May mắn cho hơn 2 triệu cổ động viên từ khắp châu Âu đổ về Pháp là trời nắng đẹp trong ngày khai mạc tại sân vận động Stade de France ở ngoại ô Paris. Cùng với 10 thành phố lớn tổ chức các trận thi đấu trong khuôn khổ Euro 2016, Paris muốn thể hiện tinh thần thể thao và lòng hiếu khách với rất nhiều hoạt động văn hóa nhân sự kiện này.
Bên ngoài tòa thị chính Paris là triển lãm hình ảnh 30 cầu thủ châu Âu nổi tiếng nhất: từ Fritz Walter đến Franz Beckenbauer (Đức), từ Johan Cruyff đến Ruud Gullit hay Marco Van Basten (Hà Lan), từ Lev Yachine đến Oleg Blokhine (Liên bang Xô Viết), từ Michel Platini đến Eric Cantona hay Zinedine Zidane (Pháp), Roberto Baggio hay những cầu thủ vẫn đang thi đấu như Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Zlatan Ibrahimovic (Thụy Điển)…
Sự nghiệp, tính cách hay khoảnh khắc đáng nhớ nhất của mỗi cầu thủ được bình luận qua ngòi bút của 30 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Từ giải Vô địch châu Âu đầu tiên diễn ra vào năm 1960 tại Pháp theo ý tưởng của tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) lúc bấy giờ là Henri Delauney, quả bóng tròn đã chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội ngày nay.
Một cuộc triển lãm khác, “Les Maillots des Légendes” (Chiếc áo của những huyền thoại) cũng được mở ra đúng ngày khai mạc Euro 2016. Cổ động viên và khách thăm quan có cơ hội khám phá bộ sưu tập "có một không hai" những chiếc áo thi đấu của các cầu thủ nổi tiếng nhất lịch sử bóng đá, từ Pélé đến Platini, từ Beckham đến Cristiano Ronaldo.
Champs de Mars có sức chứa đến 92 người hâm mộ bóng đá cùng lúc. |
Tinh thần lễ hội của Paris còn được thể hiện rõ qua fanzone Champs-de-Mars, ngay dưới chân Tháp Eiffel. Đây là khu vực dành cho cổ động viên lớn nhất nước Pháp với sức chứa khoảng 92 ngàn người, mở cửa liên tục trong suốt thời gian thi đấu, ba tiếng trước mỗi trận đấu cho đến nửa đêm.
Một buổi hòa nhạc miễn phí đã được tổ chức vào tối 9/6 để khai mạc khu fanzone ngay dưới chân Tháp Eiffel. Tại fanzone Champs-de-Mars, cổ động viên có thể theo dõi các trận đấu qua màn hình khổng lồ 432m².
Niềm tự hào mà giám đốc phụ trách an ninh fanzone, Karim Herida, nhắc đi nhắc lại trong buổi phỏng vấn chương trình Le Petit Journal (7/6): “Đây là màn hình lớn nhất trên thế giới với công nghệ vô cùng đặc biệt. Chưa bao giờ người ta dựng được một màn hình lớn như vậy cho một sự kiện”. Ngoài màn hình chính lớn gấp 10 lần kích thước màn hình đặt tại sân vận động còn có 8 màn hình lớn khác được đặt ở nhiều vị trí trong khu vực.
Không chỉ có bóng đá, khu vực dành cho cổ động viên rộng hơn 130.000 m² nằm ngay gần Tháp Eiffel được thiết kế để “trở thành một nơi tập trung vui chơi, pic-nic cho các cổ động viên, cũng như người dân Paris”, theo giải thích của ông Jean-François Martins, trợ lý thị trưởng Paris đặc trách thể thao và du lịch.
Trục đường chính giữa khu Champs-de-Mars, trước màn hình khổng lồ, là nơi tập trung của cổ động viên. Một bên thảm cỏ dành cho khu vực ăn uống, giải khát lưu động và bên kia là các quầy trưng bày triển lãm của các nhà đối tác của Paris.
Những tổ chức này cũng có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí và một số chương trình ca nhạc trong suốt thời gian diễn ra Euro 2016. Giữa hai trận đấu bóng, trẻ em hay người lớn đều có thể tham gia vào các xưởng thủ công, học vẽ, học nhảy, hát karaoke hay ngả lưng trên những chiếc võng và những chiếc ghế dài…
Nhà cung cấp viễn thông Orange kết hợp với thành phố Paris thực hiện chương trình “Thắp sáng tháp Eiffel” với màu cờ của đội tuyển được ủng hộ nhiều nhất và nhắc đến nhiều nhất trong ngày trên các mạng xã hội nhờ các từ khóa hashtag như #FRA, #CZE, #UKR… Sau trận đấu cuối cùng mỗi ngày, tháp Eiffel sẽ mang màu cờ của đội tuyển được nhắc đến nhiều nhất và cùng với những thông điệp cổ vũ tinh thần hay nhất của fan.
Về vấn đề an ninh, sau hơn một tháng chuẩn bị với kinh phí khoảng 16 triệu euro, fanzone Champs-de-Mars được bảo đảm an ninh 24/24h với 400 nhân viên an ninh túc trực bên trong và khoảng 1.100 nhân viên bên ngoài khu vực.
Tại 6 lối vào fanzone, cổ động viên sẽ phải qua ba vòng kiểm tra an ninh do lực lượng cảnh sát phụ trách, từ kiểm tra đồ dùng cá nhân, túi xách, đến rà soát cơ thể. Bên trong khu vực còn có lính bắn tỉa và lính rò mìn và 46 camera theo dõi 360 độ cho phép giám sát toàn bộ khu vực.
Champs de Mars có sức chứa đến 92 người hâm mộ bóng đá cùng lúc. |
Thành phố Paris cam kết bảo vệ nguyên trạng môi trường và môi sinh quanh khu vực fanzone. 28 cây thông trong khu vực này đã được rào cẩn thận để tránh bị cổ động viên giẫm đạp.
Người hâm mộ và du khách tham gia sự kiện được yêu cầu giữ vệ sinh chung và phân chia rác thải theo đúng quy định. Tuy nhiên, với cuộc đình công của nhân viên môi trường đô thị đang diễn ra, chưa biết Paris sẽ phải tính đến biện pháp nào để thu gom rác thải, khi mà nhiều quận trong Paris đang bị rác thải tràn đầy hè phố và bắt đầu bốc mùi?.
Đa dạng văn hóa trong 24 đội tuyển Euro 2016
Trong số 24 đội tuyển châu Âu tranh Cúp Bóng đá Euro 2016, chỉ riêng Rumani là có toàn bộ 23 cầu thủ đều sinh ra và lớn lên trên quốc gia này. Đội bóng Pháp có đến 15 cầu thủ người gốc ngoại quốc. Anh, Đức và Bỉ cũng có rất nhiều các cầu thủ da màu. Ngay cả những đội bóng khép kín nhất như Nga hay Ba Lan cũng đã "nhập" những cầu thủ giỏi từ Brazil hay của Cộng hòa Séc về thi đấu.
Theo một nghiên cứu gần đây của đại học Mỹ Dulles, bang Virginia, hầu hết các đội tuyển quốc gia của châu Âu đều có những cầu thủ người nước ngoài, hay xuất thân từ các gia đình nhập cư. Thủ môn của đội tuyển Nga là một người gốc Brazil; ngôi sao của đội tuyển Bồ Đào Nha, William Carvalho là người gốc Angola. Ngay cả trong đội bóng Tây Ban Nha, đương kim vô địch châu Âu, có một cầu thủ gốc Nhật Bản.
Theo thống kê, đội Pháp có tổng cộng đến 15 cầu thủ gốc ngoại quốc. Bỉ và Đức theo sau, theo thứ tự là 10 và 13 vận động viên nước ngoài nhập cuộc. Chỉ cần nhìn vào thành phần đội bóng, cũng đủ cho thấy sức mạnh của bóng đá châu Âu có được là nhờ du nhập các tài năng từ phương xa đến, chủ yếu là từ các nước thuộc địa cũ của Anh, Pháp, Bỉ.
Thực ra, lâu nay cũng chẳng còn ai thắc mắc khi thấy danh thủ người Thụy Điển lại có cái tên là Zlatan Ibrahimovic. Công luận cũng không còn ngạc nhiên khi thấy đội bóng danh tiếng của Ý đã tuyển chọn một cầu thủ Ai Cập, hay một cầu thủ châu Âu nổi tiếng theo đạo Hồi và cho dù phải ra sân vẫn nghiêm túc nhịn ăn trong mùa chay Ramadan của người Hồi giáo.
Nét đa dạng về văn hóa, về sắc tộc trong 24 đội tuyển tham dự giải Euro 2016 là bằng chứng rõ rệt cho sức mạnh của châu Âu. Bất luận về ngôn ngữ hay màu da, hàng trăm triệu người châu Âu đều chăm chú theo dõi các cầu thủ đến từ khắp 5 châu, với một ước mơ duy nhất là đội nhà đi xa nhất trong mùa Euro lần này.
Còn với tất cả 552 cầu thủ đại diện cho 24 quốc gia đến Pháp thi đấu, thì mục tiêu duy nhất là đem lại vinh quang cho quốc gia của mình. Đó là hình ảnh đẹp nhất của nền bóng đá Âu châu nói riêng, của cả Lục địa già nói chung khi đã mở rộng vòng tay đón những tài năng trẻ từ bốn phương.