Con dâu trưởng đẩy đi, con trai út đẩy lại
Cụ Phiếu (77 tuổi) có HKTT xóm Đông, thôn An Dõng, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, hiện đang ở nhờ nhà chị ruột tại thôn Đại Chí, xã Tây An, cùng huyện. Cụ có 3 người con trai là Nguyễn Ngọc Thống (56 tuổi, ngụ thôn An Dõng, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), Nguyễn Ngọc Sáu (48 tuổi, ngụ thôn Tân Nghi, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn), Nguyễn Ngọc Bộ (45 tuổi, ngụ thôn Bình Đức, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, cùng tỉnh Bình Định).
Theo lời kể của cụ Phiếu, trước Tết Giáp Ngọ, cụ đang ở nhà con trai lớn, người con trai út lên tìm mẹ hỏi sổ hộ khẩu. Trong lúc cụ đang kiếm sổ, người con trai út chửi bới chị dâu trưởng.
Thấy vậy, gia đình phía con dâu cả cho rằng con trai út của cụ “mất dạy” nên giận lây, khuyên con dâu cả không nên nuôi mẹ chồng nữa. Đến chiều mùng 6 Tết Giáp Ngọ, con dâu cả sai con trai (cũng là cháu nội cụ Phiếu) chở bà xuống bỏ trước nhà chú út.
Tối hôm đó, vợ chồng người con út không cho mẹ ăn uống và tá túc. Khoảng 3h sáng mùng 7 Tết, vợ chồng này thuê người tới chở cụ bỏ ở nghĩa địa xã Bình Thành (gần nhà anh cả) nhưng thấy việc làm thất đức, tàn ác nên người được thuê không làm.
Ngay sau đó, vợ chồng người con út dùng xe máy chở mẹ đến nghĩa địa xã Bình Thành bỏ. Trong lúc ngồi trên xe, cụ nói: “Nửa đêm nửa hôm, vợ chồng con chở mẹ đi đâu vậy, mẹ lạnh quá!” thì con dâu út lên tiếng: “Bà ngồi giữa mà lạnh gì, cứ ngồi im đó, tụi tui chở đi đâu thì chở, bà không sao hết”.
Bà lão gạt nước mắt kể tiếp câu chuyện: “Tôi tới đó, vừa lạnh vừa đói nên bò tới nhà của một người, được người ta hơ lửa sưởi ấm, chăm sóc và mua cho bún ăn”.
Đến sáng người dân tốt bụng này gọi con dâu cả ra chở cụ về nhà, nhưng đến chiều người con dâu cả lại sai con trai chở mẹ chồng bỏ xuống nhà em gái của mẹ chồng.
Để xác thực thông tin trên, Xa lộ Pháp luật tìm đến bà Phan Thị Ảnh (64 tuổi, ngụ thôn An Dõng, xã Bình Thành), người được cho là đã đưa cụ Phiếu vào nhà, sưởi ấm, cho ăn.
Nhân chứng này khẳng định: “Đúng là có sự việc người con trai út đang tâm bỏ rơi mẹ già ngoài trời lạnh vào gần 4h sáng mùng 7 Tết âm lịch. Lúc vợ chồng tôi đang ngủ thì nghe tiếng rồ ga trước nhà, tưởng có ai mua đồ sớm nên tính mở cửa thì nghe tiếng thì thào: “Ảnh ơi Ảnh, mở cửa cho bà vào với con, bà lạnh lắm”.
Cụ Phiếu nghẹn ngào kể lại câu chuyện bị đàn con bỏ rơi |
Nghe vậy, tôi liền mở cửa thì thấy cụ Phiếu người co ro, ướt sũng trong đêm sương lạnh. Hoảng hốt, vợ chồng tôi đưa cụ vào nhà rồi đắp mền, đốt lửa sưởi ấm cho cụ”.
Nỗi đau mảnh đất chia cắt tình máu mủ
Bà lão tội nghiệp cho biết, trước kia cụ thuộc diện hộ nghèo và sinh sống ở thôn Tân Nghi, xã xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn (là ngôi nhà hiện nay vợ chồng con trai thứ hai đang ở).
“Tuy nghèo nhưng cả đời mình, tôi lo làm ăn cật lực nuôi nấng con cái khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho con rồi chia mỗi đứa một mảnh đất. Thương con nên tôi vẫn sống một mình với thửa đất còn lại vì không muốn phiền hà đến con cháu”, cụ nhớ lại.
Điều 151 Bộ luật Hình sự: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Biến cố bắt đầu xảy ra vào năm 2011, khi người con trai cả đề nghị nuôi dưỡng và giao lại phần đất đai của mẹ cho mình. Những đứa con còn lại không đồng ý. Cuối cùng, cụ Phiếu vẫn đành chấp thuận và làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con cả, đổi lại cụ “được quyền” về sống chung.
Từ ngày mẹ về ở chung, vợ chồng con cả thường gửi cụ cho họ hàng, anh em thân thích chăm nom giúp với lý do “làm ăn xa”. Chị gái của cụ Phiếu cho biết: “Cả 3 thằng con của em tôi, thằng nào cũng bất hiếu, thằng nào cũng sợ vợ, hễ vợ hét lên là tụi nó phủi tay với mẹ già, không ngó ngàng đến người sinh ra và nuôi mình nên người. Tôi thì bị thương tật ở chân, chồng tôi thì bị bệnh tim phải sống nhờ vào con cái, thế nhưng các con tôi vẫn bảo mẹ cố gắng nuôi dì chứ đừng bỏ, tội dì”.
Nghe chị mình nói vậy, cụ Phiếu giàn dụa nước mắt: “Từ ngày tôi về ở với chị gái, chẳng đứa con nào hỏi thăm mẹ được một câu. Vợ chồng đứa lớn thì dắt nhau vào Sài Gòn, vợ chồng hai đứa còn lại thì không ngó ngàng. May còn chị gái, các cháu thương tình đón nhận về nuôi…”.
Đàn con của bà lão khốn khổ nói gì?
Ông Lê Bá Sơn, Trưởng thôn Tân Nghi, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, xác nhận: “Có sự việc năm 2011, người con trai cả về làm thủ tục xin sang tên phần đất của mẹ sang cho mình và có cam kết sẽ phụng dưỡng mẹ già. Các con cụ Phiếu tuy không giàu nhưng kinh tế đều ổn định. Trong đó con trai cả vào miền Nam theo nghề đàn ca tài tử, con trai thứ buôn gỗ, con trai út buôn bán trái cây”.
Vị trưởng thôn cho biết thêm: “Không rõ các con bà Phiếu có mâu thuẫn gì với nhau hay không. Tôi chỉ nghe là mỗi lần đi làm xa, con trai cả đều chở mẹ đi gửi nhà người khác”.
Thời điểm phóng viên về địa phương tìm hiểu sự việc, gia đình con trai cả bà lão đã vào Nam làm ăn, con trai thứ thì mấy năm nay không đếm xỉa gì đến mẹ.
Còn con trai út thì phân bua: “Nếu vợ chồng anh cả không nuôi mẹ già thì cả vợ chồng dẫn mẹ xuống nhà tôi, chứ sao lại để khi chồng đi vắng, chị dâu mới sai con trai chở mẹ xuống bỏ trước nhà, làm sao tôi dám nuôi? Tôi “chở” mẹ lên lúc sáng sớm, đến trưa chị dâu đi vào Nam mất”.
Xa lộ Pháp luật cũng đã gọi điện cho con trai thứ của bà cụ, hỏi về trách nhiệm nuôi mẹ, được người này cho biết: “Việc nuôi mẹ là của anh cả, tôi đã gọi điện cho anh ấy và được hẹn cuối tháng sẽ về quê giải quyết chuyện gia đình”.
Trước sự việc khiến những người có lương tri bất bình, đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc, xác minh làm rõ hành vi vô trách nhiệm của những người con đối với mẹ già.