- Thưa TS, bà đánh giá thế nào về đề xuất đầu tư, triển khai hệ thống giao thông thông minh (GTTM), trong đó có việc lắp đặt 600 camera giám sát phương tiện giao thông của Sở GTVT Hà Nội?
- Trước hết phải khẳng định, phát triển GTTM đã được Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu với lộ trình đầy đủ, trong đó lắp đặt camera giám sát phương tiện là giai đoạn khởi đầu. Hầu hết các đô thị muốn phát triển GTTM đều sử dụng tiến trình tương tự.
Việc lắp đặt camera là cần thiết và có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giám sát phương tiện, xử lý phương tiện vi phạm. Quan trọng hơn, đây là cách thức thu thập dữ liệu về giao thông như đo đếm lưu lượng, ghi nhận thời điểm và thời gian xảy ra ùn tắc giao thông khi các sự cố (tai nạn, ngập lụt…) để tạo được kho dữ liệu lớn.
Từ đó mới có cơ sở để xây dựng các thuật toán để phân tích, tính toán, ra các quyết định điều tiết lại mạng lưới giao thông như tổ chức lại chu kì đèn tại các nút giao, tổ chức phân làn động theo cao điểm sáng và cao điểm chiều, xử lý sự cố ùn tắc giao thông thông qua hệ thống cảnh báo từ xa.
- Theo bà, khi hệ thống này đi vào hoạt động sẽ giúp ích được những gì cho người dân, liệu thực trạng “quá tải” hạ tầng giao thông, hay như chuyện tắc đường sẽ được giải quyết?
- Trước nay, nhiều người cho rằng để giải quyết thực trạng “quá tải” hạ tầng giao thông thì phải đầu tư xây dựng thêm cầu thêm đường, mở rộng các nút giao. Tuy nhiên, quản lý giao thông không chỉ tiếp cận ở phía tăng cung, mà một mặt rất quan trọng nữa là quản lý cầu (quản lý nhu cầu giao thông), để làm sao cho “cung - cầu” giao thông càng gần về trạng thái cân bằng càng tốt.
TS. Trương Thị Mỹ Thanh - Trưởng bộ môn Quy hoạch & Giao thông đô thị (Trường ĐH Công nghệ GTVT) |
Quản lý nhu cầu giao thông là việc áp dụng các giải pháp công nghệ, kinh tế, kỹ thuật giúp điều tiết được nhu cầu giao thông quá tập trung ở những thời điểm nhất định, hoặc lâu dài là hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân quá mức, đồng thời tăng mức hấp dẫn của giao thông công cộng.
Như vậy, khi nhìn từ góc độ quản lý nhu cầu giao thông, thì phát triển GTTM là rất cần thiết. Từ việc đo lường lưu lượng giao thông theo thời gian thực, hệ thống cảnh báo sớm sẽ thông tin đường nào đang tắc, khu vực nào đang ngập lụt, người dân sớm có thông tin để tự ra quyết định: hoặc là chưa đi ra đường vội (với những công việc chưa thật sự cần thiết) hoặc nên thay đổi lộ trình thích hợp.
Tóm lại, cảnh báo sớm để điều tiết nhu cầu giao thông là đóng góp lớn của GTTM trong việc giảm ùn tắc giao thông.
- Bà có góp ý gì để cơ quan chức năng làm tốt hơn nữa với việc quản lý, điều hành, phát triển hệ thống GTTM?
- Cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông tới công chúng về lộ trình ứng dụng GTTM và những lợi ích mang lại cho người dân đô thị khi thực hiện thành công GTTM. Các nghiên cứu đã thực hiện tốt rồi, lộ trình triển khai đã tương đối rõ ràng rồi, giờ thêm truyền thông thì người dân sẽ hiểu, sẽ tin, sẽ ủng hộ.
- Bà có thể chia sẻ một số thực tiễn về vấn đề này tại một số nước mà bà đã đến, trải nghiệm, hoặc nghiên cứu tìm hiểu?
- Một trong những chức năng của việc thông minh hoá hệ thống giao thông là đo lường và cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực, từ đó đưa ra phương án điều tiết, cảnh báo sớm tới người tham gia giao thông.
Tại Đức, nhiều tuyến cao tốc được lắp đặt hệ thống camera giám sát và biển chỉ dẫn. Khi xảy ra tai nạn giao thông trên một tuyến cao tốc, hệ thống biển chỉ dẫn trên các nút giao trước khi dẫn vào đoạn cao tốc này lập tức đưa ra chỉ dẫn cho tài xế về sự cố và đưa ra các tuyến thay thế, để tài xế lựa chọn thay đổi lộ trình.
Hoặc trong khu vực đô thị, việc đo lường được lưu lượng giao thông theo thời gian thực giúp cho việc phân làn động được triển khai khả thi. Phân làn động, nghĩa là tuỳ vào lưu lượng giao thông mà ưu tiên số làn ít hay nhiều theo chiều lưu thông của phương tiện. Ví dụ, cao điểm sáng lưu lượng lớn ở chiều từ ngoại ô vào TP, thì số làn xe theo chiều này được bố trí nhiều hơn, giúp lưu thoát giao thông nhanh hơn.
- Xin cảm ơn bà!