Những câu chuyện ly kỳ, huyền bí
Đền Cờn thuộc phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) từ xưa tới nay được biết đến là một trong những nét văn hóa tâm linh quan trọng của người dân Nghệ An. Đây được xem là ngôi đền linh thiêng nhấtxứ Nghệ, đứng đầu 4 đền nổi tiếng (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng).
Đền Cờn được chia thành đền Cờn trong và đền Cờn ngoài, hợp thành một thể thống nhất “hai trong một”. Tuy nhiên, một đền nằm trong đất liền, còn một đền nằm ngoài cửa biển. Đền Cờn trong nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra dòng sông Mai Giang thơ mộng, sau đền có hai đồi nhỏ nhô lên như cánh phượng, tọa lạc ở vị trí phong thủy hiếm có “đầu tựa sơn, chân đạp thủy” thờ Tứ vị thánh nương Nam Hải đại càn quốc gia. Đền Cờn ngoài cách đền Cờn trong khoảng 1km đi sâu vào trong làng, án ngự trên dãy núi Thằn Lằn, mé cửa biển lạch Cờn.
Đền Cờn - một địa chỉ văn hóa tâm linh linh thiêng ở xá Nghệ. |
Đền được dựng lên để thờ Tứ vị thánh nương là ba mẹ con Công chúa nước Nam Tống: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai Công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Đền còn thờ cả các vị thần là vua Tống Đế Bính, các quan Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu… Ngoài ra, đền còn thờ một khúc gỗ thiêng và vỏ hạt lúa.
Có rất nhiều truyền thuyết về sự tích ngôi đền này. Truyền thuyết được mọi người biết tới nhiều nhất là:Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), quân Tống thất bại trong trận chiến Tống – Nguyên, vua Tống Đế Bính cùng quan quân tự vẫn. Thái hậu Dương Nguyệt Quả, cùng hai công chúa và bà nhủ mẫu nhảy xuống biển tự vẫn, thân xác sau đó trôi dạt vào cửa Tráp (cửa Càn).
Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối nhưng mặt hoa da phấn, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra mùi thơm như quế thì làm lạ, bèn chôn cất cẩn thận và lập miếu thờ. Sau đó, mỗi lần ra khơi các ngư dân thường đến cầu khấn và thấy linh nghiệm. Từ đó, dân làng đặt tên cho địa phương mình là Hương Cần, hay còn gọi là Phương Cần.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa đền Cờn thì dừng lại nghỉ ngơi. Nửa đêm, nhà vua nằm mộng thấy nữ thần khóc và nói: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến nơi này. Thượng đế phong cho làm Thần Biển ở đây đã lâu, nay bệ hạ đem quân đi,thiếp xin giúp đỡ lập công”. Vì giấc mộng ấy mà sáng sớm hôm sau, nhà Vua liền mời các bô lão trong vùng đến để hỏi sự tích về đền Cờn.
Sau khi biết chuyện, nhà vua liền vào cúng tế, sau đó dẫn quân đi trận và thắng lợi trở về. Vua làm lễ phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương”, sau đó ban thưởng vàng bạc và cho người mở rộng Đền.
Năm Hồng Đức thứ 1 (1470), vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương Nam cũng dừng chân tại đây, vào đền làm lễ. Nhờ Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà vua đã đánh thắng giặc. Khi trở về, vua cho trùng tu Đền nhằm báo đáp các vị Thánh Nương đã giúp nước, giúp dân.Từ khi lập Đền, ngư dân trong vùng mỗi lần giong thuyền ra khơi đều đến cầu khấn sự bình an trở về.
Ngay những tấm gỗ, cột đình nghìn tuổi ở đền Cờn cũng có nhiều huyền thoại. Theo chia sẻ của các cụ cao niên trong làng, cách đây rất lâu, sau một trận lũ lụt sớm, khi nước rút, một khúc gỗ trầm hương mắc kẹt vào bến đò cũ nên người dân làng Kẻ Càn vớt vào bờ.
Lạ lùng thay, ai chạm vào khúc gỗ cũng bị chảy máu khiến dân làng sợ hãi. Một người già trong làng vốn có kinh nghiệm bèn lập đàn cầu khấn: “Là khúc gỗ độc thì sẽ thả trôi sông, còn nếu là thần hiển linh thì đừng gây chảy máu cho người dân nữa mà hãy nằm yên để chúng con đưa về thờ cúng”. Dứt lời, khúc gỗ nằm yên, mọi người chạm vào đều không sao.
Đến nay, khúc gỗ thần ngày ấy đã được chế tạo thành cột trong đền Cờn. Trải qua thử thách của thời gian, bao mưa bom, bão đạn của chiến tranh, cột đền ấy vẫn vẹn nguyên.
Ngôi đền với những lễ hội cổ xưa
Ngoài những câu chuyện nhuốm màu liêu trai, đền Cờn cũng được biết đến với những lễ hội cổ xưa nhất của xứ Nghệ. Lễ hội đền Cờn mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh.Trước đây, lễ hội đền Cờn được nhân dân tổ chức hàng năm cầu mong an lành, hạnh phúc và là một hoạt động sinh hoạt văn hóa mang tính cổ truyền của các làng chài ven biển Quỳnh.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lễ hội không còn được tổ chức, nhưng từ năm 1999 đã được khôi phục lại như hiện tại.Hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 19-21 tháng Giêng âm lịch. Đây là dịp để người dân trong vùng và du khách thập phương đến với lệ hội đền Cờn với mong ước một năm trời yên biển lặng, cuộc sống bình an.
Một màn tung kiệu đặc sắc trong Lễ hội Đền Cờn. |
Lễ hội đền Cờn bao gồm 2 phần chính. Phần Lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội diễn ra với các hoạt động văn hóa truyền thống như các trò chơi dân gian: diễn trận thủy, đu tiên, đánh vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng…
Điểm nhấn trong phần hội của đền Cờn là tục chạy Ói. Đây cũng có thể coi là nét độc đáo trong lễ hội đền Cờn. Tục chạy Ói, một lễ nghi tái hiện lại sự tích về Tứ vị Thánh Nương được thờ ở đền Cờn và vị sư được thờ ở đền Quy Lĩnh ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu.
Trong các hoạt động lễ tế ở đền Cờn, lễ tế bánh dày là một tục lệ đã có trên 200 năm được duy trì và phát triển đến ngày nay. Lễ tế bánh dày ở đền Cờn Nghệ An là sản phẩm văn hóa phi vật thể, độc đáo của địa phương, được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ tế nhằm cầu cho quốc thái dân an, ca ngợi sự linh thiêng của đền Cờn, cũng như vẻ đẹp phong cảnh của người dân vùng biển.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc, nhiều lần trùng tu, năm 1993 đền Cờn được công nhận di tích văn hóa quốc gia. Với tuổi đời gần 800 năm “Đệ nhất linh từ” của xứ Nghệ từ xưa tới nay luôn là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa về vãn cảnh. Những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền và địa phương, đền Cờn thêm nghiêm trang, lễ hội ngày càng thêm đông vui.
Năm 2016 lễ hội đền Cờn là một trong hai lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt XIV ở Nghệ An. Việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội đền Cờn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là sự ghi nhận đối với những giá trị văn hóa và lịch sử của lễ hội đền Cờn.