Đội tuyển Pháp vẫn chưa hết sốc sau thất bại 0-1 trước Bêlarút tại vòng loại Euro-2012. Thử thách khó khăn hơn đang chờ họ tại Bosnia & Herzegovina khi phải đến làm khách tại đây. So với Belarút, Bosnia là đội bóng khó chơi hơn nhiều. Trong đội hình Bosnia đang sở hữu hàng tấn công rất mạnh với tiền vệ sáng tạo Misimovic và những cầu thủ săn bàn thượng thặng như Dzeko hay Ibisevic. Chính bộ đôi Misimovic - Dzeko từng giúp Wolfsburg vô địch Đức năm 2009 là nguồn cảm hứng để Bosnia thi đấu rất thành công tại vòng loại World Cup -2010 khi họ chỉ dừng bước sau loạt đá play-off với Bồ Đào Nha. Trong trận ra quân của vòng loại Euro- 2012, Bosnia thi đấu rất tốt, thắng Luxembourg 3-0 chiếm ngôi đầu bảng. Vì thế, tâm lý của họ rất thoải mái khi tiếp đội Pháp.
Ngược lại, Pháp đang bộn bề lo âu. Về lực lượng, họ tuy có sự trở lại của tiền vệ Toulalan sau khi phải nghỉ một trận vì bị kỷ luật của LĐBĐ Pháp liên quan đến vụ nổi loạn tại Nam Phi. Tuy nhiên, việc thiếu vắng một loạt tiền vệ sáng tạo như Nasri, Hatem Ben Arfa (chấn thương), Ribery (kỷ luật) và Gourcuff (treo giò) khiến cho tuyến giữa đội tuyển Pháp khó có sinh khí trong trận này. Hàng công vốn chơi rất dở trong trận trước lại càng mỏng hơn trong trận này khi cùng một lúc 3 chân sút Saha, Hoarau và Loic Remy phải rời đội vì chấn thương. Tiền đạo Benzema đã bình phục và hứa hẹn có thể ra sân, nhưng không thể trông đợi nhiều vào chân sút này do anh chơi quá sa sút trong thời gian qua tại Real Madrid. Tương tự, tiền đạo mới được triệu tập từ Lyon là Briand cũng không hy vọng mang lại thành công, vì anh có quá ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Lúc này, người Pháp đang nhớ Anelka và Henry hơn bao giờ hết.
Nhưng cái đáng lo nhất của đội tuyển Pháp lúc này là vấn đề niềm tin. Từ năm 1937 đến trước trận thua Belarút, chưa bao giờ Pháp thua liền 4 trận như hiện giờ. Chủ tịch UEFA, Michel Platini cũng phải nhận định rằng, đội tuyển Pháp hiện hết người tài. HLV Blanc cũng không biết khi nào mới xây dựng được đội tuyển Pháp thành một tập thể như ý muốn.
Một trận đấu thu hút được sự chú ý của người hâm mộ là màn so tài giữa Thụy Sỹ và Anh. Do đội tuyển Anh rất hưng phấn sau chiến thắng 4-0 trước Bungari với màn trình diễn ấn tượng của bộ đôi Defoe và Rooney. Tuy nhiên, thông tin scandal liên quan đến vụ Rooney ngoại tình đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thi đấu của cầu thủ này. Nếu vắng Rooney, tuyển Anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thế trận tấn công. Trong khi đó, Thụy Sỹ không phải đội bóng dễ chơi vì họ liên tục góp mặt tại các giải đấu lớn gần đây và chơi phòng ngự phản công rất sắc nét. Cần nhớ, chính Thụy Sỹ là đội duy nhất trong năm 2010 đánh bại được Tây Ban Nha.
Lịch thi đấu:
BẢNG A: Thổ Nhĩ Kỳ - Bỉ, Áo – Cadắcxtan, Đức - Adécbaidan
BẢNG B: Nga – Xlôvakia, Macedonia – Ácmênia, Airơlen – Anđora.
BẢNG C: Sécbi – Xlovenia, Italia - Faroe
BẢNG D: Bêlarút – Rumani, Anbani – Lúcxămbua, Boxnia - Pháp
BẢNG E: Thụy Điển – San Marino, Hà Lan – Phần Lan, Hungari – Mônđôva.
BẢNG F: Grudia – Ixraen, Croatia – Hy Lạp
BẢNG G: Bungari – Montenegro, Thụy Sỹ - Anh
BẢNG H: Na uy – Bồ Đào Nha, Đạn Mạch - Aixơlen
BẢNG I: Séc- Lítva, Xcốtlen - Liechtenstein