Hoành tráng, nói bằng ngôn ngữ huyền thoại và ước lệ, thể hiện nội dung qua hình khối,… đó là những gì mà Ban tổ chức (BTC) muốn tạo nên một không gian biến hóa và đầy màu sắc cho đêm bế mạc mang tên Thăng Long – Hà Nội – Thành phố rồng bay này.
Nghìn năm tụ hội
Theo Tổng đạo diễn Trọng Đài, chương trình được chia làm ba chương: Quyết định trọng đại, Tinh hoa nghìn năm văn hiến, Thời đại Hồ Chí Minh, ngày hội non sông, thông điệp thành phố vì hòa bình. “Các chương tái hiện thuở hồng hoang của dân tộc, sự ra đời “những đứa con của Rồng”, từ đó dẫn đến quá trình lập nước, giữ nước và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Chương trình cũng âm vang những bản thiên cổ hùng văn như: Nam quốc sơn hà, Cáo bình Ngô, Tuyên ngôn độc lập…”, nhạc sĩ Trọng Đài chia sẻ thông tin.
Đêm nghệ thuật này còn quy tụ các nghệ sĩ trên toàn quốc, trong đó có Mỹ Linh, NSƯT Mạnh Trung, NSƯT Mai Hoa, Vành Khuyên… cùng dàn hợp xướng ĐH Văn hóa, được hỗ trợ bởi vũ điệu ánh sáng và bữa tiệc âm nhạc hoành tráng.
Chương trình còn có dàn trống hội Thăng Long 100 người và dàn trống đồng 100 người, trong trang phục Âu Lạc. Đặc biệt, Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân, Á hậu Đặng Thùy Trang và người đẹp áo dài Hạ Hoàng Anh sẽ tham gia chương trình với những nếp áo, vấn tóc đượm nét thanh lịch, sang trọng của người con gái Hà thành trong bối cảnh của Hà Nội xưa.
Đêm bế mạc Đại lễ sẽ để lại ấn tượng sâu đậm cho người xem. |
Không chọn cách làm an toàn Chương trình Đại lễ
Theo đề án ban đầu, chương trình định diễn ra ở hồ Tây, nhưng sau BTC đã quyết định chuyển chương trình về Mỹ Đình vì muốn tận dụng sức chứa của sân vận động để tạo điều kiện cho nhiều người xem hơn. “Nếu chọn cách làm an toàn, sạch sẽ thì rất dễ, đỡ tốn thời gian, nhưng làm để thăng hoa, bứt phá cùng cảm xúc thì quả là nhiều sức ép”, nhạc sĩ Trọng Đài chia sẻ.
Để bắt tay thực hiện chương trình, nhạc sĩ Trọng Đài cùng các cộng sự đã bàn kỹ với nhà văn Nguyễn Khắc Phục từ ý tưởng, kịch bản văn học, kịch bản dàn dựng… “Vô vàn sức ép về chuyên môn, tổ chức, công nghệ, thời gian với không dưới một triệu thông tin cần xử lý. Những rủi ro về thời tiết, khó khăn do làm việc quá tải, thậm chí cả lực lượng đồng diễn cũng phải có kinh nghiệm, nếu không có nghiệp vụ rất mất thời gian, kịch bản sẽ bị phá vỡ… Nhưng rất may là mọi người đều hướng về phía trước, các đơn vị đều mong muốn được cống hiến”, nhạc sĩ Trọng Đài tâm sự.
Vất vả nhất trong thời điểm này là nhóm làm ánh sáng của Dũng Martin. Vì lắp đặt hệ thống đèn nên họ phải làm việc từ tối đến sáng. Còn các chuyên gia trong và ngoài nước đang quyết tâm làm nên những vũ điệu ánh sáng theo sắc màu thời gian, nhịp điệu âm nhạc đầy ấn tượng và mới lạ để mang đến cho khán giả cả nước một đêm lễ hội đầy màu sắc nhưng không kém phần hùng tráng…
Ngày 9.10
6h: Đua xe đạp xuyên Việt quốc tế xung quanh Hồ Hoàn Kiếm.
7h30: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội và 62 tỉnh … vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng tượng đài Liệt sỹ.
9h: Động thổ xây dựng Nhà hát Thăng Long tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Xuân Đỉnh, Từ Liêm.
9h: Khánh thành Rạp Đại Nam tại phố Huế, Hai Bà Trưng.
20h00: Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời trên địa bàn thành phố.
Ngày 10.10
8h: Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình.
20h: Đêm hội Văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Nguồn: Đất Việt