Vốn là sinh viên ngành Văn học, tôi được nhiều người khuyên đi theo nghề báo. Nhưng tôi vẫn cho rằng mình không phù hợp nên ban đầu vẫn muốn theo đuổi nghề giáo. Tuy nhiên, khi vừa ra trường, tôi đã có cơ hội “thử việc” với nghề báo.
Những ngày đầu bước chân vào làm Báo Pháp luật Việt Nam, tôi thực sự ngỡ ngàng và thoáng băn khoăn, “học văn chứ có học báo chí, học luật đâu mà làm Báo Pháp luật”. Cứ nghĩ chỉ dành 3 tháng trải nghiệm nhưng không ngờ bây giờ tôi lại gắn bó và yêu nghề báo đến vậy.
PV Đình Thương đang tác nghiệp |
Có thể nói, nghề báo giúp tôi cảm nhận và nhìn thấy được muôn mặt cuộc đời mà không một nghề nào khác có được. Trải nghiệm của những người làm báo là những trải nghiệm chân thật, giá trị và rất gần gũi với cuộc sống đời thường của con người. Nhà báo phản ánh thực tế qua những điều mắt thấy, tai nghe và một trái tim đa cảm để phát hiện những đề tài, những vấn đề mà xã hội và con người cần phản ánh. Với nghề báo, tôi thấy thanh xuân của mình đáng sống và đáng giá hơn.
Nói đến nghề báo là nói đến những tác phẩm báo chí và đó chính là “đứa con tinh thần” của nhà báo được “sinh ra” sau những chuyến đi. Chính những chuyến đi đã giúp cho nghề báo trở nên thú vị và nhiều trải nghiệm hơn. Nhờ nghề báo tôi có nhiều điều kiện, cơ hội tiếp cận thông tin, tiếp cận những con người, những câu chuyện để thực sự hiểu và cảm nhận trọn vẹn về quê hương mình và những vùng đất mới. Những chuyến đi đó thực sự sâu sắc, đi để đến, để biết, để hiểu và để kể lại cho bạn đọc nghe chứ không đơn thuần đi như “cưỡi ngựa xem hoa”. Qua đó để kịp thời nắm bắt thông tin thời sự, ghi nhận, đưa tin; tìm đề tài và chất liệu để sáng tạo nên tác phẩm báo chí; lắng nghe và ghi nhận, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân. Công việc của nhà báo là công việc luôn có sự mới mẻ, không nhàm chán, bó hẹp trong một môi trường làm việc cố định. Những người tôi từng gặp, những câu chuyện tôi đã từng nghe và những cảnh đời tôi chứng kiến đều để lại trong những giá trị và bài học khó tả.
PV Đình Thương và các đồng nghiệp tác nghiệp trong đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 |
Nghề báo được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới nên chắc chắn rằng những người chọn nghề báo là không chọn công việc an nhàn, rảnh rỗi mà chọn cho mình một trọng trách lớn lao, một công việc đòi hỏi sự nhanh nhạy, tinh tế và không ngừng rèn luyện, đổi mới. Nhà báo là những con người chấp nhận “dấn thân” để những thông tin “nóng”, mang tính thời sự đến với bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Nghề báo đòi hỏi những người làm báo không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và không bao giờ để những người làm báo lùi bước.
Đất nước ta vừa bước qua khoảng thời gian đầy chông gai và khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Dịch bệnh đã làm đảo lộn mọi trật tự của cuộc sống, khiến người dân sống trong cạnh lo lắng sợ sệt. Những ngày đó, tôi cùng các đồng nghiệp thường xuyên túc trực tại các địa phương có nhiều ca bệnh, các khu các ly tập trung, khu phong tỏa…để tác nghiệp. Nhờ kịp thời có mặt tại những địa điểm này, tôi mới cảm nhận được hết sức ảnh hưởng và tàn phá kinh hoàng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời ghi nhận chân thật, sinh động công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của các địa phương. Tác nghiệp ở những địa điểm này, phóng viên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và nguy hiểm hàng ngày, hàng giờ. Chứng kiến người dân lao động ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương ồ ạt về quê, chứng kiến những câu chuyện đời, những giọt nước mắt bi thương của những người dân lao động xa quê… chúng tôi mới thực sự cảm thấy sự khó khăn, mất mát của người dân trong dịch bệnh.
PV Đình Thương và các đồng nghiệp |
Đến với nghề từ một sự không định trước nhưng qua thời gian tôi lại càng yêu thêm cái nghề vất vả khó khăn đầy thú vị này. Người ta hay nói do “nghề chọn người” hay “người chọn nghề”. Nhưng tôi cho rằng, người chọn nghề cũng phải xem nghề có chọn người hay không và ngược lại. Với riêng tôi, tôi khẳng định nghề chọn người và người cũng chọn nghề.