Hiện tại, Việt Nam cũng là một trong số những nước mở cửa dần trở lại “sống chung” với dịch COVID-19 để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây số ca nhiễm COVID-19 ở nước ta liên tục tăng lên nhanh chóng. Nhiều người xuất hiện tâm lý chủ quan, thậm chí còn muốn sớm mắc bệnh để sớm khỏi bệnh. Tâm lý này được các chuyên gia tâm lý đánh giá là vô cùng nguy hiểm, vì dù mắc COVID-19 ở thể nhẹ nhưng những di chứng để lại hậu COVID-19 vẫn còn “đeo bám” con người dai dẳng.
Sức khỏe giảm sút rõ rệt
Là một trong những bệnh nhân mắc COVID-19 từ những tháng cuối của năm 2021, anh Tạ Văn Hòa (Đống Đa, Hà Nội) trở về nhà sau 2 tuần điều trị tại khu điều trị tập trung. Tuy nhiên, ngay từ khi trở về nhà, anh Hòa đã cảm nhận sức khỏe của bản thân đã có những thay đổi rõ rệt từ đường hô hấp cho đến giấc ngủ.
“Tôi mắc COVID-19 thuộc thể nhẹ và không có nhiều triệu chứng. Tôi chỉ mất khứu giác, vị giác, cơ thể uể oải và thở khó. Ở trong khu cách ly điều trị khoảng 2 tuần, tôi có kết quả âm tính được xuất viện và trở về nhà ngày 3/1/2022. Kể từ khi trở về nhà từ tuần đầu tiên tôi đã cảm nhận sức khỏe có sự thay đổi, từ đường hô hấp cho đến giấc ngủ, cụ thể là tôi mệt mỏi, khó thở và mất ngủ. Dù có tìm những phương pháp tập thở nhưng cũng chỉ hỗ trợ được phần nào, còn vẫn ảnh hưởng đến công việc rất nhiều”, anh Hòa chia sẻ.
Đặc biệt, khi tìm hiểu và biết bản thân có những di chứng hậu COVID-19, anh Hòa hết sức bất ngờ, vì anh nghĩ rằng chỉ những người mắc COVID-19 ở thể nặng mới để lại di chứng hậu COVID-19.
Anh Hòa nói: “Trước đó tôi nghĩ chỉ những ai mắc COVID-19 ở thể nặng mới có di chứng hậu COVID-19 nhưng không ngờ sau khi trải qua 2 tuần điều trị bệnh, bản thân tôi thấy thay đổi rõ rệt. Bình thường có thể bê được khúc gỗ, di chuyển lên xuống cầu thang nhưng giờ với tôi những việc đấy cũng gặp khó khăn. Bê đồ nặng một chút thôi là cũng phải nghỉ. Một số người bạn của tôi sau khi mắc COVID-19 cũng chia sẻ là sức khỏe không còn được như trước. Rõ rệt nhất là đều cảm thấy hô hấp khó khăn”.
Anh Tạ Văn Hòa. |
Không chỉ vậy, trước đó anh Hòa có tâm lý giống một số người rằng khi đã “sống chung” với dịch thì trước sau gì cũng sẽ mắc COVID-19. Tuy nhiên sau khi nhiễm COVID-19, tư duy, suy nghĩ của anh Hòa đã thay đổi. Anh đã cố gắng giữ gìn sức khỏe, tránh lây lan dịch bệnh.
Dù mắc COVID-19 thể nhẹ nhưng vẫn để lại di chứng
Theo chia sẻ của TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, các bệnh nhân COVID-19 sau giai đoạn cấp thì đến giai đoạn hậu COVID-19. Có những bệnh nhân nằm viện đến 1 tháng, thậm chí bệnh nhân nằm đến gần 2 tháng mới được ra viện. Sau khi ra viện vẫn phải thở oxi tại nhà.
“Tổn thương nặng nhất khi bệnh nhân mắc COVID-19 là về phổi và hô hấp. Giai đoạn đầu mắc bệnh là sự tấn công của virus, giai đoạn sau là sự tương tác giữa cơ thể và tổn thương về phổi, bởi những tổn thương ở phổi cần nhiều thời gian để hồi phục. Đối với những người bị tổn thương phổi lớn và ở cả 2 bên những trường hợp đó rất khó để qua khỏi, còn những trường hợp khác, cơ thể của họ vẫn huy động được một số vùng phổi đảm bảo tiếp nhận được oxi từ bên ngoài đưa vào cơ thể”, TS Hải cho hay.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hải cũng nhấn mạnh: “Tổn thương phổi hậu COVID-19 là tổn thương quan trọng nhất, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó còn có những tổn thương khác như: Yếu cơ do bệnh nhân nằm điều trị quá lâu tại bệnh viện, dùng thuốc, thở máy kéo dài; Loét do tỳ đè; Đột quỵ; Tâm thần…”.
Đặc biệt, theo bác sĩ Hải: “Ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 thể nhẹ là chưa có triệu chứng tổn thương phổi. Những người này có thể thấy vẫn để lại di chứng hậu COVID-19, cụ thể có những người cảm thấy mất khứu giác, vị giác, chán ăn, mất ngủ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt… Mỗi người có một kiểu rối loạn khác nhau”.
TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19. |
Trước tâm lý chủ quan của nhiều người về dịch COVID-19 do đã phủ vaccine, bác sĩ Hải chia sẻ: “Tiêm vaccine rồi thì nguy cơ chuyển nặng được giảm đi rất nhiều. Đối với mỗi cá thể chưa thể biết được nếu đã tiêm vaccine rồi thì mắc bệnh sẽ chuyển theo hướng nào, có những người tiêm 2 mũi vẫn có thể bị nặng. Vì vậy, cộng đồng nên gìn giữ, thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ chính chúng ta và người xung quanh. Bởi nếu chúng ta mắc COVID-19, có thể chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có thể mang mầm bệnh và lây lan ra cộng đồng”.