Đề xuất xử lý tình trạng phương tiện vi phạm giao thông tồn đọng

Hình ảnh xe vi phạm dầm mưa dãi nắng tại một bãi trông giữ.
Hình ảnh xe vi phạm dầm mưa dãi nắng tại một bãi trông giữ.
(PLVN) - Theo báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính của Bộ Công an, từ năm 2013 đến nay đã tạm giữ, tịch thu được hơn 17,4 triệu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trong đó đã trả lại hơn 4 triệu tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển cơ quan điều tra gần 190 nghìn tang vật, phương tiện; tiêu hủy hơn 5 triệu tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ hơn 5 triệu tang vật, phương tiện; nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỷ đồng.

Việc bố trí, xây dựng và bảo đảm tiêu chuẩn nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu đã được quan tâm, bố trí kinh phí và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, thực tế hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu. Nhiều địa phương hiện không có nơi tạm giữ tập trung như Hải Phòng, tỉnh Gia Lai, tỉnh Lào Cai.

Hầu hết các đơn vị chức năng trên địa bàn các tỉnh đều tận dụng các phòng làm việc, trụ sở cơ quan để thực hiện công tác bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm, không có kho chứa chuyên dụng riêng biệt cho từng loại tang vật, phương tiện. Nhiều trường hợp phải thuê kho, bãi hoặc nhà dân làm nơi tạm giữ.

“Báo cáo của Bộ Quốc phòng cho thấy lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển là hai lực lượng có số vụ việc phải tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhiều. Số lượng tang vật, phương tiện tạm giữ lớn nhưng hiện nay phần lớn các đơn vị chưa có kho hoặc khu tạm giữ tang vật, phương tiện, nhất là với các tang vật, phương tiện có kích thước lớn”- Bộ Công an cho hay.

Điều đó dẫn đến hạn chế lớn trong việc bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông có số lượng phương tiện bị tạm giữ, tịch thu rất lớn, kích thước cồng kềnh, nhiều trường hợp người vi phạm không đến nhận lại phương tiện do số tiền phạt cao hơn giá trị phương tiện.

“Vẫn còn tình trạng các phương tiện tồn đọng lâu ngày, gây mục nát, hư hỏng, lãng phí tài sản xã hội mà chưa được xử lý, tình trạng chủ phương tiện, tang vật không đến nhận lại phương tiện, tang vật còn xảy ra nhiều”, Bộ Công an nêu thực tế.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay đã có trên 1,7 triệu tang vật, phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ, trong đó đã trả lại cho chủ tang vật, phương tiện 25,5 nghìn tang vật, phương tiện; tịch thu, bán đấu giá gần 976.000 phương tiện, tang vật và tiêu hủy trên 685.600 tang vật, phương tiện…

Từ thực tế đó, Bộ Công an đề xuất rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận (không có lý do chính đáng) hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận lại thì cần có quy định để rút gọn các thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh trường hợp tang vật, phương tiện bị tồn đọng lâu ngày, phát sinh các chi phí.

“Làm rõ trường hợp chủ phương tiện đã đặt tiền bảo lãnh nhưng không đến giải quyết thì việc sử dụng phương tiện có hợp pháp hay không. Bổ sung quy định cụ thể về việc tịch thu tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ; thủ tục chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá, tiêu hủy, tạo cơ sở để áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ”, Bộ Công an đề xuất. 

Đọc thêm

Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: tạo đà cho những bước tiến xa

Phối cảnh dự án khu phức hợp văn phòng, thương mại, khách sạn, nhà ở, công trình văn hóa đang được xây xung quanh nhà ga mới Takanawa Gateway theo nguyên lý TOD tại trung tâm Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: DPA)
(PLVN) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đường sắt đô thị là phương tiện gần như thuận tiện nhất và bảo đảm môi trường nhất. Chính vì vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị vừa giúp giải bài toán giao thông và môi trường đang nhức nhối tại các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xa hơn là tạo đà cho sự phát triển các đô thị và cả các khu vực xung quanh.

Thêm trường hợp bị thu hồi Giấy phép kinh doanh từ 1/6

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh (GPKD) từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp GPKD hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên GPKD 6 tháng liên tục trở lên...

Ô tô lao xuống sông trong đêm, một người tử vong

Ô tô lao xuống sông trong đêm, một người tử vong
Khoảng 18 giờ 45 phút, ngày 19/4 trên đường Bạch Đằng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, xe ô tô biển kiểm soát 34A - 673.01 hiệu Mazda CX5 đã lao xuống sông Sặt, khu vực trước cổng Tỉnh ủy Hải Dương khiến lái xe Nguyễn Ngọc Hạnh, sinh năm 1967 (sống ở phố Nguyễn Tuân, đăng ký thường trú tại phố Trương Mỹ, phường Trần Phú, thành phố Hải Dương) tử vong.

Dồn sức thông xe hai dự án cao tốc Bắc - Nam trước 30/4

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Nhà thầu dự án cung cấp)
(PLVN) - Không chỉ thi công 3 ca, 4 kíp suốt ngày đêm, nhiều nhà thầu còn sẵn sàng tăng cường máy móc, nhân lực sang hỗ trợ nhà thầu khác đang gặp khó để nỗ lực đưa 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào hoạt động trước dịp 30/4.

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.