Sáng ngày 22/4/2023, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (Mã CK: TCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5 - 6,5%, với khá nhiều biến động cũng như khó khăn tiềm ẩn do cả yếu tố trong nước và quốc tế. Lĩnh vực bất động sản (BĐS) kém sôi động; giao dịch tiếp tục trầm lắng trong hai tháng đầu năm 2023 dẫn tới rủi ro nợ xấu tiềm ẩn của các chủ đầu tư và các ngành liên quan đến lĩnh vực BĐS.
Như đã dự đoán, trong 2 tháng đầu năm, thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên ngay cả với sự can thiệp của Chính phủ, lãi suất vẫn còn ở mức cao. Tín dụng và huy động đều tăng trưởng rất thấp trong 2 tháng đầu năm. Chỉ khi lãi suất giảm ở cả hai đầu, nhu cầu tín dụng mới có thể phục hồi tích cực.
Nhu cầu đối với thị trường trái phiếu tiếp tục ở mức thấp. Nhiều nhà đầu tư do dự không muốn chuyển tài sản từ tiền gửi ngân hàng được hưởng lãi suất cao sang các loại tài sản khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu. Với sự can thiệp của Chính phủ, Nghị định 08 cùng tỷ lệ sử dụng còn rất thấp của các sản phẩm tài chính như trái phiếu, vay mua nhà, bảo hiểm và quỹ, trong khi tích lũy tài sản đã tăng mạnh trong dân chúng, các thị trưởng được kỳ vọng sẽ bắt đầu phục hồi tích cực khi lãi suất và môi trường vĩ mô nói chung ổn định hơn.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank tại ĐHCĐ 2023
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết, vượt kế hoạch nhưng Ngân hàng luôn đề cao việc thận trọng. Techcombank luôn trích lập dự phòng cao và đề cao quản trị rủi ro, trước đó Techcombank là Ngân hàng đầu tiên xử lý xong nợ VAMC.
Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là hơn 23.538 tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, Ngân hàng đặt kế hoạch phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.225 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.