Cơn sốt lãi suất liên ngân hàng trong hai tuần trước đây phần nhiều xuất phát từ tâm lý đầu cơ nhằm đẩy lãi suất lên cao của một vài ngân hàng.
Khoảng hơn tháng nay, ngân hàng Nhà nước (NHNN) bật đèn xanh việc ngân hàng thương mại dùng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng (TTLNH) để cho vay lại. Việc này chưa tạo ra hiệu ứng hạ lãi suất nhờ khơi thông dòng vốn rẻ trên thị trường này như các đề xuất trước đó.
Trên thực tế, sau khi được áp dụng việc vốn vay trên TTLNH để cho vay lại, lãi suất kỳ hạn một tuần, trên TTLNH đạt đỉnh 25% vào ngày 10.11, rồi tụt xuống 9% trong ngày 19.11.
Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất trên TTLNH tăng hay giảm là do lượng vốn NHNN bơm vào thị trường mở (OMO) có đủ đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng hay không, chứ không phải do việc gỡ bỏ quy định hạn chế vay trên TTLNH để cho vay lại.
Đầu cơ?
Cụ thể, trong tuần từ 8 – 12.11, lãi suất TTLNH kỳ hạn qua đêm và 1 tuần vọt lên lần lượt ở mức 17% và 25% khi NHNN dừng cho vay kỳ hạn 28 ngày và tăng lãi suất kỳ hạn 7 ngày từ 7% lên 8,75%. Hơn nữa, cả tuần, NHNN chào ra trên thị trường mở 75.000 tỉ đồng trong khi nhu cầu đăng ký lên đến 280.000 tỉ đồng.
Hiện tại, NHNN mới công bố thông tin tuần lễ 6 – 12.11. Còn theo hãng tin Reuters, tuần từ 13 – 19.11, lãi suất liên ngân hàng trung bình cả tuần ở kỳ hạn qua đêm giảm 2,5%, từ mức 12,3% xuống mức 9,8%; kỳ hạn 1 tuần giảm từ 12,7% về mức 10,8%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 12,9% về mức 11,5%.
Theo ông Nghĩa, nguyên nhân là do NHNN thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại và nối lại kỳ hạn 14 ngày, thị trường đã giảm nhiệt.
Thạc sĩ Trần Thị Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô, công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, cơn sốt lãi suất liên ngân hàng trong hai tuần trước đây phần nhiều xuất phát từ tâm lý đầu cơ nhằm đẩy lãi suất lên cao của một vài ngân hàng.
Bằng chứng là ngay sau khi NHNN tuyên bố sẽ tăng cường bơm vốn thông qua OMO và mở lại kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ngay lập tức giảm mạnh cho dù trong thực tế, động thái thực sự của NHNN trong tuần vừa rồi là hút tiền về và cũng không có phiên đấu thầu nào có kỳ hạn 14 ngày được mở.
Cụ thể, trong tuần từ 13 – 19.11, NHNN đã tiếp tục bơm một khối lượng tiền khá lớn 61.000 tỉ đồng nhưng số tiền hút về còn lớn hơn, lên tới 71.000 tỉ đồng. Đây là tuần có lượng tiền hút về cao nhất kể từ cuối tháng 5.2010.
Ngân hàng thương mại tranh thủ
Lãi suất liên ngân hàng tăng nóng thời gian vừa qua đã tạo cơ hội cho những ngân hàng có năng lực tài chính tăng lợi nhuận.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho biết, một số ngân hàng lớn đã nhân cơ hội đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng lên cao nhằm ép các ngân hàng nhỏ đang trong tình trạng thiếu hụt khả năng thanh toán.
Theo vị này, phản ứng từ phía các ngân hàng nhỏ là đẩy lãi suất huy động trên thị trường dân cư lên cao. Ông này cũng cho biết, hiện tượng lãi suất trên TTLNH giảm một phần do nhiều ngân hàng nhỏ đã tăng mạnh huy động vốn trên thị trường dân cư trong tuần qua nhờ có mức lãi suất thưởng cao hơn các ngân hàng lớn.
Bà Cao Thị Thuý Nga, phó tổng giám đốc ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn phải được các ngân hàng tính đến.
Những ngân hàng nào có nguồn vốn nhàn rỗi sẽ cho vay trên TTLNH nhằm tạo sự lưu thông của dòng tiền và cũng là tăng doanh thu và lợi nhuận. Về phía ngân hàng, đây chỉ là cơ hội để họ cơ cấu lại nguồn khách hàng sao cho chất lượng tín dụng được tăng lên chứ không phải dừng cho vay...
Theo Minh Huệ
SGTT