Nét đẹp tâm linh đọng lại sau nhiều biến cố
Thần chủ của đền Xã Tắc là thần Xã (thần Đất) và thần Tắc (thần Ngũ cốc). Xã có nghĩa là “mẹ đất”, vị thần lớn nhất trong năm thổ thần. Tắc là “cốc”, là loài đứng đầu trong “ngũ cốc”. Từ ngàn đời xa xưa, xuyên suốt theo chiều dài hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam đã gắn với nền văn minh lúa nước. Chính vì thế, đất đai và ngũ cốc luôn có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối đời sống sinh hoạt của cả cộng đồng. Đất sinh ra muôn loài, ngũ cốc nuôi sống vạn vật nên trong ý thức con người từ nguyên thủy, những vị thần này có quyền lực vô biên và luôn che chở cho đời sống con người. Tại đây còn thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.
Một cảnh trong Lễ rước thần du xuân |
Không những chứa đựng đậm nét đời sống tâm linh, đền Xã Tắc còn được ghi nhận là một chứng nhân lịch sử. Theo lời kể của các cụ cao niên sống quanh khu vực này, trước kia, Đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Đầu thế kỷ XX, trong một lần bão lớn, Đền bị sạt lở và được nhân dân di chuyển vào trong khu vực Xoáy nguồn với quy mô nhỏ hơn trước.
Đội múa tại Lễ hội đền Xã Tắc |
Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đền bị phá hủy, chỉ còn lại một vài tấm bia và nền móng cũ. Sau năm 1989, trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền Xã Tắc bây giờ được xây dựng trên nền đền cũ bằng sự phát tâm công đức của đông đảo nhân dân, tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền đất nước. Ba pho tượng Thánh được thờ tại đền gồm: Thần chủ Xã Tắc đại vương, Cao Sơn đại vương và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Nằm ở vị trí địa đầu của Tổ quốc, đền Xã Tắc từng là nơi ghi dấu bao thăng trầm, hưng vong của lịch sử, oanh liệt và tang thương, buồn đau và vui sướng. Nhưng dù ở thời nào, dù bĩ cực hay thái lai người dân nơi đây vẫn không quên hương khói, phụng thờ. Đây không chỉ là một địa danh thu hút khách tham quan du lịch, một địa điểm văn hóa tâm linh. Đền đã trở thành một “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ Quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trước trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc.
Những nghi lễ trong lễ hội của đền đã duy trì và tồn tại suốt hơn 5 thế kỷ. Năm 1989, khi quan hệ hai nước Việt - Trung được lập lại, cửa khẩu hai nước được thông thương, một số người dân buôn bán ở Móng Cái đã truyền miệng nhau và đến đây lễ bái. Thấy ngôi đền tuy nhỏ nhưng rất linh thiêng, họ đã cùng nhau đóng góp tiền của để tu sửa lại đền. Dần dần, nơi đây trở lại là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh chính của cư dân sống trên khu vực này.
Bảo tồn đền Xã Tắc- gìn giữ văn hóa vùng biên
Vào năm 2005, đền Xã Tắc được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Người dân địa phương cho biết, lễ hội đền Xã Tắc thường gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ gồm các nghi lễ chính như: Lễ cấp thủy (lấy nước) tại đền Xã Tắc - bến sông Ka Long - ngã ba Soáy Nguồn; lễ mộc dục (tắm tượng) tại đền; lễ nghinh thần (rước thần Xã, thần Tắc du hương/du xuân) theo cung đường từ đền Xã Tắc - đường Tuệ Tĩnh - cầu Hòa Bình - đại lộ Hòa Bình - vòng xuyến Trà Cổ - đường Hùng Vương - cầu Ka Long và trở về đền; lễ an vị tượng tại đàn tế; lễ tế Xã Tắc; lễ dâng lễ vật của các địa phương, các cơ quan, đơn vị, nhân dân trên địa bàn thành phố; lễ cúng chúng sinh; lễ thả thuyền giấy, đèn hoa đăng trên sông Ka Long; lễ xuất tịch tại đền Xã Tắc. Tiếp đó là phần hội gồm các hoạt động trình diễn văn nghệ dân gian, trò chơi truyền thống.
Lễ thả hoa đăng tại Lễ hội đền Xã Tắc . |
Tồn tại với một nét lịch sử văn hóa lâu đời, đền Xã Tắc là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh linh thiêng của cư dân Móng Cái và khách thập phương. Trước kia, ngoài những ngày cúng rằm và mồng một hàng tháng. Hàng năm, tại đền còn diễn ra 5 ngày lễ chính là ngày 16/1, 2/5, 16/8, 16/12, 18/12 (âm lịch).
Năm 2019, lần thứ 2 thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh tổ chức phục hồi Lễ tế Xã Tắc, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đền Xã Tắc, khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc thành phố Móng Cái.
Sự kiện lễ hội lần này không chỉ nhằm bảo tồn, tôn vinh những giá trị của đền Xã Tắc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của nhân dân địa phương. Ngoài ra, lễ hội còn mang ý nghĩa lớn lao hơn khi được tổ chức ngay tại vùng địa đầu biên cương của Tổ quốc với ý nghĩa cầu mong cho quốc thái dân an, giang sơn vững bền, đời đời phát triển.
Lễ rước tại lễ hội |
Qua đó, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Việc tổ chức lễ hội cũng là dịp để quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đền Xã Tắc nói riêng và thành phố Móng Cái nói chung, phục vụ phát triển du lịch.
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại lễ hội tạo nên một nét đẹp tinh thần vững chắc trong đời sống nhân dân |