. Hỏi tại sao thế, cậu bé nói cô bảo thế... Và lý do đơn giản là có đoàn kiểm tra về cân cặp...
2. Theo một báo cáo mới nhất, tại TP.Hà Nội, tỷ lệ học sinh Hà Nội bị cận thị chiếm khoảng gần 37% và một báo cáo nghiên cứu tại Hải Phòng thì số học sinh bị cận thị chiếm 36%. Nguyên nhân là do thời gian học sinh học thêm, học tối, sử dụng vi tính quá nhiều... khiến mắt các em phải làm việc nhiều, thị lực suy giảm.
Tỷ lệ học sinh cận thị tại Hà Nội khoảng 37%
Tỷ lệ học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm 15 - 25%. Nguyên nhân là kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, tư thế ngồi và mang vác nặng. Hiện học sinh tiểu học phải mang quá nhiều sách. Trên quy định, với 40 kg trọng lượng cơ thể thì học sinh chỉ nên mang dụng cụ học tập nặng tương đương 1/10 cân nặng cơ thể. Tuy vậy, hiện nay nhiều học sinh tiểu học nặng 25kg đã phải đeo cặp nặng tới 4kg.
Một đề tài khác nghiên cứu về thực trạng thể chất sinh viên 19 - 20 tuổi tại TP HCM của TS.Nguyễn Anh Tuấn (ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM) đã đưa ra những so sánh về thực trạng thể chất sinh viên TP HCM với sinh viên một số nước. Nghiên cứu này được thử với 9.575 sinh viên của 18 ĐH, cao đẳng đóng trên địa bàn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chiều cao đứng và cân nặng ở nam và nữ đều kém hơn thanh niên Quảng Tây (Trung Quốc); chỉ số BMI (dùng để tính toán mức độ béo phì) xếp loại bình thường theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới; chỉ tiêu công năng tim xếp loại kém theo bảng phân loại của Ruffier; sức mạnh chân kém hơn thanh niên Singapore; sức mạnh chân và sức bền của sinh viên TP HCM đều kém hơn thanh niên Nhật Bản.
Tại sao bệnh học đường vẫn gia tăng?. Câu trả lời được các chuyên gia chỉ ra rằng do thiếu biên chế cán bộ y tế trường học, thiếu kinh phí trả lương, việc trang bị cho phòng y tế trường học chưa tốt nên các trường không thể làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh...
Đó cũng là nguyên nhân nhưng chưa đủ, quan trọng hơn đó là việc học tập đang trở thành gánh nặng của học sinh, thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của các em ngày ít, cũng góp phần gia tăng bệnh học đường.
Bên cạnh đó, em tự hỏi, phải chăng còn là lỗi của các bậc phụ huynh khi ngày ngày mỗi đứa trẻ phải lao vào vòng xoáy học và học! Và nữa, với các nhà trường, mỗi khi có đoàn kiểm tra về, cặp của các em lại nhẹ tênh, và những đứa trẻ ngây ngô, non nớt chẳng thể hiểu tại sao lại thế...
Miên Thảo