Câu chuyện đẹp và buồn của vị tiên nữ
Pô Inư-NưGar là Thần mẹ trong tín ngưỡng của người Chăm. Tháp thờ ở Nha Trang là nơi mà Pô Inư-NưGar dậy bảo dân chúng về đạo đức và công việc. Ở vùng Phan Rang cũng có đền thờ PôINư-NưGar từ rất xa xưa.
Câu chuyện về PôINư-NưGar cũng như lịch sử xã hội Vương quốc Champa thời gian đó cho đến nay vẫn còn đượm nhiều màu sắc huyền thoại. Theo cứ liệu từ Ban Quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận dẫn lại dân gian Chăm: Xưa kia tại núi Lăng GiRi (nay là đèo Rù Rì) thuộc xứ Nha Trang, có đôi vợ chồng, người chồng tên là Khang và vợ là KaYang yên ổn làm rẫy trên ngọn đồi Hlâu Tăng, hai ông bà sống với nhau gần cuối đời mà vẫn chưa có một mụn con và sống bằng nghề trồng dưa hấu.
Một sáng nọ, hai ông bà đến thăm rẫy dưa như thường lệ, bỗng ông bà thấy vài ba dấu chân người và một ít dưa rơi rớt lung tung. Liên tiếp ba đêm đều xảy ra như vậy, hai ông bà lấy làm ngạc nhiên, vì nghĩ ngoài mình ra không ai còn sống gần đây. Qua đêm thứ tư, hai ông bà quyết định ở lại rẫy dưa của mình để xem sự thể ra sao.
Vào khoảng nửa đêm, họ bỗng thấy một làn ánh sáng từ trời vụt bay xuống, rồi làn ánh sáng đó hiện nguyên hình một thiếu nữ xinh đẹp. Cả hai bèn chạy lại ôm chặt lấy thiếu nữ rồi nói: “Đây là tiên nữ sai xuống làm con của chúng ta”. Từ khi được vị tiên nữ, họ đặt tên cho nàng là Muk-Yuk, với tất cả sự sung sướng, yêu quý nuông chiều.
Về phía Nam chân đồi có một sông lớn chảy ra biển, giữa sông có một cồn cát trắng mịn, là nơi mà nàng thường đến tắm gội. Trong lúc tắm, nàng thường nghịch bằng cách gác chân trái lên cồn cát và hốt cát ướt rỏ trên mu bàn chân để làm thành những hình tháp cát và hát vui chơi, khi hát xong, nàng liền cười lên và rút chân ra, đống cát vẫn còn trơ lại (có người Chăm cho rằng chính hình ảnh này đã gợi lên việc xây tháp).
Cổng đền Pô INư-NưGar. |
Bỗng một hôm, tại mé sông xuất hiện một cây trầm hương lớn khoảng hơn một người ôm. Nàng lấy làm thích thú bèn ôm cây trầm hương đó làm phao để bơi. Rồi vì mải bơi, nàng đã ra quá xa và sóng to gió lớn đã đưa nàng và cây trầm hương qua tới hải phận xứ Trung Hoa. Nàng biến mình vào thân cây đó và cây trầm hương chìm ngay nơi cửa biển. Thời ấy, nước Trung Hoa bị hạn hán liên tiếp, nhân dân lao vào cảnh đói khát, triều đình lo lắng vô cùng.
Một hôm, vua ra lệnh triệu tập các nhà Chiêm tinh danh tiếng đến để đoán điềm hạn hán. Họ liền tâu tại cửa biển có một cây trầm hương bị chìm nên mới gây ra hạn hán làm cho nhân dân đói khổ. Vua ra lệnh kéo cây trầm lên nhưng không ai làm được ngoài hoàng tử, rồi cho đem cây trầm hương này về trồng ngay tư phòng của chàng vì chàng thấy có một sự huyền nhiệm nào đó trói buộc chàng với cây trầm hương đó.
Từ đó, mưa thuận gió hòa như xưa, muôn dân ấm no sung túc. Về phần hoàng tử, sau khi đem trồng cây trầm hương ở ngay bên phòng thì sinh bệnh tương tư quên ăn mất ngủ, cứ đêm đêm ngồi ngay dưới cây trầm nghe tiếng hát du dương ai oán trong cây trầm hương thoát ra càng làm cho tâm tư chàng thêm sầu não.
Một đêm nọ, trăng thanh gió mát, một thiếu nữ đẹp tuyệt trần từ trong cây trầm hương bước ra, thiếu nữ nhìn chàng và mỉm cười, còn chàng khi nhìn thấy một thiếu nữ đẹp sắc nước hương trời thì tâm thần mê mẩn chợt tỉnh chợt mê. Thiếu nữ nói năng ngọt dịu càng làm cho chàng ta say đắm. Hoàng tử đòi lấy làm vợ và trình vua cha nhưng không được chấp nhận vì chê cô gái “tứ cố vô thân”.
Hoàng tử đau ốm, vua cho vời chiêm tinh đến, và được biết cô gái đó là chính là con trời sai xuống làm con của gia đình người Chàm, trôi dạt sang đây, gá nghĩa cùng Hoàng tử. Vua đồng ý cho con trai lấy cô gái và ngài ra lệnh sửa soạn tiệc cưới trọn 100 ngày. Từ đó, nàng tiên nữ trầm hương tiên là Muk Juk được phong làm công chúa và ở lại cung triều với chồng.
Thấm thoắt đã hơn sáu năm chung sống với chồng nàng, nàng đã hạ sinh được hai người con trai, người con trưởng tên là Quý, con thứ tên là Trí. Về phần Hoàng tử, sau khi lập gia đình với Muk Juk thì chàng thường đem quân đi đánh chiếm các xứ lân bang, nàng đã nhiều lần ngăn cản nhưng chàng không nghe. Buồn lòng, vào một đêm kia, nàng biến mất vào cây trầm hương, bỏ lại hai con và chồng để về quê hương cũ tại xứ Nha Trang. Nơi đây, ở ngọn đồi Hlâu Tăng, bà xây đắp thành lũy, dạy dân biết cày bừa kéo sợi, dệt vải, chữ nghĩa, ứng xử, lễ nghĩa, bùa phép… Rồi bà tự xưng làm Vua, người đời gọi là Pô INư-NưGar.
Người sáng lập ra đất nước Champa
Cũng theo cứ liệu từ Ban Quản lý, Ngôi đền tọa lạc trên gò đất nằm giữa cánh đồng, được xây cất với những vật liệu như: xi măng, cát, vôi, gỗ… Kiến trúc của ngôi đền là một dãy nhà dài theo hướng Đông Tây, cửa chính phía Đông (hướng của Thần linh theo quan niệm của người Chăm) và hai cửa phụ phía Bắc và phía Nam. Ngôi đền chia làm ba gian: gian trước, gian giữa, gian sau. Ba gian này được thông nhau bởi các cửa phía trong.
Gian trước có cấu trúc là một nhà vuông bốn trụ, các vì kèo kết cấu với nhau tạo thành bốn mái, trên nóc mái có đúc hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt”. Phía trong có một pho tượng đang ngồi trên một bệ và tựa lưng vào một tấm bia hai tay đặt lên hai đầu gối, cánh tay và cổ tay có đeo vòng, đầu đội chiếc mũ hình trụ hơi cong về phía trước, thân mình trần, pho tượng có tên là Pô Bia Attakan con gái thứ bảy của Pô INư-NưGar.
Gian giữa là nơi để bày lễ vật là chỗ để các chức sắc quần tụ tiến hành làm lễ. Gian sau có kích thước bằng gian trước. Bên trong có hai pho tượng bằng đá và thạch cao đặt cạnh nhau thể hiện nữ Thần Pô INư-NưGar và cô con gái có tên là Pô Tơk của bà. Pho thứ nhất là một phụ nữ ngồi xếp bằng tròn tựa lưng vào tấm bia, bàn tay đặt duỗi lên đầu gối, đầu đội chiếc mũ hình trụ hơi cong về phía trước, vú to, mặc xà rong, đồ trang sức trên pho tượng có hoa tai, vòng đeo cổ và vòng đeo ở cánh tay.
Theo người Chăm, vị thần Pô INư-NưGar là người sáng lập ra đất nước Champa, dạy người Chăm biết cấy cày, biết trồng bông dệt vải, biết cách ứng xử. Ngài là một vị thần rất đáng kính, hình bóng của Ngài đã ăn sâu vào tâm thức của người Chăm. Đền xây dựng vào thế kỷ XX, cho nên kiến trúc của ngôi đền giống như kiến trúc ngôi đền Việt.
Mặc dù kiến trúc không được tinh xảo như nghệ thuật kiến trúc các tháp Chăm khác, nhưng xét về mặt phục vụ tâm linh tín ngưỡng, ngôi đền thờ vị thần Pô INư-NưGar đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống đối với người Chăm. Hàng năm, tại ngôi đền này thường diễn ra các lễ hội lớn như: Lễ Yôn Yang, lễ Katê, lễ Char Bun. Đặc biệt là lễ Katê diễn ra rất quy mô, sống động. Tập trung nhiều làng (Play) Chăm đến trả lễ và cầu xin ngài phù hộ độ trì, đồng thời có rất nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, chiêm ngưỡng phần lễ và hội.